Home
News
Các trò chơi vận động trong nhà cho bé

Các bé ở tuổi mẫu giáo thường rất hiếu động, tò mò và luôn muốn thử những điều mới. Ở giai đoạn này, các trò chơi vận động đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Nó không chỉ giúp bé phát triển thể chất mà còn giúp tăng cường trí thông minh hiệu quả. Dưới đây là 15 trò chơi vận động cho bé mầm non, bé tập đi đơn giản, thú vị và giúp bé phát triển tốt nhất.

 

1. Vượt chướng ngại vật

Đây là trò chơi vận động trong nhà giúp rèn luyện kỹ năng vận động phức tạp. Trò này phù hợp với bé mới biết bò và chưa biết đi. Bạn cần chuẩn bị:

- Đường hầm đồ chơi

- Gối và chăn mền

- Lều cho trẻ

Cách chơi

- Đặt nhiều gối liên tiếp nhau trên sàn nhà để hình thành con đường.

- Đặt đường hầm đồ chơi ở cuối con đường bằng gối

- Sau đường hầm, bạn có thể đặt một chiếc lều nhỏ với nhiều đồ chơi mà bé thích.

 

2. Nhảy qua hộp

Đây là một trò chơi vui nhộn cho trẻ mầm non, giúp phát triển kỹ năng đứng, đi. Bạn cần chuẩn bị:

- 5 – 6 hộp carton chẳng hạn như hộp đựng giày

- Màu vẽ và cọ.

Cách  

- Hướng dẫn bé tự sơn màu lên hộp để bé hứng thú và tò mò hơn

- Đặt các hộp giấy thành một dãy, càng nhiều hộp càng tốt

- Đặt 1 món đồ chơi ở cuối hàng, sau đó yêu cầu bé nhảy qua mà không được đụng vào

- Sau khi lấy được đồ chơi, yêu cầu bé quay lại và nhảy về vị trí xuất phát.

 

3. Đẩy đồ chơi

Đẩy đồ chơi như xe hơi hay xe đẩy là cách giúp bé rèn luyện kỹ năng vận động. Trò này thích hợp với bé bắt đầu tập đi, giúp bé học cách giữ cân bằng cơ thể. Chuẩn bị

- Một chiếc xe đẩy với tay cầm vững chắc.

Cách chơi

- Đứng trước bé để hướng dẫn bé hay gọi bé đi về phía bạn

- Một người khác sẽ đứng phía sau bé để hỗ trợ, đồng thời cỗ vũ bé đi về phía trước.

- Bé có thể chơi trò này với bé khác đã biết đi trong nhà.

 

4. Lăn bóng

Lăn bóng quanh nhà không chỉ là hoạt động vui động, khiến bé cảm thấy thích thú mà còn giúp bé phát triển nhanh các kỹ năng vận động. Để chơi trò chơi vận động này, bạn có thể:

- Cho bé đẩy hoặc lăn bóng tập thể thao quanh nhà

- Trò chơi sẽ kết thúc khi bé lăn bóng hết các phòng.

 

5. Dọn dẹp phòng

Bạn có biết dọn dẹp phòng vừa là cách để tăng cường hoạt động thể chất cho cả nhà vừa giúp bé hình thành thói quen tốt không? Chuẩn bị:

- Tất cả đồ chơi của bé và những vật dụng trong nhà khác

- Sọt đựng đồ.

Cách chơi

- Đặt đồ chơi của bé trên sàn.

- Cho bé vào phòng cùng với sọt đựng đồ và yêu cầu bé nhặt các món đồ chơi mềm. Bé sẽ nhặt chúng và bỏ vào sọt.

- Sau đồ chơi mềm sẽ đến các món đồ nhựa hay các vật dụng gia đình. Bạn có thể để những chén đĩa nhựa và yêu cầu bé nhặt chúng.

 

6. Ném gối

Ném gối là trò chơi vận động cho trẻ mầm non trở lên, giúp phát triển kỹ năng bò, ngồi và ném. Bạn có thể cho trẻ chơi trò này bất cứ lúc nào nhưng sẽ vui hơn là lúc trước khi đi ngủ. Để chơi trò chơi này, bạn cần chuẩn bị:

- 6 – 7 cái gối nhỏ

- Một sọt đựng đồ.

Cách chơi

- Trải gối trên giường, một số ở gần cuối giường, một số ở đầu giường

- Bé sẽ bắt đầu từ một đầu giường, nhặt gối và ném vào sọt trên sàn để gần giường. Bé có thể bò hay đi bộ tùy theo ý muốn của bé

- Bé sẽ tiếp tục cho đến khi ném hết gối vào sọt

- Bạn có thể để sọt ở vị trí gần để bé dễ ném gối.

 

7. Trò chơi vận động di chuyển thành hàng

Đây là trò chơi vận động cho trẻ mầm non có tác dụng rất tốt trong việc nâng cao khả năng giữ thăng bằng khi đi bộ. Chuẩn bị:

- Dây ruy băng màu

- Băng keo

Cách chơi

- Dùng băng dính để dán ruy băng lên sàn thành đường thẳng rồi chuyển góc 90°, tạo nhiều đường vuông góc và song song với nhau.

- Bé cần đi bộ theo đường ruy băng, chân sau nối gót chân trước.

- Trò chơi sẽ tốt hơn khi chơi nhiều bé vì bạn có thể cho các bé nối đuôi thành đoàn tàu và đi theo nhau.

 

8. Nhảy lò cò

Đây là trò chơi dân gian cực vui dành cho các bé từ xưa đến nay. Bạn có thể tổ chức cho bé chơi ngoài trời hoặc chơi ngay trong nhà nếu có không gian rộng. Bạn có thể hướng dẫn trẻ chơi trò chơi vận động này bằng cách:

- Dùng phấn vẽ các ô trên sàn với số lượng mà bạn thích. Ghi số hay chữ cái vào các ô trên.

- Bé sẽ đứng tại vị trí bắt đầu và nhảy vào ô mà bé chọn. Bạn có thể chỉ định ô cho bé nhảy.

- Việc đọc chữ cái và con số sẽ giúp bé làm quen nhiều hơn và học được chúng nhanh hơn.

 

9. Giẫm các xốp bong bóng

Giẫm các miếng xốp bong bóng (dùng để gói hàng) bằng chân không chỉ khiến bé thích thú mà còn giúp bé phát triển cảm giác khi di chuyển. Cách chơi

- Trải xốp bong bóng lên sàn.

- Yêu cầu bé đi chân không và bước từng bước một. Bong bóng nổ dưới chân bé có thể làm bé thấy vui và thích thú.

- Khi bé đã chán đi, bạn có thể bảo bé nhảy để làm bóng nổ.

 

10. Nhảy và dừng

Nhảy luôn là cách tốt nhất để vận động cơ thể và cũng là cách để hình thành phản xạ vận động cho trẻ. Trò chơi vận động mầm non này sẽ vui và thú vị hơn nếu có nhiều bé tham gia:

- Mở nhạc và để bé nhảy theo cách bé muốn

- Thay đổi nhiều bài hát. Mỗi khi bài hát thay đổi, bé cần phải thay đổi cách nhảy

- Hãy để người hỗ trợ quan sát bé. Bé nào nhảy đẹp và đa dạng sẽ thắng

- Những hoạt động trên không chỉ giúp các bé vui vẻ mà còn trở nên hoạt bát, nhanh nhẹn. Bạn hãy dành thời gian cùng bé chơi đùa, bé sẽ thích thú và gắn kết với bạn hơn.

 

Chúc ba mẹ luôn có những thời gian vui vẻ bên con!

Vì sao nên cho bé nuôi thú cưng?

Thú cưng có thể dạy trẻ nhiều kỹ năng trong cuộc sống, giúp trẻ có trách nhiệm, tự tin hơn..., đồng thời còn là một người bạn tuyệt vời của bé. Sau đây là 10 lý do tích cực khuyến khích cha mẹ nên cho bé nuôi một con thú cưng từ khi còn nhỏ, theo liệt kê của Womanitely.

 

1. Sống có trách nhiệm

Khi nuôi thú cưng, trẻ sẽ sớm phát triển ý thức về trách nhiệm và biết chăm sóc người khác. Thú nuôi cần được quan tâm và để mắt mọi nơi mọi lúc. Chúng phụ thuộc vào người nuôi, từ việc ăn uống đến giải trí. Những đứa trẻ nếu thích nuôi thú cưng thường học được cách đồng cảm và từ bi. Học cách chịu trách nhiệm về một sinh vật khác sẽ giúp trẻ chăm sóc bản thân tốt hơn.

Điều quan trọng là việc sở hữu một vật nuôi giúp bé biết chăm sóc con vật, dần dần hình thành ý thức trách nhiệm với con vật đó. Nếu còn quá nhỏ tuổi, bé có thể giúp cha mẹ đổ đầy nước hoặc thực phẩm vào bát ăn của con vật. Khi trẻ lớn hơn, bé có thể làm được nhiều việc hơn.

 

2. Sự tự tin

Khi thành công trong việc nuôi dưỡng thú cưng, bé sẽ cảm thấy bản thân có ích. Lòng tự trọng của bé được tăng cao và bé cũng thấy tự tin hơn. Bé sẽ có cảm giác tự hào về thành tích của mình.

 

3. Giảm khả năng mắc dị ứng và hen suyễn

Kết quả công bố trên tạp chí Clinical and Experimental Allergy cho biết, những bé lớn lên với một con thú nuôi trong nhà sau này sẽ giảm một nửa khả năng mắc phải các bệnh dị ứng nghiêm trọng. Khi tiếp xúc ở mức độ vừa phải với lông vật nuôi và chất gây dị ứng khác trước một tuổi, trẻ em có xu hướng phát triển hệ thống miễn dịch khỏe mạnh hơn.

 

4. Vận động và chơi đùa

Vật nuôi, đặc biệt là chó, cần được vận động và chơi đùa. Các hoạt động mà trẻ em tham gia với vật nuôi thường là vật lý. Nhìn chung, các gia đình có vật nuôi dành nhiều thời gian ra ngoài chơi. Ánh nắng mặt trời và không khí trong lành tốt cho tất cả mọi người. Hiểu được sự cần thiết của vận động đối với sức khỏe của vật nuôi sẽ giúp trẻ em nhận ra sự cần thiết của vận động đối với chính mình.

 

5. Bình tĩnh

Một số trẻ khi ở bên vật nuôi lại cảm thấy thoải mái hơn khi ở bên người khác. Giống như người lớn, trẻ có xu hướng quay sang các con vật khi cảm thấy buồn, giận dữ hoặc khó chịu. Thật kỳ diệu, những con vật nuôi sẽ mang lại cảm giác bình yên cho trẻ và chúng luôn bộc lộ một tình yêu vô điều kiện.

 

6. Làm giảm căng thẳng

Cùng với việc giúp trẻ bình tĩnh, chó cũng giúp trẻ giảm căng thẳng. Chỉ âu yếm chú cún cưng cũng giúp trẻ có cảm giác an toàn. Nhiều người khi buồn bực thường chơi với những con cún cưng để cảm thấy thoải mái trở lại. Chó biết lắng nghe và không bao giờ nói trở lại. Nó cũng không bao giờ đưa ra những lời khuyên mà người nói không muốn nghe. Nó chỉ đơn giản là xoa dịu cho những người đang căng thẳng.

Mặc dù mèo “đanh đá” hơn chó nhưng khi là một con thú nuôi trong nhà, nó vẫn có thể giúp ta thoát khỏi những căng thẳng không đáng có. Khi ôm một con mèo nằm cuộn tròn trên tay, vuốt ve bộ lông mềm mượt của nó, cảm giác bực bội của ta sẽ tan biến.

 

7. Cải thiện kỹ năng đọc

Nhiều trẻ cảm thấy thoải mái khi đọc to một cuốn sách cho con thú cưng hơn là cho người khác. Có lẽ vì vật nuôi không bao giờ đánh giá, không bao giờ bắt lỗi, không bao giờ bắt đọc lại. Điểm mấu chốt để nâng cao kỹ năng đọc sách là thực hành nhiều lần. Trẻ càng đọc tốt, càng thu được nhiều điều bổ ích từ sách. Khi trẻ còn bé, tốt nhất là cho trẻ đọc to để có thể nghe được giọng đọc của mình.

 

8. Tìm hiểu về hậu quả

Chăm sóc thú nuôi có thể dạy cho trẻ em rất nhiều về hậu quả. Khi vật nuôi không được chăm sóc đúng cách, kết quả là có thật và trẻ dễ dàng nhận ra. Nếu cá không ăn, nó sẽ chết. Nếu chó không được chạy nhảy, nó dễ trở nên cáu bẳn. Khi mèo bị ngó lơ, nó thường tìm cách trả thù và làm những gì đặc biệt để gây chú ý...

 

9. Tìm hiểu về cam kết

Khi trẻ lớn lên cùng với một con vật nuôi, chính trẻ cũng phải có một cam kết với con vật nuôi đó. Bởi vật nuôi không phải là thứ mà trẻ có thể vất lên kệ nếu cảm thấy mệt mỏi vì phải chăm sóc. Vật nuôi cần được cho ăn, cần được tắm sạch, cần được chơi cùng và cũng cần được yêu thương mỗi ngày. Có một con vật nuôi, bé phải gắn bó và chăm sóc nó. Nuôi thú cưng dạy cho trẻ em biết cam kết và bé sẽ thực hiện thông qua các nhiệm vụ của mình.

 

10. Kỷ luật

Khi lớn lên với một con vật cưng, trẻ em học được rất nhiều điều về kỷ luật. Nếu có một con chó ở nhà, bé sẽ phải học cách đào tạo và dạy thú cách lắng nghe. Khoa học chứng minh rằng có một con chó giúp trẻ em hiểu hơn về kỷ luật. 

 

Nguồn: Sưu tầm

Nói như thế nào để con nghe lời?

Nói sao để con nghe lời mình, đó là băn khoăn của nhiều cha mẹ có con trong độ tuổi mới lớn. Bởi ở độ tuổi 10-19 tuổi, là thời điểm trẻ hình thành những suy nghĩ riêng, chính kiến của mình. Tất cả những gì trẻ được học, được quan sát và tiếp xúc, những mối quan hệ ở trường lớp hay ở ngoài xã hội đều là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến cảm xúc và tính cách của trẻ mới lớn.

Muốn dạy con bằng lời nói thật hiệu quả, ba mẹ nên chú ý 3 điều sau:
1/ Nói từng câu một: Mẹ càng nói “dông dài” con càng dễ “giả điếc”. Vì vậy, mẹ nên nói từng câu một, cho con làm xong việc này hãy giao thêm một yêu cầu khác cho con.
2/ Dùng từ đơn giản: Dùng câu ngắn, từ ngữ đơn giản. Bạn hãy nghe cách các con trò chuyện với nhau và tìm hiểu ngôn ngữ của con.
3/Trực tiếp nhìn vào mắᴛ con: Khi muốn con vâng lời, thay vì đứng từ xa quát mắng, bố mẹ nên đến gần và trực tiếp nhìn vào mắᴛ con. Khi đó, lời bố mẹ nói sẽ có hiệu lực hơn!


Ngoài ra, dưới đây là 5 mẫu câu cụ thể mà ba mẹ có thể áp dụng:
1. "Chừng nào ... thì"
“Chừng nào con làm xong nhiệm vụ ngày hôm nay thì mẹ sẽ cho con xem tivi, nhưng chỉ được 15 phút thôi nha!” hoặc “Chừng nào con bỏ thói quen thức khuya thì mẹ sẽ bảo bố đưa nhà mình đi ăn thật ngon ở nhà hàng con thích" Những cách nói này không khó cho mẹ mà lại rất dễ thuyết phục các con. Mệnh đề “chừng nào/ khi nào, lúc nào” bao hàm ý muốn tích cực hơn so với câu nói вắᴛ đầυ bằng từ “nếu” vì nó khuyến khích con sớm hoàn thành những gì đang còn dang dở.

2. "Con đang làm gì đấy, cho bố/mẹ ..."
Mẹ muốn con tắt điện thoại đi ăn cơm? Vậy thay vì đứng từ xa và quát “Nhanh bỏ điện thoại xuống vào ăn cơm mau”, mẹ hãy đi đến tận nơi và xem cùng con và hỏi “Con đang xem gì đấy, cho mẹ xem cùng với nào!” và dành ít giây để nghĩ xem con đang quan tâm điều gì. Con thấy mẹ làm vậy sẽ rất biết nghe lời khi mẹ yêu cầu điều tiếp theo, thay vì chống đối.

3. " Con thích ... hơn hay thích .... hơn"
“Con thích cái áo màu xanh hay trắng hơn?” hoặc “Con thích cuối tuần này nhà mình đi xem phim hay công viên nước?”. Những câu hỏi cho phép sự lựa chọn như thế này sẽ giúp con cảm thấy mình rất có tiếng nói và được tôn trọng. Do đó con sẽ dễ dàng đưa ra sự lựa chọn nhanh nhất theo sở thích và ý muốn của mình.

4. "Kể cho mẹ nghe, có chuyện gì vậy?"
Đôi khi người lớn cũng không muốn trả lời câu hỏi “Sao anh/chị lại làm thế?” thì làm sao mẹ có thể mong con trả lời tường tận khi hỏi “Sao con lại làm thế?”. Thay vào đó, các mẹ hãy nói “Kể cho mẹ nghe xem, có chuyện gì vậy/con vừa làm gì?” và sau đó mẹ sẽ có cơ hội hiểu tất tần ᴛậᴛ những gì xảy ra mà không cần căng thẳng với con!

5. "Khi con ... mẹ cảm thấy .... bởi vì ..."
Trẻ mới lớn thích mọi thứ phải rõ ràng, đặc biệt là với những thứ con không được làm. Chẳng hạn, mẹ có thể nói “Khi con sử dụng điện thoại nhiều, mẹ cảm thấy rất lo lắng bởi vì con có thể sa đà vào những nội dung không lành mạnh, hoặc bỏ lỡ mất thời gian cho việc luyện tập môn học mà con thích”. Chỉ cần giải thích cho con hiểu sự việc và cảm xύc của mẹ, con sẽ cảm thấy ba mẹ tâm lý và “có lý” hơn.

 

Vì dạy con là một quá trình dài, chúc ba mẹ luôn kiên nhẫn và vững tin!

Để dạy trẻ tự tắm, mẹ nên làm thế nào?

 Từ khi lọt lòng mẹ, trẻ sơ sinh cần được mẹ tắm rửa và vệ sinh cá nhân. Tuy nhiên, đến một độ tuổi nhất định, mẹ phải giao cho con tự làm việc này vì đây là một trong những kỹ năng quan trọng mà con cần phải thuần thục.

 

Thật ra, việc để cho trẻ "tự tắm" có thể diễn ra hoàn toàn tự nhiên và mẹ không cần can thiệp, tuy nhiên, việc này sẽ phụ thuộc vào tâm lý của từng bé. Vì vậy, để cho con sớm thích nghi thì mẹ nên có kế hoạch hướng dẫn bé từ từ cho đến khi có thể tự làm một mình được.

 

5 – 8 tuổi: dạy trẻ tự tắm

Nhiều bà mẹ thường bắt đầu tập cho trẻ tự tắm dần dần khi trẻ 5 – 8 tuổi. Cách tốt nhất để giúp trẻ học được kỹ năng này là dạy cho trẻ tắm và gội đầu theo từng bước. Khi tắm cho trẻ, bạn có thể giải thích cho trẻ hiểu chai nào là sữa tắm, dầu gội, dầu xả và công dụng của chúng thế nào cũng như các bộ phận trên cơ thể. Sau đó, bạn chỉ pha nước tắm và để cho trẻ làm phần việc còn lại.

Các bước bé tự tắm:

- Dùng vòi sen làm ướt đầu và người.

- Xoa dầu gội lên đầu. Rửa sạch bọt xà phòng ở trên đầu. Lưu ý, dặn con phải nhắm mắt lại để nước không làm cay mắt.

- Tiếp tục xoa sữa tắm lên 2 cánh tay, nách, xuống phần bụng, bắp chân và 2 bàn chân. Nếu cần bé có thể sử dụng bông tắm để dễ xoa sữa tắm hơn và tránh sữa tắm rơi xuống đất.

- Dội nước và kỳ cọ cơ thể để sạch hết xà bông và hết nhớt.

- Lau khô người, mặc quần áo vào.

Bạn có thể đứng trong phòng tắm để quan sát trẻ hoặc khi đã quen, bạn có thể đứng bên ngoài cửa phòng tắm và theo dõi xem trẻ đang làm gì. Sau khi trẻ tắm xong, bạn có thể kiểm tra xem trẻ đã tắm sạch hay chưa hoặc nếu trẻ cần hỗ trợ, bạn có thể giúp đỡ.

 

Từ 8 tuổi trở lên: trẻ cần sự riêng tư

Khi 8 – 9 tuổi, trẻ sẽ bắt đầu muốn cha mẹ rời khỏi phòng tắm để trẻ tự tắm. Lúc này, trẻ đã có nhu cầu về sự riêng tư, bạn nên tôn trọng trẻ và có cách hướng dẫn trẻ hợp lý. Tốt nhất, bạn hãy để trẻ tự tắm và chỉ giúp đỡ khi được nhờ vả.

 

Trong đó, việc dạy cho trẻ tự gội đầu có thể là một thách thức. Trẻ nhỏ thường gặp khó khăn trong việc học kỹ năng này là do trẻ sợ xà phòng dính vào mắt hoặc một số trẻ sợ nước xối vào mặt. Và bạn cũng phải dạy trẻ rằng phòng tắm khi ướt sẽ rất dễ trượt ngã. Dù như thế nào đi nữa, an toàn vẫn phải là sự chú trọng hàng đầu.

 

Đôi khi, việc để cho trẻ tự tắm sẽ mất thời gian nhiều hơn là mẹ xử lý nhưng đây lại là một việc cần thiết trong quá trình phát triển của trẻ, đặc biệt xây dựng cho trẻ tính độc lập.

 

Vì thế hãy kiên nhẫn!

Cho trẻ chơi đất sét có những lợi ích không ngờ

 Đất sét là một món đồ chơi thú vị đối với mọi lứa tuổi, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Nắn, lăn và tạo hình với đất sét đều là những hoạt động vui nhộn mà bé có thể thực hiện. Cho trẻ chơi đất sét không chỉ khuyến khích trẻ phát triển trí tưởng tượng mà còn đem đến cho con nhiều lợi ích khác.

 

Bạn có thể cho trẻ từ 3 tuổi trở lên chơi đất sét vì ở độ tuổi này, trẻ có thể nhận thức được và không cho đất sét vào miệng. Dù đất sét có an toàn như làm từ bột mì và phẩm màu tự nhiên nhưng đất sét cũng có nguy cơ khiến trẻ bị nghẹt thở nếu nuốt phải. Theo các chuyên gia nhi khoa, cho trẻ chơi đất sét có thể giúp trẻ phát triển sức mạnh ở ngón tay và bàn tay. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho trẻ học cầm kéo và cầm bút sau này. Ngoài ra, chơi đất sét còn giúp trẻ học kỹ năng phối hợp tay – mắt tốt hơn.

Chơi đất sét cùng con là cách bạn có thể tương tác với trẻ. Việc cha mẹ chơi chung với trẻ rất quan trọng, đặc biệt là trước khi trẻ bắt đầu đi học. Điều này không chỉ giúp trẻ phát triển các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống và học tập mà nó còn giúp xây dựng mối quan hệ giữa cha mẹ với trẻ. Các trò chơi này còn giúp trẻ học được các kỹ năng xã hội và tự tin để đối phó với những khó khăn trong tương lai.

 

Phát triển kỹ năng nhận thức

Trong quá trình trưởng thành, trẻ phát triển các kỹ năng quản lý và tự điều chỉnh. Các kỹ năng này được hình thành dựa trên 3 yếu tố: khả năng ghi nhớ, khả năng kiểm soát và sự linh hoạt. Yếu tố đầu tiên giúp trẻ lưu giữ thông tin trong đầu. Yếu tố thứ hai ngăn cản trẻ khỏi những cơn bốc đồng, giúp chống lại sự cám dỗ và có thể dừng lại trước mọi hành động. Yếu tố cuối cùng giúp trẻ điều chỉnh kế hoạch tùy theo tình huống.

Có rất nhiều trò chơi giúp trẻ nhỏ phát triển các kỹ năng này và chơi đất sét là một trong số đó. Chơi đất sét giúp trẻ biết cách đặt ra mục tiêu (ví dụ làm một bông hoa từ đất sét), tìm hiểu xem cần phải làm gì và điều chỉnh kế hoạch khi thực hiện (thêm cánh hoa phụ để bông hoa đẹp hơn).

Sáng tạo là một kỹ năng sống rất quan trọng giúp trẻ vượt qua khó khăn và tìm ra giải pháp. Cho trẻ chơi đất sét còn kích thích sự tò mò của con. Quan trọng hơn, chơi đất sét còn giúp trẻ phát triển trí não. Những trải nghiệm về thị giác và xúc giác khi chơi đất sét sẽ giúp hình thành các tế bào thần kinh và các liên kết thần kinh mới ở não.

 

Phát triển các kỹ năng vận động

Một trong những điểm thú của đất sét là món trò chơi này rất mềm, dẻo và có thể thay đổi hình dạng theo ý thích. Chính tính chất này giúp tăng cường sức mạnh các cơ tay và gân, hỗ trợ cho việc trẻ học cách cầm kéo và bút trong tương lai.

Trong khi chơi, trẻ có thể lăn, vo, đè bẹp, cắt, đâm… đất sét. Những hành động này đều giúp trẻ phát triển cơ theo nhiều cách và giúp trẻ học các kỹ năng phối hợp tay và mắt.

 

Trí tưởng tượng và sáng tạo

Đất sét là một trò chơi tuyệt vời để trẻ phát huy trí tưởng tượng và là phương tiện để trẻ tạo ra nhiều món đồ chơi mà trẻ có thể nghĩ ra. Với một chiếc bánh nướng nhỏ với vài cây đèn cầy được làm từ đất sét, trẻ có thể liên tưởng ngay đến một bữa tiệc sinh nhật hoặc những viên sỏi nhỏ làm từ đất sét có thể dẫn dắt trẻ đến với bờ biển xinh đẹp.

 

Giảm căng thẳng

Cho trẻ chơi đất sét có thể giúp giảm căng thẳng và giúp trẻ cảm thấy thư giãn. Nếu trẻ gặp khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc thì khi chơi đất sét, trẻ có cơ hội trò chuyện với cha mẹ nên có thể giúp cải thiện tình trạng này.

 

Giúp trẻ học toán và chữ

Khi chơi đất sét chung với trẻ, bạn có thể dùng đất sét để tạo thành chữ cái, số, tên riêng hoặc các hình ảnh vui nhộn để trẻ học đếm và nhận biết các chữ cái.

Chơi đất sét là một hoạt động ít vận động. Do đó, đây là một trò chơi phù hợp cho trẻ trong những ngày mưa để giúp trẻ thư giãn và trẻ có thể phát triển những kỹ năng cần thiết khác.

Trò chơi phát triển xúc giác cho bé trước 6 tháng tuổi

Trải nghiệm đầu tiên của bé với môi trường xung quanh chính là nhờ xúc giác. Xúc giác là một trong những yếu tố thiết yếu cấu thành nên các khả năng thể chất, ngôn ngữ, kỹ năng nhận thức, năng lực và cảm xúc xã hội. Chính vì tầm quan trọng của xúc giác đối với sự phát triển của trẻ, Hello Bacsi sẽ gợi ý cho một trò chơi liên quan đến xúc giác vô cùng thú vị, có tên là “Ấm và lạnh”. Bạn có thể chơi cũng bé sau khi cho bé ăn (vì nếu cảm thấy đói, bé sẽ không tiếp tục chơi).

 

Lợi ích của trò chơi

- Khuyến khích phát triển xúc giác của bé. Cụ thể, bé sẽ học và cảm nhận được sự khác nhau giữa nước nóng và lạnh;

- Phát triển và mở rộng vốn từ vựng, bé sẽ tập làm quen với ngôn ngữ và những từ mới được sử dụng trong trò chơi;

- Tạo cơ hội cho bé được thể hiện bản thân. Bé có thể tự quyết định thay đổi hành động hoặc tiếp tục nếu bé cho là phù hợp;

 

Bạn cần chuẩn bị những gì?

- Nước đá (nếu bạn không có nước đá, bạn có thể sử dụng nước lạnh đã qua xử lý và đun sôi. Bạn cũng có thể làm nước đá từ các loại nước ép trái cây như nước ép táo hoặc bất kỳ loại nước ép nào bé thích);

- Nước ấm (đảm bảo rằng nhiệt độ nước an toàn cho làn da của bé);

- Vật dụng để đựng (có thể là một chiếc đĩa thủy tinh, tô hoặc bất cứ vật gì phù hợp);

- Một tấm thảm, khăn tắm hoặc một chiếc ghế cao cho trẻ.

 

Bạn chơi cùng bé như thế nào?

- Rót nước lọc (hoặc nước ép mà bé thích) vào khay làm đông đá. Đảm bảo rằng kích thước của viên đá phù hợp để bé có thể cầm trên tay. Để đảm bảo an toàn, viên đá không nên quá nhỏ để bé không thể cho vào trong miệng. Đặt khay vào ngăn đá tủ lạnh và đợi đến khi đá đông, bạn và bé đã sẵn sàng chơi rồi đấy.

- Đặt bé trên một tấm thảm, một chiếc khăn tắm, hoặc có thể cho bé ngồi trên ghế cao, cho vào tô đựng từ một đến hai viên đá và đưa chúng cho bé. Nếu bé tỏ vẻ ngần ngại, bạn có thể làm mẫu cho bé xem bằng cách chạm vào viên đá hoặc lướt nhẹ quanh tô đựng đá.

- Khuyến khích bé nếm thử viên đá. Bạn sẽ khó quên được khoảnh khắc đáng yêu trên gương mặt bé khi lần đầu bé nếm viên đá lạnh.

- Chạm vào ngón tay và đôi môi bé, bạn có thể nhấn mạnh thêm với bé cảm giác này là “lạnh”, sau đó có thể nhắc lại cho bé biết những gì bé vừa làm (dù bé có thể không hiểu những gì bạn nói). Bạn có thể nói “Con vừa chạm vào nước đá đấy! Đá lạnh lắm! Ngón tay con có lạnh không?”.

- Thay thế những viên đá lạnh bằng nước ấm. Khuyến khích bé chạm tay vào và khuấy nước lên, nhắc lại cho bé rằng “Con vừa chạm vào nước đấy! Khuấy nước nào! Nước ấm lắm!”.

 

Dù bé có thể không hiểu, nhưng những gì bạn nói có thể giúp bé phát triển ngôn ngữ và vốn từ, việc chạm vào đá lạnh và nước ấm hỗ trợ bé bắt đầu những bước phát triển xúc giác đầu tiên một cách dễ dàng.


Nguồn Sưu tầm