Trang chủ
Tin Tức
Bộ GDĐT ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022

Ngày 4/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Quyết định số 2551/QĐ-BGDĐT, ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Theo đó quy định, thời gian tựu trường sớm nhất vào ngày 1/9/2021. Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất từ ngày 23/8/2021.

Tổ chức khai giảng vào ngày 5/9/2021.

Kết thúc học kỳ I trước ngày 16/1/2022, hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25/5/2022 và kết thúc năm học trước ngày 31/5/2022.

Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 30/6/2022.

Hoàn thành tuyển sinh các lớp đầu cấp học trước ngày 31/7/2022.

Thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi học sinh giỏi quốc gia và thi khoa học kĩ thuật cấp quốc gia theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.

Quyết định này đồng thời quy định nguyên tắc xây dựng kế hoạch thời gian năm học của các địa phương như sau:

Kế hoạch thời gian năm học của địa phương phải bảo đảm số tuần thực học: Đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có 35 tuần thực học (học kỳ I có 18 tuần, học kỳ II có 17 tuần); đối với giáo dục thường xuyên (thực hiện chương trình giáo dục THCS và THPT), có 32 tuần thực học (mỗi học kỳ có 16 tuần);

Kế hoạch thời gian năm học phải phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tiễn của địa phương.

Các ngày nghỉ lễ, tết được thực hiện theo quy định của Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn hằng năm.

Thời gian nghỉ phép năm của giáo viên được thực hiện trong thời gian nghỉ hè hoặc có thể được bố trí xen kẽ vào thời gian khác trong năm để phù hợp với đặc điểm cụ thể và kế hoạch thời gian năm học của địa phương.

Kế hoạch thời gian năm học cần bảo đảm sự đồng bộ cho các cấp học trên một địa bàn dân cư, đặc biệt trong trường phổ thông có nhiều cấp học.

Nội dung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên ở các địa phương bao gồm: Ngày tựu trường, ngày khai giảng, ngày bắt đầu và ngày kết thúc học kỳ I, ngày bắt đầu và ngày kết thúc học kỳ II, ngày kết thúc năm học; Ngày thi học sinh giỏi, ngày xét công nhận hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học, ngày xét công nhận tốt nghiệp THCS;  Ngày hoàn thành tuyển sinh vào các lớp đầu cấp học; Các ngày nghỉ lễ, tết; Thời gian nghỉ đối với giáo viên trong năm học; Các ngày nghỉ khác (nghỉ giữa học kỳ, nghỉ cuối học kỳ, nghỉ theo mùa, vụ, nghỉ tết của đồng bào dân tộc thiểu số, nghỉ lễ hội truyền thống của địa phương).

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên cho phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Thời gian nghỉ học, thời gian tựu trường sớm và thời gian kéo dài năm học không quá 15 ngày so với khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trong toàn quốc, để bảo đảm thực hiện và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trong trường hợp đặc biệt.

Giám đốc Sở GDĐT quyết định cho học sinh nghỉ học trong trường hợp thời tiết quá khắc nghiệt, thiên tai và bố trí học bù; bảo đảm thời gian nghỉ của giáo viên trong năm học.

Đồng thời báo cáo về Bộ GDĐT tình hình chuẩn bị năm học và tình hình tổ chức khai giảng năm học 2021-2022 trước ngày 10/9/2021; sơ kết học kỳ I trước ngày 31/1/2022; tổng kết năm học, báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí thi đua và đề nghị xét khen thưởng năm học trước ngày 25/6/2022; những quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong các trường hợp theo quy định.

 

Trung tâm Truyền thông Giáo dục

 

Nguồn: https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=7466

Esearch, education, giáo dục, trẻ em, phụ huynh, chơi với ba mẹ
Lợi ích cho bố mẹ khi chơi đùa cùng con

Tận dụng thời gian giãn cách xã hội để chơi đùa cùng con cái, bố mẹ nhận về vô vàn lợi ích cho bản thân. Khi bố mẹ chơi đùa cùng với con, nó không chỉ có lợi cho con cái mà còn giúp bố mẹ nhận ra rất nhiều điều trong cuộc sống, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay.

Thông thường, vì yếu tố công việc bận rộn mà nhiều bố mẹ không có thời gian chơi đùa cùng với con cái, hoặc khi có một chút thời gian rảnh, họ lại thích nghỉ ngơi nhiều hơn. Khi bố mẹ miễn cưỡng chơi với con mình, có thể là họ muốn trở thành một bậc phụ huynh hoàn hảo, hay đơn thuần là con cái yêu cầu bố mẹ chơi với mình vì chúng không có anh chị em, bạn bè.

Dù đó có phải là lý do chính đáng hay không, nhưng không thể phủ nhận rằng, việc bố mẹ chơi với con cái mang lại rất nhiều lợi ích cho cả 2 bên.

 

Định nghĩa việc "chơi đùa" là gì?

Tiến sĩ tâm thần học Stuart Brown, người sáng lập kiêm chủ tịch của National Institute for Play, tác giả cuốn sách "Play: How it Shapes the Brain, Opens the Imagination and Invigorates the Soul" (Tạm dịch: Chơi đùa: Cách để việc chơi đùa giúp mở mang trí tưởng tượng, định hướng cho não bộ, tinh thần tràn đầy năng lượng) cho biết: "Chơi đùa mang lại cho người lớn niềm vui, thay đổi cảm giác về thời gian, không gian và quan trọng nhất là trải nghiệm".

Bố mẹ có thể chơi với con cái theo nhiều cách khác nhau như lắp ghép Lego, hóa trang, thể thao, trò chơi điện tử, giải câu đố…, hoặc là một số hoạt động khác như nướng bánh, làm vườn, tưới cây, tắm rửa cho vật nuôi. Tùy theo từng đứa trẻ mà mỗi gia đình sẽ có những kiểu chơi và tần suất chơi khác nhau.

Laurel Snyder, một tác giả sách dành cho trẻ em rất tin tưởng vào những lợi ích của việc chơi đùa cùng với con cái mang lại, đặc biệt là quá trình sáng tạo: "Mùa hè năm ngoái, khi đang giãn cách xã hội, chúng tôi đã đi ra ngoài dạo vào ban đêm trong một công viên gần nhà. Lúc này, tôi và bọn trẻ nghe được cả tiếng ve kêu rồi cùng nhau đoán xem con ve đang ở đâu. Nếu không có đại dịch, chúng tôi sẽ chẳng có cơ hội cùng nhau làm việc đó. Sau khi kết thúc giãn cách, tôi phát hiện ra mình và bọn trẻ rất thích đi bộ vào ban đêm, cảm thấy ban đêm giống như một thế giới khác".

 

Người lớn cần chơi đùa nhiều hơn

Nhiều bố mẹ than thở rằng, mình không có đủ thời gian, lúc nào cũng bị ám ảnh bởi chất lượng công việc, tối ưu hóa lịch trình, khiến họ có cảm giác như mình không thể hoàn thành được các mục tiêu đề ra. Tệ hơn nữa là họ tin rằng, đây là do tính cách của mình gây ra.

Họ đã quên rằng, có một sự kỳ diệu khi họ để bản thân thoải mái chơi đùa với con cái và nghỉ ngơi.

"Chơi đùa buộc chúng ta phải tự hỏi: Tôi là ai khi không làm việc hoặc không kiếm được tiền. Bộ não của tôi để làm gì", Snyder nói. Điều này khiến bạn không ngừng tự trách bản thân vì đã không làm việc hiệu quả.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, việc chơi đùa có thể bù đắp phần nào đối với sự lo lắng "không bao giờ là đủ" của người lớn. Hay nói một cách khác, chơi đùa giúp người lớn đối phó được với căng thẳng và cải thiện sức khỏe tổng quát. Thiếu việc chơi đùa nó cũng có tác động tiêu cực về lâu dài như thiếu ngủ.

Vì vậy, bố mẹ có thể tìm thấy những điều tươi vui, tích cực, xóa bỏ sự kìm nén bấy lâu nay thông qua việc chơi đùa cùng với con cái.

 

Con cái có thể hướng dẫn bố mẹ mình biết cách chơi đùa như thế nào?

Đối với một số bố mẹ muốn chơi đùa cùng với con cái nhưng không có hứng thú, con cái có thể trở thành giáo viên cho bố mẹ mình.

Nhà tâm lý học Alison Gopnik là một chuyên gia về sự phát triển của trẻ em cho biết: "Chơi đùa là một nét đặc trưng của tuổi thơ một đứa trẻ. Nó phản ánh sự sinh động của trí tưởng tượng và cả trong học tập".

Trong lúc chơi đùa, trẻ rất hào hứng với mọi thứ và giống như một nhà khoa học nhỏ tuổi khi thể hiện khả năng tưởng tượng, quan sát mọi vật xung quanh. Trẻ em thích khám phá và thử nghiệm những ý tưởng mới, trong khi người lớn có xu hướng sử dụng kiến thức và kinh nghiệm của bản thân để đưa ra các quyết định.

Việc bố mẹ chơi đùa cùng với con cái có thể phần nào nhắc nhở người lớn chúng ta vẫn còn khả năng khám phá tiềm ẩn bên trong, không còn xem thời gian như một thứ dễ dàng bị bỏ phí.

Khi chơi với con cái, bố mẹ sẽ nhận ra rằng, cuộc sống luôn ngập tràn những cơ hội bất ngờ. Đó cũng là lúc mà bố mẹ sẽ tạm gác lại những lo âu, nỗi buồn trong công việc, cuộc sống, giúp tái tạo lại năng lượng mới cho bản thân.

 

Nguồn: CNN

8 giai đoạn “vàng” để nuôi dưỡng sở thích cho trẻ, bố mẹ đừng bỏ qua

 Ở mỗi một giai đoạn phát triển, trẻ sẽ hứng thú với một thứ gì đó một cách có ý thức. Nếu nắm bắt được thời kỳ nhạy cảm này, bố mẹ có thể nuôi dưỡng sở thích cho trẻ một cách hiệu quả. Sau đây là một số giai đoạn mà bố mẹ cần chú ý:

 

1. Giai đoạn trẻ bắt đầu nhận thức được ánh sáng

Từ 0 đến 3 tuổi là giai đoạn mà những em bé sơ sinh bắt đầu nhận thức về ánh sáng. Lúc này, trẻ cần phân biệt được ánh sáng ban ngày và ban đêm. Vì vậy, người mẹ cần mở rèm vào ban ngày và tắt đèn vào ban đêm để trẻ thích nghi dần với sự thay đổi ánh sáng tự nhiên. Người mẹ cũng thể làm điều tương tự khi cho trẻ nhìn nhiều hơn vào các bức tranh đen trắng.

 

2. Giai đoạn vị giác của trẻ trở nên nhạy cảm

Trẻ phân biệt được vị giác ở mức tốt nhất là từ lúc 6 đến 9 tháng tuổi. Hầu như tất cả đứa trẻ nào cũng đều thích thức ăn có vị ngọt và thơm, điều này có liên quan mật thiết đến sữa mà trẻ uống.

Một số trẻ ít hoặc không tiếp xúc với thức ăn có vị chua và đắng, sau này dễ trở nên kén ăn hơn. Vì vậy, người mẹ nên chú ý đến các loại thức ăn có vị ngọt tự nhiên, chỉ cho đường trong trường hợp cần thiết, đồng thời cho trẻ thử nhiều loại thức ăn khác nhau để thúc đẩy vị giác.

 

3. Giai đoạn trẻ tò mò, quan tâm tới mọi thứ xung quanh

Khi trẻ từ 1,5 đến 4 tuổi, chúng sẽ rất tò mò về mọi thứ xung quanh và thường làm những điều khiến bố mẹ cảm thấy khó hiểu. Trẻ có thể ngồi im hàng tiếng đồng hồ chỉ để quan sát những chú kiến đang bò, hay quan sát những chuyển động nhàm chán.

Trong giai đoạn này, khi trẻ đang tập trung quan sát thứ gì đó, bố mẹ đừng ngắt lời hay ngăn cản, hãy để trẻ tự mình khám phá những bí ẩn của thế giới.

 

4. Giai đoạn trẻ nhạy cảm với ngôn ngữ

Trẻ bắt đầu hiểu được ý nghĩa của ngôn ngữ từ 1,5 đến 3 tuổi. Trước 3 tuổi là thời điểm "vàng" để kích thích não bộ của trẻ phát triển nhanh. Lúc này, đọc sách là cách tốt nhất và hiệu quả nhất để phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Vì vậy bố mẹ cần nắm bắt được thời điểm này để khai phá tiềm năng ngôn ngữ của trẻ.

Trẻ cũng có thể nhận biết được các mặt chữ từ lúc 3 tuổi, điều này có thể thúc đẩy khả năng đọc sớm, tăng cường sự tự tin và mở rộng sự hiểu biết của trẻ về thế giới. Điều quan trọng là bố mẹ cần quan tâm chứ không phải ép buộc con mình phải biết đọc biết viết cho bằng được. Bố mẹ có thể dùng thẻ hoặc tranh ảnh cũng như một số trò chơi trí tuệ để kích thích trẻ hứng thú với ngôn ngữ hơn.

 

5. Giai đoạn trẻ phát triển tư duy logic

Khi trẻ bước vào độ tuổi lên 3, lên 4, chúng sẽ đặt "ngàn vạn câu hỏi vì sao" cho bố mẹ. Đôi khi có những câu hỏi mà ngay cả người lớn cũng không biết trả lời như thế nào để trẻ hiểu, chẳng hạn như: "Tại sao trời tối?", "tại sao trời mưa?", "tại sao máy bay lại bay trên trời?"...

Thông qua việc đặt câu hỏi như thế này, trẻ sẽ phát triển khả năng tư duy về thế giới. Bố mẹ nên bảo vệ sự tò mò này của con cái. Trong trường hợp nếu bố mẹ không giải đáp được những thắc mắc của trẻ thì có thể cùng tìm hiểu, điều này càng khiến trẻ ham học hỏi hơn.

 

6. Giai đoạn trẻ hình thành mối quan hệ cá nhân

Kể từ 4 tuổi, hầu hết những đứa trẻ đã bắt đầu biết trao đổi đồ chơi và thức ăn với nhau. Chúng cũng bắt đầu biết thích chơi với những bạn có cùng sở thích với mình. Đặc biệt, khi đi học mẫu giáo, trẻ có cơ hội tiếp xúc với nhiều bạn bè hơn, bản thân trẻ sẽ trải qua những mối quan hệ giữa các cá nhân.

Trong giai đoạn này, bố mẹ có thể đưa ra một số hướng dẫn về cách chơi với bạn bè như thế nào. Ngoài ra, bố mẹ có thể làm gương cho con cái thông qua những hành động của mình để chúng có thể bắt chước theo.

 

7. Giai đoạn trẻ nhạy cảm về giới tính

Trong quá trình phát triển, mỗi đứa trẻ sẽ có những khám phá khác nhau về cơ thể của chính mình và chúng tiếp tục học hỏi trong suốt cuộc đời.

Để trẻ có nhận thức đúng đắn về giới tính của bản thân, ngay khi bố mẹ nhận thấy con mình có những hiểu biết về sự khác biệt giới tính cũng là lúc cần nghiêm túc dạy dỗ trẻ. Lúc này, bố mẹ nên trả lời trung thực và rõ ràng các câu hỏi liên quan tới giới tính mà trẻ thắc mắc. Trẻ sẽ dần xác định được giới tính của mình thông qua trò chơi, quần áo, hoạt động…

 

8. Giai đoạn trẻ bộc lộ sự quan tâm tới hội họa và âm nhạc

Sự phát triển thính giác của một đứa trẻ bắt đầu từ trong bụng mẹ, khi chúng được 1 tuổi đã có thể nhún nhảy theo nhịp điệu âm nhạc. Hội họa cũng là cách mà một đứa trẻ thể hiện thế giới chúng cảm nhận được trên trang giấy. Mỗi một đứa trẻ sinh ra đều có khả năng thiên bẩm nghệ thuật.

 Sau 2,5 tuổi, hầu hết trẻ em đều rất hứng thú với màu sắc và hình ảnh. Lúc này, bố mẹ nên khuyến khích trẻ vẽ bất cứ thứ gì chúng muốn, phát huy hết trí tưởng tượng của mình. Khi trẻ vẽ nguệch ngoạc trên giấy hình mặt trăng, con rắn, cây cối..., bố mẹ đừng vội chỉnh sửa hay chê bai. Đây là biểu hiện của một đứa trẻ có trí tưởng tượng phong phú, cần được đánh giá cao và khen ngợi.

 

Nuôi dưỡng sở thích cho trẻ là cách mà bố mẹ giúp con mình tìm thấy niềm đam mê và khả năng tiềm ẩn của bản thân.

 

Nguồn: Sohu, Zhihu

5 tuyệt chiêu giúp cha mẹ phát triển tính cách cho con

Con trẻ tựa như một tờ giấy trắng. Và luôn chịu ảnh hưởng một cách vô thức từ cha mẹ, Vì vậy, việc phát triển tính cách cho con ngay từ khi còn nhỏ là một trong những điều quan trọng mà phụ huynh nên lưu ý.


Phát triển tính cách cho con bằng việc tạo thói quen tuân thủ quy tắc

Trẻ em tuân thủ quy tắc, nghi thức, cho thấy trẻ nhận được sự giáo dục tốt nhất của cha mẹ. Ngược lại, trẻ không tuân thủ nguyên tắc và nghi thức, dễ hành động nổi loạn như bạo lực, chửi thề, vô kỷ luật nơi công cộng... hay coi thường cảm xúc của người khác.

Sau khi trẻ 3 tuổi, cha mẹ nên dần dạy trẻ cách chú ý đến lời nói, việc làm của bản thân ở nơi công cộng để con dần hình thành các thói quen tốt. Bởi những điều này vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển tính cách cho con khi lớn lên.


Môi trường – yếu tố quan trọng góp phần hình thành và phát triển tính cách cho con

Gia đình, nhà trường, môi trường sống là những nơi có ảnh hưởng trực tiếp tới sự định hình, phát triển tính cách cho con và xã hội là nơi thử thách, đánh giá sự trưởng thành của nhân cách đó. Vì vậy, gia đình cần quan tâm và xây dựng cho trẻ những môi trường sống lành mạnh, tích cực nhất để trẻ có thể phát triển toàn diện về cả tính cách lẫn tư duy.


Cho con cơ hội được tự kiểm soát bản thân

Nuôi dưỡng khả năng tự kiểm soát của trẻ là một trong những điều có ý nghĩa hết sức quan trọng vì đó chính là kỹ năng cần thiết nhất và ảnh hưởng đến quá trình phát triển tính cách cho con sau này.

Ví dụ: nếu bạn nói sẽ không cho phép bé ăn kẹo trước bữa ăn, bé có thể sẽ khóc, nài nỉ, cầu xin, la hét để bạn nhượng bộ và cho phép trẻ làm điều mà bé muốn. Nhưng nếu trẻ có khả năng tự kiểm soát, bé sẽ có thể tự nhận thức được rằng nếu có những biểu hiện hờn khóc sẽ có thể bị mẹ mắng, vì thế trẻ sẽ biết cách kiên nhẫn chờ đợi một cách ngoan ngoãn hơn là nài nỉ hay la hét.

Thông qua học hỏi để tự kiểm soát bản thân, bé sẽ có những quyết định phù hợp và phản ứng lại các tình huống căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày theo cách tốt nhất để có được hệ quả tích cực.

 

Khen ngợi hoặc phê bình con đúng lúc, đúng chừng mực

Để có thể vừa giúp con nhận thức ra và sửa chữa những sai lầm, đồng thời không làm tổn thương đến lòng tự trọng của con, những người làm bố, làm mẹ, đòi hỏi cả một “nghệ thuật” trong phê bình.

Khen ngợi và phê bình đúng lúc, đúng chừng mực giúp phát triển tính cách cho con tốt và giúp con ngày một trưởng thành hơn. Khi phê bình con cái, bạn hãy giữ thái độ nghiêm trang, nói chuyện với con bằng lý lẽ mà không phải bằng những lời chì chiết. Bố mẹ càng tạo được tâm lý “lắng nghe, chịu nghe” ở con trẻ bao nhiêu thì sự phê bình sau đó càng có kết quả bấy nhiêu.

Và cha mẹ cũng đừng quên khen ngợi, động viên con. Khi bé ngoan hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, không chỉ là những lời khen, đôi khi cũng nên tặng con những phần quà để tạo động lực cho con cố gắng.


Trong quá trình phát triển tính cách cho con, cha mẹ hãy luôn là tấm gương cho con noi theo

Cha mẹ được coi là tấm gương phản chiếu của con trẻ vì vậy nếu muốn phát triển tính cách cho con, cha mẹ cũng phải là người có tính cách tốt.

Hãy nhớ rằng mỗi hành động, việc làm của cha mẹ đều ảnh hưởng đến con trẻ vì đứa trẻ nhìn thấy tấm gương tốt của cha mẹ thì tự nhiên sẽ học tập và noi theo. Bố mẹ làm gương cho con bằng hành động cũng hiệu quả hơn là chỉ cho con làm gì đó bởi hành động sẽ truyền được một thông điệp mạnh mẽ hơn.

 

Việc phát triển tính cách cho con là một quá trình. Mà ở đó đòi hỏi sự nhẫn nại rất lớn của cha mẹ. Hãy chú ý dạy con từ những điều nhỏ nhất. Để bé có thể phát triển tính cách và tư duy một cách toàn diện.


Nguồn: Sưu tầm

16 điều giúp con cảm nhận hạnh phúc từ sự biết ơn

    Những điều sau đây sẽ giúp con trở thành đứa trẻ cảm nhận được hạnh phúc cuộc sống từ lòng biết ơn

      1. Nói “Làm ơn” và “Cảm ơn”: hãy cư xử để con thấy rằng, bạn không phải là người ra lệnh, bạn đánh giá mọi điều một cách khiêm nhường.

      2. Giúp ai đó kém may mắn: Đó có thể là người hàng xóm hoặc một người trên phố.

      3. Tình nguyện: Tham gia công việc thiện nguyện và con được làm cùng.

      4. Gửi thiệp cảm ơn: Dạy con thể hiện lòng biết ơn đối với người đã mang lại niềm vui cho mình, như cô giáo, ông bà…

      5. Nói về những khoảnh khắc đẹp trong ngày: Nếu hoàng hôn đẹp, hãy nói về điều đó. Nếu âm thanh tiếng cười của con làm bạn thấy vui, ấm áp, hãy nói với con. Khuyến khích con tìm kiếm những khoảnh khắc như vậy với con và chia sẻ cho nhau.

      6. Chia sẻ về lòng biết ơn trước khi đi ngủ: Dành năm phút cuối ngày để hỏi con những gì con biết ơn hôm đó.

      7. Chia sẻ lòng biết ơn của mỗi người ở bàn ăn tối: Dành một chút thời gian bữa tối để cùng nhau nói về lòng biết ơn.

      8. Khen người khác: Khuyến khích con làm như vậy, chia sẻ những điều bạn đánh giá cao về người khác.

      9. Làm một cuốn sách biết ơn: Viết ra suy nghĩ của mình hoặc vẽ về những ấn tượng đẹp với ai đó.

      10. Viết một lá thư: Hãy viết điều con nghĩ về ai đó đã chạm vào cuộc sống của con theo cách nào đó. Nếu có thể cho con đến thăm người đó và đọc lá thư ấy.

      11. Tạo một danh sách biết ơn trong gia đình: Viết và dán trên tủ lạnh và có thể thường xuyên cập nhật danh sách đó.

      12. Tặng ai đó một món quà: Giúp con kiếm tiền và mua quà tặng ai đó hoặc cùng nhau làm một món quà.

      13. Luôn tìm kiếm sự tích cực: Nói chuyện về điều tích cực trong những việc bực bội, khó chịu.

      14. Thực hành chuyển lời phàn nàn thành lời khen

      15. Tạo một “bình đựng lòng biết ơn”: Khuyến khích con thêm vào bình đó bất cứ những gì chúng cảm thấy biết ơn.

      16. Đi bộ cùng lòng biết ơn: Khi cùng nhau đi bộ, hãy hỏi con những niềm vui nho nhỏ như mặt trời rực rỡ, tiếng chim trong ngần.


      Những hành động giản dị ấy lại giúp con tìm thấy hạnh phúc cũng như hình thành nhân cách. Vì nếu bạn đợi đến 12 tuổi mới dạy con về lòng tốt thì dường như đã quá muộn rồi.

       

      Nguồn: Sưu tầm

      Nuôi dạy theo kiểu 'tự do' là làm hại con

      Các chuyên gia cho rằng, những người làm cha mẹ dễ dãi - tức cho con thích làm gì thì làm, ít kỷ luật, ranh giới - thực sự đang làm hại con.


      Theo Stephen Glicksman, Phó giáo sư tâm lý tại Đại học Yeshiva (Mỹ), trong nuôi dạy con, điều quan trọng là phải "cho phép" con được lựa chọn, vạch ra con đường và để con tự học hỏi từ những sai lầm. Tuy nhiên các bậc cha mẹ dễ dãi bắt con "chịu trách nhiệm" về sự phát triển của chính mình mà không tạo lập bất cứ cơ sở nào an toàn để con bắt đầu hoặc trở về khi chúng cần hỗ trợ.

      Bề ngoài, cha mẹ dễ dãi có mối quan hệ tốt với con cái. Trẻ em được phép làm những gì chúng muốn và cha mẹ thường thuận theo ý muốn của trẻ. Những bậc cha mẹ dễ dãi rất ấm áp và yêu thương con cái. Việc nuôi dạy con cái dễ dãi có vẻ bắt nguồn từ tình yêu thương và sự thấu hiểu, nhưng Glicksman cho biết không phải lúc nào cũng vậy.

      "Tất cả các bậc cha mẹ đều muốn những gì tốt nhất cho con, nhưng tôi nghĩ rằng đôi khi mọi người chọn phong cách nuôi dạy con cái dễ dãi vì họ sợ - sợ con mình không hạnh phúc hoặc sợ con không phải là 'bạn' của mình", ông nói.


      Các bậc cha mẹ dễ dãi có thể để con cái tự do chọn giờ đi ngủ hoặc bữa ăn nhẹ mà không đòi hỏi phải đúng giờ, không có thưởng, có phạt. Thường thì điều này có ý tốt, nhưng nó không giúp ích gì cho trẻ. Theo Glicksman, cha mẹ không nhất thiết phải là "bạn" với con. "Bạn bày tỏ tình yêu thương bằng cách tôn trọng sở thích và ý kiến của con nhưng cũng cần ranh giới rõ ràng thì sẽ giúp trẻ hạnh phúc hơn về lâu dài", ông nói.

      Nghiên cứu của Glicksman cho thấy rằng những đứa trẻ có cha mẹ dễ dãi có thể cảm thấy hạnh phúc và tích cực khi còn nhỏ nhưng dễ bị phụ thuộc và thiếu các kỹ năng xã hội khi lớn lên. "Vì được cho nhiều tự do khi còn nhỏ, trẻ đã học được rằng tính cách thời thơ ấu của họ đã đủ và cuối cùng trở thành những 'gà cưng'", chuyên gia nói.

       

      Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu thiết lập ranh giới và đặt kỳ vọng với con. Các chuyên gia khuyến nghị nên hướng tới một phong cách nuôi dạy con uy quyền hơn. Có 3 cách giúp bạn:

      1/ Hãy bắt đầu bằng cách nói "có" và "không" thường xuyên hơn, đồng thời giải thích lý do tại sao bạn nói vậy với con ứng với từng tình huống cụ thể. "Mục tiêu là nói 'có' đủ thường xuyên để con học được một khi bạn nói 'không' là chính đáng", Glicksman bật mí.

      2/ Lập danh sách các kỳ vọng và công việc gia đình, tùy thuộc vào độ tuổi của con bạn. Ví dụ thời gian sử dụng thiết bị bằng việc quét nhà, rửa cốc chén.

      3/ Bắt đầu nói "không" nhiều hơn và kiên trì với câu này. Glicksman nói rằng việc điều chỉnh có thể khó khăn đối với những đứa trẻ chưa từng có ranh giới. Chúng có khả năng sẽ phản ứng, nhưng nếu một khi kiên trì thì lâu dài sẽ tốt hơn cho cả con, cả bạn.

       

      Nguồn: VNExpress