Trang chủ
Tin Tức
Lý do biếng ăn ở trẻ 1 tuổi

Trẻ đang mọc răng, mải mê chơi, món ăn nhàm chán là 03 nguyên nhân nổi bật khiến trẻ biếng ăn. Nhưng nếu không rơi vào các trường hợp đã nêu, vậy nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn là gì? Và ba mẹ cần nhanh chóng làm gì để cải thiện tình trạng này nhằm tránh gây hại cho sức khoẻ và sự phát triển của trẻ?

 

Nguyên nhân khiến trẻ 1 tuổi biếng ăn

1. Mẹ thay đổi hoàn toàn chế độ dinh dưỡng mới

Theo các bác sỹ, mẹ nên bắt đầu cho bé ăn dặm từ 6-7 tháng, chuyển sang ăn cháo khi 8-10 tháng, và ăn cơm nát lúc 1 tuổi. Việc chuyển đổi chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ 1 tuổi biếng ăn vì còn lạ lẫm, chưa thích ứng kịp.

2. Bé mọc răng

Mẹ biết đấy, thời gian trẻ mọc răng sữa sẽ kéo dài từ 6 tháng đến khi trẻ được 6 tuổi, vì vậy không phải chỉ riêng trẻ 1 tuổi mà mỗi khi răng nhú lên bé luôn có thể từ chối, không chịu ăn. Khi mọc răng, trẻ thường sốt, khó chịu, cảm thấy đau nhức và quấy rất nhiều, chính vì thế bé sẽ lười ăn đột ngột.

Việc trẻ mọc răng sớm hay muộn là vấn đề bẩm sinh và thường không đáng lo. Có những trẻ sơ sinh đã có sẵn 1 - 2 chiếc răng nhưng cũng có những bé chỉ mọc răng đầu tiên khi đã hơn 1 tuổi. Ba- mẹ không nên lo lắng về việc trẻ mọc răng sớm hay muộn mà nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng để răng của trẻ chắc khoẻ, không bị dị dạng.

3. Thực đơn nhàm chán với con

Nếu trẻ đột ngột biếng ăn, mẹ nên xem lại thực đơn hàng ngày của trẻ. Không chỉ trẻ em mà người lớn ăn mãi một món cũng sẽ ngán, không muốn ăn nữa. Trẻ một tuổi chưa thể hiện bằng lời nói, nên chọn cách biểu hiện hành động thờ ơ với thức ăn mẹ cho.

4. Bé thích chơi hơn ăn uống

Trẻ 1 tuổi tập đi và khám phá thế giới xung quanh thường ham chơi và quên cả ăn. Tuy nhiên, điều này là khá bình thường. Thay vì nghiêm khắc cấm đoán, giới hạn việc chơi của con, cha mẹ hãy khéo léo tạo ra nhiều món ăn dinh dưỡng có hình thù ngộ nghĩnh để thu hút sự chú ý của trẻ. Hoặc bày biện trang trí trên những chén đĩa bắt mắt, tạo không khí vui vẻ cho con có hứng thú ăn,...

5. Bé ăn nhiều bữa phụ nên đã no

Một trong những nguyên nhân khác khiến trẻ 1 tuổi biếng ăn là do mẹ cho trẻ ăn vặt nhiều như váng sữa, bánh mì, sữa chua, bánh kẹo ngọt,... thậm chí là uống sữa trước bữa ăn. Chính thói quen này làm ảnh hưởng xấu đến việc ăn uống của trẻ, khiến con no ngang, từ đó bỏ cả bữa chính.

 

Vậy ba mẹ cần phải làm gì?

Ở trẻ 1 tuổi biếng ăn, cha mẹ không nên cố ép trẻ ăn bất cứ thứ gì con không muốn, mà nên chế biến những món ăn mới để thay đổi khẩu vị của bé,và cho trẻ thử những món mới từng chút một trước.

Cha mẹ có thể tăng bữa ăn cho trẻ, điều đó có nghĩa là có thể cho bé ăn 5-6 bữa/ngày thay vì chỉ cho bé ăn 3 bữa chính. Việc tăng số lượng bữa ăn đồng nghĩa với việc chia nhỏ lượng thức ăn trong một bữa để trẻ không còn cảm giác phải ăn cùng một lúc quá nhiều.

Ngoài ra, khi nấu đồ ăn cho trẻ, mẹ nên nhớ thức ăn không nên quá đặc hay quá lỏng. Mẹ cũng chỉ nên băm nhỏ và nấu mềm thức ăn cho trẻ biếng ăn chứ không xay nhuyễn vì dinh dưỡng trong đồ ăn sẽ bị giảm hoặc mất hết.

 

Nên đảm bảo thực đơn cho trẻ 1 tuổi gồm 3 bữa chính mỗi ngày. Thức ăn này có thể là cháo hoặc súp nhưng phải tương ứng đủ 4 nhóm chất, gồm: Chất bột (gạo, đậu...), chất đạm (thịt, cá, hải sản, trứng, tôm, cua...), chất béo (dầu ăn, mỡ động vật), vitamin và khoáng chất (rau củ quả, trái cây). Đảm bảo cho trẻ bú khoảng 600-800 ml sữa mỗi ngày, có thể là sữa mẹ, sữa công thức, sữa tươi,… Sau cùng, cha mẹ cũng đừng quên cho trẻ tráng miệng bằng váng sữa hoặc sữa chua, phô mai, hoa quả.

 

Nguồn: Sưu tầm

Khác biệt giữa trẻ xem tivi nhiều và trẻ ít xem tivi

Loạt tranh so sánh sự khác biệt giữa  trẻ hay xem tivi và ít xem tivi sẽ khiến nhiều bậc phụ huynh phải suy nghĩ.


Khac biet giua tre xem tivi nhieu va tre it xem tivi

Những trẻ xem tivi nhiều dễ bị kích động, dễ tức giận và khả năng kiềm chế bản thân kém. Mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái cũng bị ảnh hưởng khi rõ ràng bố mẹ hiểu tác hại của việc xem tivi quá nhiều nhưng lại không thể nói được con. Trong khi đó, trẻ ít xem tivi sẽ dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động ngoài trời hoặc khám phá khác và tâm tính cũng ổn đình hơn.


khac biet giua tre xem tivi nhieu va tre it xem tivi

Trẻ xem nhiều tivi dĩ nhiên sẽ có nguy cơ bị cận thị, loạn thị cao hơn trẻ ít khi ngồi trước tivi.


Khac biet giua tre xem tivi nhieu va tre it xem tivi

Ngoài cận thị và các bệnh về mắt, trẻ hay xem tivi cũng có nguy cơ mắc bệnh thừa cân, béo phì hơn những trẻ dành nhiều thời gian tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên ngoài trời.


Khac biet giua tre xem tivi nhieu va tre it xem tivi

Xem tivi nhiều trẻ dễ "nghiện" và không có hứng thú với sách vở. Ngược lại, trẻ ít xem tivi lại có được niềm vui khi khám phá từng trang sách, truyện.


khac biet giua tre xem tivi nhieu va tre it xem tivi

Trẻ xem tivi nhiều thụ động trong suy nghĩ, trong khi đó trẻ ít xem tivi lại phát triển trí tưởng tượng quá các hoạt động vui chơi hàng ngày.


khac biet giua tre xem tivi nhieu va tre it xem tivi

Khả năng tập trung cũng có sự cách biệt khá lớn.


khac biet giua tre xem tivi nhieu va tre it xem tivi

Việc ngồi lâu xem tivi và tiếp thu thụ động các thông tin khiến trẻ không được nhanh nhẹn và lối suy nghĩ cùng khả năng tư duy cũng kém hơn những trẻ ít xem tivi.


Theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, với trẻ nhỏ dưới 18 tháng tuổi, tuyệt đối không cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử. Với trẻ 2-5 tuổi, sử dụng 1 giờ/ ngày. Với trẻ 6 tuổi và lớn hơn, bố mẹ có thể tự quy định thời gian xem cho con em mình và giám sát việc sử dụng đó.


Nguồn: Việt Nam Mới 

Nhận biết dấu hiệu tự kỷ của con trước 3 tuổi

 Tự kỷ được cho là rối loạn phát triển thần kinh do có một số gen bất thường. Ở Việt Nam, hiện chưa có số liệu thống kê chính xác tỉ lệ tự kỷ trong cộng đồng. Tuy nhiên, theo ghi nhận thì số lượng trẻ có hội chứng tự kỷ ngày càng tăng cao.

 

Vì sao khó chẩn đoán được trẻ đang mắc chứng tự kỷ từ sớm?

Khó chẩn đoán được trẻ đang mắc chứng tự kỷ từ sớm xuất phát từ nhiều nguyên nhân sau:

- Tự kỷ là một chứng rối loạn phát triển bẩm sinh, tức là nó đã luôn tồn tại từ khi trẻ mới sinh ra. Trên thực tế, một số trẻ sơ sinh khoảng 6 tháng tuổi đã có thể có một số dấu hiệu của chứng tự kỷ, nhưng lại chưa đủ khả năng nói và diễn đạt, bởi phạm vi hành vi thể hiện được còn hạn chế.

- Điều này khiến không ít bậc phụ huynh khó phát hiện ra dấu hiệu tự kỷ ở bé. Hơn nữa, không có đủ cơ sở để chẩn đoán, phương pháp kiểm tra hiệu quả các loại hành vi và tình trạng phát triển của người tự kỷ. Vì vậy, tự kỷ thường được phát hiện nhiều nhất vào năm thứ hai sau khi sinh.

- Phần lớn trẻ tự kỷ cũng có vấn đề về trí tuệ, nhiều bậc cha mẹ lầm tưởng đó là dấu hiệu của thiểu năng trí tuệ.

- Phần lớn trẻ tự kỷ có biểu hiện giống như trẻ bình thường trong giai đoạn đầu, các triệu chứng cũng không biểu hiện rõ ràng cho đến khi trẻ được 2-3 tuổi.

- Một trong những vấn đề chính của chứng tự kỷ là phát triển ngôn ngữ. Đối với những trẻ dưới 3 tuổi, vấn đề phát triển ngôn ngữ vẫn không thể xác định rõ ràng.

- Một số phụ huynh thiếu kiến thức về sự phát triển thể chất và tinh thần của con em mình.

- Hiện nay, nhiều bác sĩ bệnh viện thiếu kiến thức về chẩn đoán tự kỷ và thiếu kinh nghiệm lâm sàng, đặc biệt là khó xác định các triệu chứng nhẹ của tự kỷ khi còn nhỏ.

 

Làm thế nào để đối mặt với chứng tự kỷ của con?

- Khi phát hiện trẻ bị mắc chứng tự kỷ, cha mẹ nên nhận thức được rằng tự kỷ là một hội chứng, không phải là bệnh, không lây lan từ người này sang người khác.

- Nếu trẻ tự kỷ ở mức độ nhẹ được phát hiện sớm là điều có ý nghĩa quan trọng cho việc trị liệu trẻ mắc chứng tự kỷ, vì khi được phát hiện và can thiệp sớm, trẻ sẽ được trợ giúp để phát triển ngay từ đầu các kỹ năng ngôn ngữ, xã hội, nhận thức.


Vậy nên, khi phát hiện con mắc chứng tự kỷ, cha mẹ có thể làm những điều sau:

- Chấp nhận thực tế, cha mẹ cần tỉnh táo đối mặt với vấn đề trước thì mới giúp con tự tin hơn.

- Tìm hiểu kiến thức về trẻ tự kỷ

- Cải thiện các triệu chứng của trẻ bằng giáo dục hành vi giao tiếp bằng ngôn ngữ

- Tìm ra điểm mạnh của con và giúp con phát huy chúng

- Tăng cường mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái giúp trẻ tự kỷ cảm nhận được sự yêu thương.

 

Độ tuổi có thể nhận biết được trẻ mắc chứng tự kỷ

Mặc dù việc chẩn đoán xác định được thực hiện từ 3 tuổi trở lên nhưng cha mẹ cũng có thể nhận ra ngay từ khi bé 6 tháng tuổi. Các dấu hiệu cho thấy bé có khả năng bị tự kỷ được các chuyên gia lọc ra như sau:

- Bé không cười khi đã qua 6 tháng tuổi.

- Bé không nói bập bẹ, chỉ trỏ hoặc không sử dụng các cử chỉ khác khi đã qua 12 tháng tuổi.

- Bé không nói được các cụm 2 từ mặc dù đã qua 24 tháng.

- Bé không thích được tiếp xúc thân thể nên hầu như tránh xa việc cha mẹ hoặc người lớn chăm sóc.

- Bé tránh giao tiếp bằng mắt với người khác.

- Bé dường như không để ý, không quan tâm đến việc có người đến hoặc đi.


Nếu cha mẹ quan sát được những dấu hiệu nghi ngờ tự kỷ của con trên nên đưa trẻ đi thăm khám kịp thời và lên kế hoạch can thiệp phù hợp.

6 điều nếu được mẹ nói ra sẽ giúp trẻ thêm tự tin

Ngay từ khi bé được sinh ra, cha mẹ đã nói với bé liên tục hàng ngàn từ, hàng trăm câu. Trong số này câu gì cha mẹ nên nói để bé càng lớn lên càng mạnh mẽ, thông minh và tự tin vào bản thân mình nào!

Lời nói giống như cái nôi đưa con thành người. Lời tử tế sẽ nuôi dưỡng những đứa trẻ tự tin, thông minh và mạnh mẽ. Hãy thử xem trong danh sách được sắp xếp dưới đây, đâu là câu nói kỳ diệu mang lại hạnh phúc cho con mà mẹ phải nói với con mỗi ngày nhé!  


Mẹ rất hạnh phúc vì con là con của mẹ

Những trò nghịch ngợm của trẻ luôn thử lòng kiên nhẫn của người lớn nhưng thực chất trẻ hành động vô ý, dù đôi khi có thể cố tình nhưng chỉ là muốn thu hút sự chú ý của cha mẹ.

Những hành vi này như thể họ đang tự đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Mẹ có yêu con không? Mẹ yêu con nhiều như thế nào?” Lúc này, câu trả lời của bố mẹ phải rõ ràng: “Tất nhiên là mẹ yêu con rồi. Mẹ rất hạnh phúc vì con là con của mẹ”.

Tất nhiên, thật khó kiềm chế để không nổi giận khi một đứa trẻ vẽ mực tèm lem trên ghế sofa và tường, nhưng nếu mẹ nói “Nếu con tiếp tục lộn xộn, mẹ sẽ cắt bữa ăn xế của con luôn” thì trẻ có thể nghĩ rằng “mẹ mình không yêu mình”. Lúc này mẹ nên hít thở sâu và nói với giọng nhẹ nhàng: “Bẩn quá rồi, hai mẹ con mình cùng dọn dẹp thôi nào”. Bằng cách nói yêu thương của mẹ, trẻ cũng dễ chấp nhận hơn và có thể phát triển thể chất và tinh thần khỏe mạnh, tự tin hơn.


Con chắc chắn có thể làm được

Đối với bé, thế giới còn rất xa lạ và còn rất nhiều điều để học hỏi. Tất nhiên sẽ có những bước lùi hoặc những điều khiến bé sợ hãi trong quá trình này, nhưng mẹ nên nói với bé rằng ai cũng phải dũng cảm vượt qua nỗi sợ hãi. Mẹ cũng có thể tiếp thêm dũng khí cho con bằng cách chia sẻ kinh nghiệm của chính mình khi vượt qua nỗi sợ. Hãy lắng nghe con và từng bước dạy con vượt qua, trở nên mạnh mẽ và tự tin hơn thay vì khiêu khích con "Cái này có gì đâu mà đáng sợ? Bạn bè của con đứa nào cũng làm được rồi, tại sao con không học được?"


Con à, mẹ xin lỗi nhé!

Chừng nào con người ta còn mắc lỗi thì người lớn chúng ta hãy can đảm nhận lỗi và xin trẻ tha thứ. Điều này có thể giúp trẻ nhận ra rằng làm sai thì ai cũng phải nhận lỗi, kể cả người lớn. Trẻ sẽ vì điều này mà thấy mình rất được cha mẹ rất tôn trọng và quý mến. Xin lỗi và được tha thứ cho nhau, trẻ sẽ hạn chế mắc sai lầm và đây là một phần rất quan trọng trong quá trình trưởng thành của trẻ.


Mẹ biết con đang buồn

Số lần cảm xúc tiêu cực bị kìm nén càng nhiều thì cơ hội gây ra tâm bệnh càng lớn. Mọi trẻ em đều có quyền bộc lộ cảm xúc vui, giận, buồn, hờn, ghét, ủ dột... Khi trẻ đang khóc vì đồ chơi của mình bị hỏng, cha mẹ không được nói: "Con đừng khóc! Ai quan tâm nếu đồ chơi của con bị hỏng". Thay vào đó hãy an ủi con “Không sao đâu, mẹ sẽ ở bên con.” Nhiệm vụ của cha mẹ là dạy con bộc lộ cảm xúc tốt mà không làm tổn thương đến người khác và bản thân.


Mẹ sẽ ủng hộ con

Ngay cả khi trẻ thất bại, cha mẹ cũng nên nói: "Không sao đâu, cố gắng lần nữa", "Mẹ tin con có thể làm được", "Không ai làm một lần mà thành công cả", để trẻ nhận ra rằng mọi người thành công đều lớn lên nhờ mắc sai lầm. Phát triển những phẩm chất quan trọng như tính kiên trì, nhẫn nại. Điểm mấu chốt là để trẻ biết rằng dù con có thành công hay không thì cha mẹ vẫn sẽ luôn bên cạnh và ủng hộ.


Hôm nay con thế nào?

Mỗi ngày mẹ nên dành thời gian trò chuyện với con và hỏi con xem hôm nay con thế nào? Điều thú vị gì đã xảy ra? Khuyến khích con thể hiện bản thân và sự tự tin của mình, không ngắt lời hoặc đổ lỗi một cách tùy tiện. Điều này có thể giúp mẹ hiểu con mình hơn và để con làm quen với việc chia sẻ mọi thứ đã trải qua. Cuộc trò chuyện này không chỉ có thể thúc đẩy mối quan hệ cha mẹ - con cái mà còn tránh được chuyện rắc rối bên ngoài mà con không dám cho bố mẹ biết.

 

Nguồn: Sưu Tầm

Ba công thức khen chê con theo người Do Thái

''Không ít trẻ có tài năng nhưng do lời khen quá mức của cộng đồng đã ''hủy hoại'' tài năng ấy. Việc khen - chê ảnh hưởng lớn tới quá trình phát triển của trẻ'', chuyên gia giáo dục sớm Lại Thị Hải Lý cho biết.

 

Theo chuyên gia giáo dục sớm Lại Thị Hải Lý, sự thành công của đứa trẻ phụ thuộc rất nhiều vào sự khen - chê của bố mẹ. Khen - chê theo công thức của người Do Thái, trong 100% thành công thì bao gồm 80% thành công của chỉ số thông minh cảm xúc (EQ) và chỉ số thông minh vượt khó (AQ), 20% là chỉ số thông minh trí tuệ IQ.

Thế kỷ 21 là thế kỷ bùng nổ công nghệ, internet, nhiều trẻ em có năng khiếu về âm nhạc, hội họa… Tuy nhiên, nhiều trẻ em khi trưởng thành đã không thành công. Một trong số nguyên nhân là do lời khen - chê của cha mẹ, của xã hội đã khiến tài năng đó không được phát huy.

Chuyên gia giáo dục Hải Lý nhấn mạnh, theo giáo dục Do Thái, khen đúng là bạn, chê đúng là thầy, kẻ nịnh bợ ta là kẻ thù của ta. Khen đúng sẽ làm tăng chỉ số cảm xúc của con, khiến tinh thần của con phấn chấn, là chất xúc tác khiến con tự tin làm tốt hơn. Chê đúng là cách góp ý khiến con hoàn thiện bản thân.

Khen sai là khen con quá nhiều, con làm gì cũng khen liên tục thì sau này con sẽ không thể nghe được lời chê. Khi người khác chê thì con không kiên nhẫn nghe và sẽ phản ứng tiêu cực, bùng nổ cảm xúc, khiến con bị ảo tưởng sức mạnh và trở nên kiêu ngạo.

Trong khi đó, chê sai sẽ khiến con tự ti, tổn thương, cảm thấy không có giá trị và mất hết niềm tin vào cuộc sống.

 

Chính vì vậy, việc khen đúng, chê đúng rất quan trọng với đứa trẻ. Dưới đây là công thức khen - chê của người Do Thái:

Khen những gì mà con có thể thay đổi được, chứ đừng tập trung vào kết quả.

Khen ngợi vào quá trình của con chứ không khen vào kết quả. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, 90% được khen vào sự cố gắng thì trẻ sẽ chấp nhận thử thách mới. Những em được khen thông minh thì luôn chọn cái dễ để làm cho an toàn, để giữ hình ảnh mình thông minh trong mắt người khác. Khi những đứa trẻ này bị thất bại thì luôn nghĩ mình không thông minh và dễ dàng bỏ cuộc. Trong khi đó, nếu khen con nỗ lực, con sẽ tập trung vào cái thay đổi được. Đó cũng là tố chất của người có chỉ số thông minh vượt khó. Với những người này, họ dễ thành công vì khi gặp thử thách cao họ sẽ nỗ lực hết mình để đạt được kết quả.

Cha mẹ cần chú ý lứa tuổi trong nguyên tắc khen - chê. Trẻ dưới 3 tuổi, khi khen cần kèm theo ánh mắt, nụ cười, ngôn ngữ cơ thể khiến con cảm nhận được tình yêu thương. Trẻ 2 tuổi, rất mẫn cảm với âm thanh, từ tượng thanh, tượng hình. 

Khen đúng mức và đúng mức độ.

Cha mẹ là người hiểu rõ con mình như thế nào và có khả năng gì. Thế nên, cần khen đúng mức, tránh tình trạng tâng bốc, khen quá mức khiến con ngộ nhận khả năng của con, khiến con nghĩ lúc nào cũng hơn người. Khi không đạt được kết quả tốt, con sẽ cảm thấy đau lòng. Cha mẹ cũng đừng khen con tuyệt vời quá, vì tuyệt vời là khen ở mức độ rất cao. Chỉ cần khen con ở việc đơn giản như khi con biết dọn dẹp đồ chơi: "Con của mẹ người lớn rồi đấy!". Như vậy, trẻ sẽ cảm thấy mình là người lớn và cảm thấy được tôn trọng.

Đừng khen kiểu đánh giá mà khen vào tính chất, miêu tả những chi tiết. 

Nếu con nhảy đẹp, thì đừng nói "con nhảy đẹp quá". Cha mẹ cũng đừng khen "con học giỏi quá". Khen như thế sẽ khiến trẻ luôn chờ đợi người khác đánh giá mình như thế nào. Cha mẹ khen con bằng cách miêu tả theo 3 gợi ý: Hãy nói những gì mà cha mẹ nghe thấy, cảm thấy hoặc nói lời cảm ơn. Thí dụ: "Hôm nay mẹ thấy con tự giác dậy sớm. Mẹ thấy rất vui. Mẹ cảm ơn con!" - điều đó sẽ khiến con cảm thấy vui và hôm sau sẽ cố gắng dậy sớm như vậy.


Nguồn: Phụ Nữ Việt Nam

Cứng rắn để dạy con

    Có rất nhiều ba mẹ ý thức được việc phải dạy con nghiêm nhưng chưa thực sự dứt khoát và chưa đủ cứng rắn để dạy con. Chính điều này đã và đang hủy hoại tương lai của con sau này.


    Dưới đây là những điều mà mọi ba mẹ cần biết khi nuôi dạy một đứa trẻ một cách kỷ luật:

    1.Yêu con không đồng nghĩa với chiều chuộng

    Đừng nhầm lẫn giữa yêu thương và nuông chiều. Chiều chuộng con cái là cách nhanh nhất đưa con đến với những sai lầm. Ba mẹ đừng nghĩ chúng ta có thể hy sinh mọi thứ để đem đến cho con cuộc sống tốt nhất đồng nghĩa với việc đáp ứng mọi nguyện vọng của con.

    Nếu cha mẹ luôn là người gánh vác hết cho con cái những vất vả, khổ cực, con sẽ dần quen với việc núp sau ba mẹ che chở. Vậy thử hỏi mai sau khi ba mẹ không còn hoặc không thể che chở cho chúng thì chúng sẽ phải đối mặt như thế nào? Hãy nhớ rằng, yêu thương con nghĩa là ba mẹ phải biết tạo ra điểm dừng cho con, phải biết cương quyết khi cần trước những đòi hỏi của con.

     

    2. Yêu con là giúp con có một định hướng tương lai xa

    Là cha mẹ ai cũng sẽ yêu thương con mình theo cách riêng, người thì chọn cách luôn giữ con bên mình nhưng người thì chọn cách giúp chúng tự trưởng thành từng ngày và làm những điều chúng muốn.

    Chúng ta có thể cùng con lớn lên nhưng không thể cùng con đi hết một đời. Đến một thời điểm nào đó trong cuộc đời chúng ta bắt buộc phải để con tự lập. Vì vậy, ba mẹ cần sáng suốt định hướng cho cuộc sống của con một cách tốt nhất.

     

    3. Yêu con là để con nếm trải sự vất vả

    Một nhà triết học Pháp từng nói: "Bạn có biết phương pháp nào để biến con thành bất hạnh? Chính là chiều theo ý con".

    Không có đường tắt trên hành trình trưởng thành. Vì vậy, nếu bố mẹ thực sự yêu con, không nên đặt chúng vào chậu mật ong, mà hãy để chúng tự đi tìm nếm thử. Tự mình khám phá sẽ tìm ra giá trị và ý nghĩa của việc phấn đấu. Do đó, ngay từ khi còn nhỏ, hãy để con làm từ việc nhỏ nhất để chúng hiểu được giá trị của sự vất vả, giá trị của lao động mà cố gắng hơn trong cuộc sống.

     

    4. Yêu con là để con tự nếm trải sự thất vọng

    Cuộc đời mỗi con người không thể tránh khỏi những lúc thăng trầm, đó là một phần của sự trưởng thành. Khi mọi thứ suôn sẻ, bạn không cần phải kiêu ngạo và tự mãn, khi bạn gặp những khó khăn hay vấp ngã chúng cũng biết cách vượt qua.

    Những thăng trầm là lẽ thường tình của cuộc sống, những bước lùi chỉ mang tính thời điểm, rồi đến lúc mặt mời trời sẽ mọc lại. Sự thất vọng là một thử thách đối với một đứa trẻ, nếu đứa trẻ thậm chí không thể chịu đựng được sự thất vọng thì làm sao nó có thể dành được thành công của cuộc đời một cách suôn sẻ?

     

    5. Yêu con là giúp con có thói quen tự đọc - tự học

    Bạn biết đấy, đối với những gia đình bình thường, đọc sách vẫn là cách hữu hiệu nhất để thay đổi vận mệnh của họ. Đọc sách có thể thay đổi đẳng cấp của một người, thu nhập của một người, kiến thức của một người,...

    Trên đời này, cuộc sống không có đường tắt, nhưng đọc sách là con đường tương đối dễ dàng. Vì vậy, khi trẻ muốn bỏ cuộc, cha mẹ phải tàn nhẫn và dạy con không được bỏ cuộc giữa chừng. Không có đau đớn thì không thể thành công.

    Một ngày nào đó con sẽ hiểu rằng, sự khổ luyện của ngày hôm nay sẽ mở đường rộng hơn trong tương lai và hướng nó đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.

     

    6. Yêu con là để con biết cách lắng nghe lời phê bình

    Hình thành cho con kỹ năng lắng nghe là cả một quá trình, đó cũng là bài học cho quá trình hoàn thiện nhân cách ở trẻ. Ngay cả khi chỉ có bạn và con, hãy dạy cho con cách lắng nghe và thật tĩnh lại để nghe và giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, cha mẹ cũng hãy là người trau dồi và hoàn thiện kỹ năng lắng nghe của bản thân mình trước.

    Khi trẻ mắc lỗi phải biết phê bình kịp thời, điều này chính là để con biết cách điều chỉnh hành vi và không tái phạm trong tương lai. Biết lắng nghe lời phê bình sẽ giúp đứa trẻ biết cách lắng nghe, rút kinh nghiệm và trưởng thành hơn trong tương lai.


     Vì vậy muốn tốt cho con, hãy giúp con làm quen với những kỷ luật nghiêm khắc để con rèn giũa bản thân ngay từ khi còn nhỏ. Hãy nhớ "Cha mẹ nghiêm khắc chắc chắn con cái sẽ có tiền đồ".