Home
News
TP.HCM dự kiến cho học sinh đi học trở lại vào đầu năm sau

Theo phát biểu của ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thì đến khoảng đầu tháng 1.2022 thành phố sẽ tổ chức cho học sinh đi học trở lại.

 

Cụ thể, báo cáo tại cuộc họp báo định kỳ thông tin về tình hình dịch bệnh tại TP.HCM chiều ngày 7.10, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết hiện TP.HCM có hơn 1.500 cơ sở giáo dục được trưng dụng để làm điểm cách ly, phục vụ y tế. Dự kiến giữa tháng 11 số trường này sẽ được bàn giao lại cho ngành giáo dục để chuẩn bị sửa chữa, dọn dẹp cho học sinh đi học trở lại.

“Chúng tôi sẽ mất khoảng 1 tháng để sửa chữa, khắc phục và hoàn chỉnh lại cơ sở vật chất để đảm bảo việc dạy và học trực tiếp tại trường. Dự kiến, đầu tháng 1.2022 thì TP.HCM sẽ tổ chức dạy và học trở lại sau khi được sự cho phép của UBND và đảm bảo các tiêu chí an toàn trường học”, ông Hiếu cho biết.

Cũng theo ông Hiếu, hiện học sinh TP.HCM tham gia học trực tuyến đạt tỷ lệ cao. Cụ thể, ở bậc THPT có 225.855 học sinh, đạt 99,8%; bậc THCS có 438.299 đạt 97,9%; bậc tiểu học có 679.422 tham gia học trực tuyến đạt 97,73%.

 

Ngoài ra, về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất chuẩn bị cho học sinh trở lại trường, sở GD-ĐT đang cho rà soát tình hình cơ sở vật chất trường học, kể cả ngoài công lập theo bộ tiêu chí an toàn phòng, chống Covid-19 trong trường học.

Sở GD-ĐT sẽ Tham mưu UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện đảm bảo kinh phí hoạt động của các trường công lập do những phát sinh từ công tác phòng, chống dịch, tổ chức giãn lớp, hợp đồng giáo viên... theo quy định.

Phòng giáo dục xây dựng dự toán và tiến hành sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu và thiết bị dạy học theo quy định. Xây dựng kế hoạch, thứ tự ưu tiên các trường cần đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, tiến độ bàn giao các cơ sở giáo dục được trưng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Vận động mạnh thường quân trong hỗ trợ nhà trường cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất đúng với các quy định của pháp luật.

Phòng giáo dục đã chỉ đạo hiệu trưởng các trường rà soát cơ sở vật chất, phòng học, môi trường cảnh quan xung quanh, tình hình đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và các lực lượng khác trong việc đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19, khai báo y tế… để đảm bảo an toàn sức khỏe khi học sinh đi học trở lại.

 

Nguồn: Báo Thanh Niên

Khi nào TP.HCM mở cửa trường học?

Ngày 6.10, căn cứ theo Chỉ thị 18 của UBND TP.HCM, Sở GD-ĐT đã trình UBND dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 dành cho các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục mầm non, các trung tâm ngoại ngữ - tin học, giáo dục kỹ năng sống... để từ đó tự đánh giá trước khi mở cửa trường học.


Dự thảo đưa ra 10 tiêu chí như: Giáo viên, nhân viên được tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc được cấp thẻ xanh Covid-19; Số lượng học sinh, giáo viên tập trung tối đa cùng một thời điểm; Khoảng cách giữa mọi người trong phòng học, phòng làm việc, ở bên ngoài; Tổ chức hoạt động bán trú, xe đưa đón; Tổ chức hoạt động nội trú hoặc hoạt động sau 16 giờ 30 đối với trường mầm non…

Căn cứ vào đó, nếu các cơ sở giáo dục đạt từ 8 - 10 tiêu chí sẽ được đánh giá mức độ "an toàn cao" và được tổ chức hoạt động dạy học. Nếu đạt từ 6 - 7 tiêu chí thì cơ sở giáo dục được đánh giá mức độ "an toàn", được tổ chức hoạt động dạy học. Và trong 48 giờ, cơ sở giáo dục phải khắc phục để đạt ít nhất 8 tiêu chí thành phần. Còn nếu đạt 6 tiêu chí thì trường học được xem là "chưa đảm bảo an toàn", không được tổ chức hoạt động dạy học và phải khắc phục để đạt ít nhất 6 tiêu chí thành phần mới được hoạt động.


Chỉ an toàn khi học sinh được tiêm vắc xin

Với dự thảo kể trên, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), cho rằng rất cần thiết vì đó là thước đo hay nói đúng hơn là chuẩn để từng cơ sở giáo dục xây dựng cho thật tốt, đảm bảo an toàn mới cho học sinh trở lại trường học. Tuy nhiên vì đây là dự thảo nên lãnh đạo các trường cho rằng cần những chia sẻ, đóng góp để có bộ tiêu chí chặt chẽ áp dụng đồng bộ.

Chẳng hạn, tiêu chí 1 yêu cầu 100% giáo viên, nhân viên phải được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 là đúng đắn nhưng hiệu trưởng các trường cho rằng chưa đề cập đến học sinh thì không thể nói là an toàn, thậm chí là nguy cơ cao. “Tâm lý của phụ huynh không thể nào an lòng, khi thầy cô đứng lớp dạy con mình mà chưa tiêm đủ 2 mũi ngừa Covid và con họ cũng thế”, lãnh đạo một trường THCS tại Q.8 nói.

Bên cạnh đó, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du chỉ ra khó khăn nhất định đối với tiêu chí 2. Cụ thể, ở tiêu chí 2, số lượng học sinh, giáo viên tập trung tối đa trong cùng một thời điểm, dự thảo của Sở GD-ĐT chỉ cho phép số lớp và số học sinh không quá 50% theo tiêu chuẩn hiện hành (tiểu học 35 học sinh, THCS và THPT học sinh),

"Khi tách lớp để đảm bảo khoảng cách, nghĩa là số lớp tăng gấp đôi nhưng cơ số giáo viên không đổi. Như vậy số tiết dạy của giáo viên tăng gấp đôi thì lấy ngân sách ở đâu để trả tiền tiết phụ trội vì kinh phí rất lớn”, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du lưu ý. Từ đó, giải pháp tốt nhất là tách mỗi lớp thành 2 nhóm, luân phiên học trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Thế nhưng, lãnh đạo các trường cũng cho rằng, vấn đề đặt ra và căn cơ không phải là 10 tiêu chí mà là vắc xin phòng Covid-19. Phụ huynh chỉ an tâm đi làm khi con em đi học khi đã được tiêm vắc xin.


Nguồn: Báo Thanh Niên

Giáo dục bằng khuyên nhủ, không phạt?

Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội là một chuyên gia giáo dục vô cùng tâm huyết với nền giáo dục của Việt Nam. Những hoạt động, bài viết, quan điểm... của chị luôn nhận được sự yêu mến, trân trọng và có sức lan tỏa tới thầy cô, học sinh và các bậc cha mẹ.

Mới đây, Tiến sĩ Vũ Thu Hương có bài chia sẻ về vấn đề "Giáo dục bằng khuyên nhủ, không phạt" với trẻ nhỏ. Bài viết sau đó nhận được nhiều sự đồng tình của các bậc phụ huynh. Chúng tôi xin được chia sẻ lại cụ thể quan điểm của chị dưới đây:


GIÁO DỤC BẰNG KHUYÊN NHỦ, KHÔNG PHẠT?

Cách đây gần 10 năm, ở nước ta xuất hiện phong cách giáo dục "không phạt". Người ta lên án gay gắt mọi hình phạt dành cho trẻ. Dĩ nhiên, đánh, chửi, xúc phạm trẻ là không được rồi. Nhưng giờ, họ lên án cả "chép phạt", "phạt tập thể dục"... thì tôi thật sự không thể hiểu nổi. Hậu quả đã đến và trẻ phải gánh chịu:

1. Một lượng không nhỏ trẻ 6 tuổi không thể học được do bố mẹ dạy theo phong cách này.

Trung bình 1 trường có từ 5 - 10 cháu. Cái gì cũng dỗ dành, thương lượng. Đi học là vất vả, là vượt khó. Trẻ sau vài buổi đầu hào hứng với cái mới thì chán, KHÔNG THÍCH. Lúc này, trẻ bắt đầu ăn vạ, phá phách, gây sự để khỏi học hành.

Gia đình bối rối, nhà trường hoảng sợ. Các cô giáo sợ phụ huynh kiện nên cũng KHÔNG DÁM PHẠT, chỉ dỗ dành khuyên nhủ. Trẻ càng được đà lấn tới. Vì thế, có không ít trẻ không vượt qua được lớp 1.

Cô giáo lúc này thường tư vấn cho phụ huynh "thuê riêng 1 người ngồi trong lớp dạy bạn ấy". Các phụ huynh có tưởng tượng được đứa trẻ có 1 cô giáo riêng sẽ học tập thế nào trong 12 năm phổ thông hay không?

2. Trẻ phản ứng với mọi hình thức kỉ luật của cô giáo:

Mới đây, một giáo viên trẻ dạy lớp 3 chia sẻ: Cô lấy "tập viết" ra để làm hình thức phạt cho trẻ chưa ngoan. Các con ăn cơm trưa xong sớm, các bạn khác ngồi chơi còn các bạn bị phạt phải "tập viết". Một ngày nọ, 1 bạn học sinh vi phạm kỉ luật vào buổi chiều, cô giáo hẹn bạn ấy chép phạt vào trưa hôm sau. Đúng giờ trưa, các học sinh vừa ăn xong, gia đình bạn ấy lập tức đón con về để né tránh hình phạt.

Đó là chưa kể họ rêu rao nói xấu cô giáo khắp nơi và nói: Con họ sợ đi học.

Các bậc phụ huynh có cảm nghĩ gì khi đọc về cách ứng xử của gia đình này? Rõ ràng chính các phụ huynh đã tìm mọi cách để cô giáo không làm gì nổi con họ dù các con hư đến đâu. Và bây giờ, trong giới giáo viên truyền nhau phong cách giáo dục "Mặc kệ nó" để họ được sống yên ổn. Tư cách đạo đức, kĩ năng và kiến thức của trẻ sẽ ra sao với kiểu giáo dục "KHÔNG PHẠT" này?

3. Không dạy được trẻ, các nhà trường tìm cách "tống cổ" những đứa trẻ bất trị hoặc những gia đình bất trị (có bố mẹ cư xử thô lỗ hoặc can thiệp vào việc giáo dục nhà trường hoặc soi lỗi các cô giáo) ra ngoài trường.

Để nói thật với họ, điều đó không hề khó. Trẻ bất trị thì vi phạm là rất nhiều. Các trường làm theo quy định của bộ giáo dục, kỉ luật "cảnh cáo", "khiển trách" trẻ và ghi học bạ. Quá sợ "bị ghi học bạ", các bố mẹ vội vàng cho con rút hồ sơ và xin đi trường khác.

Tuy nhiên, các trường khác cũng rất "thông minh". Họ chẳng dại mà nhận những đứa trẻ như vậy. Nào là "kiểm tra không đạt", nào là "quá thời gian nhận hồ sơ",... họ có đủ các lý do để từ chối những đứa trẻ này. Cũng chẳng trách được họ. Họ cũng có quá nhiều công việc để làm.

Khi ấy phải làm việc với một số gia đình kiểu: "Cô phải kí cam kết KHÔNG ĐƯỢC ĐẺ để dạy các cháu cho hết năm học", "cô phải kí cam kết là chỉ dỗ dành, khuyên nhủ con tôi", "cô phải hiền với các cháu, nếu không tôi gặp hiệu trưởng",... chẳng dễ chịu gì.

4. Sẽ rất mệt cho các giáo viên gặp phải những trẻ này bởi sẽ có lúc cô kiềm chế được, có lúc không. Nếu chẳng may cô không kiềm chế nổi thì có thể hành động thiếu kiểm soát.

5. Vì không bị phạt, trẻ không hề có ý thức tuân thủ các quy định. Ngoài ra, trẻ còn tìm cách "giật dây" người lớn, tìm cách để cha mẹ phản ứng với cô giáo để tránh những thứ mình không muốn.

Chẳng hạn nhiều những trẻ đi học nhưng vở viết nguệch ngoạc, không ghi thứ ngày tháng, viết vỏn vẹn vài chữ lem nhem. Ngồi học thì ngáp vặt, làm việc riêng, chơi game khi học online, chat chit,...

6. Một số bất trẻ bất trị qua được cấp 1 và học tiếp lên cấp 2, cấp 3 nhưng lúc này một số vấn đề sẽ lộ ra. Nhiều trẻ bất trị vi phạm quy định, gây gổ, đánh bạn, thậm chí trộm tiền chơi game,... Lúc này, cha mẹ mới hối hận vì phong cách giáo dục "không phạt".

7. Trẻ không bị phạt còn dễ nảy sinh tính coi thường cha mẹ, coi thường người lớn, coi thường mọi luật lệ, quy tắc lễ phép. Thái độ coi thường ngông nghênh đó có thể tới đỉnh điểm khi các con dám phản ứng dữ dội với cha mẹ (viết giấy từ mặt bố mẹ, tuyên bố con không cần bố mẹ....), hỗn với giáo viên, gây sự với người xung quanh.

....

Phong cách giáo dục "KHÔNG PHẠT" đang dần hủy hoại giới trẻ. Kèm thêm với đó là phong cách "soi và can thiệp nhà trường ở mọi chi tiết" và chúng ta đang làm hỏng môi trường giáo dục trẻ.


Theo báo Pháp Luật và bạn đọc

Ngày Quốc tế Biết chữ

Năm 1965, UNESCO đã chọn ngày 8-9 hằng năm là Ngày Quốc tế Xoá nạn mù chữ,  hay còn gọi là Ngày Quốc tế Biết chữ (World Literacy Day). Ngày này được kỷ niệm hàng năm nhằm nâng cao tầm quan trọng của việc biết đọc biết viết đối với sự phát triển của mỗi cá nhân và cộng đồng trong xã hội, quy mô tổ chức trên toàn thế giới.

 

Trong kỷ nguyên số hoá thì vấn đề này càng trở nên quan trọng, bởi chúng ta đã và đang bước vào kỷ nguyên của thông tin và tri thức. Có thể nói thời buổi hiện nay, ai sở hữu nhiều thông tin và tri thức hơn, người đó sẽ có thế mạnh cạnh tranh lớn hơn. Việc gia tăng số lượng người biết chữ toàn cầu, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển, chắc chắn là một trong những việc cần được ưu tiên nhất. Tuy nhiên, cho đến nay tỉ lệ người trưởng thành không biết chữ vẫn còn chiếm đến 25% dân số thế giới. 

Để tìm hiểu rõ về những vấn đề, hệ luỵ xã hội do việc không biết chữ gây ra, cũng như những lợi ích mà việc biết chữ và khả năng đọc sách, học tập, v.v...đem lại, mời mọi người xem trong hình infographic dưới đây.



Nguồn: Tổng hợp

25 phép lịch sự tối thiểu cha mẹ phải dạy con

1. Đừng bao giờ nhại lại giọng địa phương của người khác vì điều đó không có gì hay ho đâu con ạ!

2. Khi người khác đang nghỉ ngơi, con hãy giữ yên lặng. Nếu con có chuyện muốn nói thì con hãy nhẹ nhàng đi ra ngoài.

3. Khi ai đó hỏi con cái gì, nếu con không biết thì hãy trả lời lịch sự rằng “Mình không biết hoặc mình không hiểu lắm”. Con đừng nói trống không “Sao mà biết được”.

4. Khi con nói xin lỗi thì con đừng thêm từ “được chưa”.

5. Nếu con mượn đồ của người khác thì con hãy nhớ trả lại.

6. Khi con mượn đồ đắt tiền của ai đó, con hãy nhớ giữ gìn cẩn thận.

7. Khi con ăn, con hãy ăn xong rồi nói chuyện.

8. Người văn minh hãy biết cách học lấy những điều thông minh.

9. Nếu có cuộc gọi nhỡ, con hãy lịch sự nhắn tin khi chưa thể gọi lại.

10. Con không được xem trộm tin nhắn hay nhật ký của người khác.



 

11. Khi người khác đang nói, con nên để họ nói xong rồi nói.

12. Nếu con nói “tôi mời” thì con phải là người thanh toán. Còn nói “chúng ta đi ăn đi” thì ai trả phần người đấy con nhé!

13. Nếu ai đó xúc phạm con, con không nên đáp trả hoặc to tiếng với họ mà hãy mỉm cười.

14. Nếu đi cùng ai đó, người ấy chào một người bạn không biết thì con cũng nên chào họ.

15. Đeo tai nghe khi xem video, nghe nhạc ở nơi công cộng để không làm phiền tới người khác.

16. Tránh cười, nói chuyện quá to khi nhìn chằm chằm vào người khác.

17. Con không nên phóng xe nhanh qua vũng nước.

18. Một người đàn ông có giáo dục sẽ luôn thể hiện sự tôn trọng đúng mực với phụ nữ con nhé!

19. Con hãy trả lại số tiền đã vay càng sớm càng tốt.

20. Nếu ngủ ở nhà người khác, con hãy nhớ gấp chăn gối cho gọn gàng trước khi đi.

21. Hãy nhìn vào người đối diện khi con nói chuyện với ai đó.

22. Đừng cãι nhau ở chốn công cộng.

23. Đôi giày của con lúc nào cũng nên sạch sẽ.

24. Nguyên tắc vàng khi dùng nước hoa là dùng vừa phải. Nếu con vẫn có thể ngửi thấy mùi nước hoa của mình vào buổi tối thì có nghĩa là mọi người đã quá мệт với nó rồi.

25. Nếu ai đó giúp đỡ con dù chuyện nhỏ nhất cũng nên nói lời “cảm ơn”.

 

Nguồn: Sưu tầm