Home
News
Chính phủ yêu cầu sớm có kế hoạch mở cửa lại trường học

Trong nghị quyết vừa ban hành, Chính phủ yêu cầu sớm có kế hoạch mở cửa lại trường học gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh.


Văn phòng Chính phủ hôm nay cho biết Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 141/NQ-CP phiên họp Chính phủ chuyên đề tháng 11.


Theo đó, Chính phủ cơ bản thống nhất nội dụng dự thảo Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2021 - 2023 do Bộ Y tế trình.


Trong đó, Chính phủ lưu ý cần phải rà soát kỹ, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác phòng, chống dịch thời gian tới, bảo đảm khả thi, dễ thực hiện, thể hiện ngắn gọn, dễ hiểu.

 

Chính phủ lưu ý các biện pháp y tế với 3 trụ cột: cách ly chặt, nhanh, hẹp và giải tỏa cách ly nhanh nhất có thể; xét nghiệm thần tốc, khoa học, hiệu quả và nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh; điều trị từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, bảo đảm người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế gần nhất, sớm nhất có thể.


Việc thực hiện phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 phải dựa trên nguyên tắc: 5K + vắc xin + thuốc điều trị + các biện pháp điều trị + công nghệ + đề cao ý thức của người dân và các biện pháp khác. Đẩy nhanh tiêm phòng, tăng độ bao phủ của vắc xin và bảo đảm thuốc điều trị; nâng cao năng lực của hệ thống y tế; giảm thiểu tỉ lệ tử vong.

Đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện các phương án, kế hoạch, kịch bản ứng phó, phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro và chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực cần thiết cho phòng, chống dịch; sớm có kế hoạch mở cửa lại trường học gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh.


Cùng với đó, cần tăng cường y tế dự phòng và y tế cơ sở; trong đó khẩn trương rà soát, đánh giá thực trạng, năng lực của hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở để đề xuất nhu cầu, cơ chế đầu tư bổ sung, kiện toàn, cân nhắc tập trung ở quy mô khu vực; đặc biệt cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, phân bổ nguồn nhân lực hợp lý, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn nhân lực hiện có.

Đồng thời, làm rõ nhu cầu vắc xin, thuốc, sinh phẩm, kit, test xét nghiệm và trang thiết bị y tế trong thời gian còn lại của năm 2021 và năm 2022, dự kiến nguồn lực thực hiện và kế hoạch mua sắm rõ ràng, cụ thể; có cơ chế hỗ trợ sản xuất trong nước vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị, thuốc điều trị Covid-19.


Nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc thành lập Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 trên cơ sở Quỹ vắc xin phòng Covid-19; tăng cường hợp tác công tư, phát huy vai trò của y tế tư nhân và tăng cường sự phối kết hợp giữa y tế tư nhân và y tế nhà nước trong phòng, chống dịch.

 

Nguồn:Báo Thanh Niên

Đi học trở lại, phát hiện F0 có nghỉ học toàn trường ?

Tại hội nghị trực tuyến đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục diễn ra hôm qua (8.11) do Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT tổ chức, các địa phương đã thảo luận vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh (HS) đi học trở lại.


Ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết thành phố đã ban hành quy chế an toàn trường học để thực hiện. Sở cũng đã có hướng dẫn các trường thực hiện công tác đảm bảo an toàn cho HS khi mở cửa trường trong thời gian tới. Hiện các trường học, cơ sở giáo dục cũng đã sẵn sàng để đón HS đi học trở lại. Dù vậy, khi cho HS đi học trở lại, ông Dũng kiến nghị với Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể đối với việc xử lý khi phát hiện các trường hợp F0, F1, F2… trong lớp học.


Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng các địa phương phải rất linh hoạt, dựa trên tình hình của từng nơi, từng vùng dịch để thiết lập một kế hoạch riêng.


Theo ông Tuyên, hiện các nước trên thế giới đã bắt đầu thay đổi cách phòng chống dịch Covid-19 và Việt Nam cũng đang từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình dịch bệnh hiện nay.


Ông Tuyên đề nghị Sở Y tế, Sở GD-ĐT các địa phương rà soát lại, yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch phòng chống dịch trong tình hình hiện nay.


Về hình thức xử lý cụ thể khi học sinh đi học trở lại, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo: “Từng trường một phải có hai kế hoạch, một là kế hoạch phòng chống dịch chung, thứ hai là phương án xử lý F0. Tôi chỉ lưu ý khi không may trong trường có ca F0, trước mắt chúng ta phải khoanh vùng cả trường, sau đó sàng lọc, xét nghiệm, phân tích dịch tễ học… Những trường hợp F0 trường cho đi điều trị tại cơ sở y tế hoặc tại nhà, còn F1 cũng có thể cách ly tập trung hoặc tại nhà. Nếu có phong tỏa thì chỉ phong tỏa lớp học, tầng học… sau đó khử khuẩn. Sau 24 giờ khử khuẩn, chúng ta vẫn tiếp tục mở lớp học, đưa giáo viên, HS lớp khác sang học bình thường. Chúng ta không nên quá hoang mang”.

 

Nguồn: Báo Thanh Niên

Trẻ mầm non ở TP.HCM sẽ đi học trở lại trong thời gian tới thế nào?

Thời gian đầu khi trẻ mầm non đi học lại các trường chỉ nhận giữ trẻ một buổi/ngày, không ăn sáng, không bán trú. Các trường cần phải chia đôi lớp và bố trí lệch buổi.

 

Theo phương án mở cửa trường học, học sinh học trực tiếp trở lại trong tờ trình về dự thảo kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục của Sở GD-ĐT TP.HCM thì việc tổ chức đi học trở lại phải đảm bảo an toàn khi đào tạo trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19.

 

Trong đó, với trẻ mầm non, nhóm đối tượng đã nghỉ học từ đầu tháng 5 và không học trực tuyến như các bậc phổ thông, thì việc mở cửa trở lại rất quan trọng.

 

Với nhóm này, Sở lên kế hoạch, thời gian đầu các trường chỉ nhận giữ trẻ một buổi, không ăn sáng, không bán trú. Các trường cần phải chia đôi lớp và bố trí lệch buổi.

 

Sau mỗi tuần, phòng GD-ĐT sẽ đánh giá độ an toàn và các điều kiện để tham mưu UBND quận, huyện điều chỉnh phương án theo hướng mở dần (tổ chức ăn sáng, bán trú, bỏ tách lớp…).

 

Đối với giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, từng trường chủ động xây dựng phương án tổ chức hoạt động nhà trường để linh hoạt thực hiện việc dạy và học phù hợp với quy định cấp độ dịch tại địa phương, nơi trường trú đóng và được Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 đánh giá an toàn.

 

Để chuẩn bị cho việc đi học trở lại, Sở yêu cầu rà soát tình hình cơ sở vật chất trường học trên địa bàn, kể cả ngoài công lập, kế hoạch và tiến độ bàn giao các trường được trưng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch…

 

Đặc biệt về đội ngũ, các cơ sở phải nắm lại tình hình của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường để có phương án bổ sung, hợp đồng tạm (nếu có) để hoạt động trở lại, nhất là với các cơ sở giáo dục mầm non.

 

Những giáo viên đã tiêm đủ liều vắc xin sẽ được phép di chuyển từ nhà đến trường để làm việc. Và chỉ những giáo viên được chích ngừa vắc xin phòng Covid-19 từ 2 tuần trở lên mới được vào trường.

 

Trước đó, trả lời báo chí về dự kiến đi học trở lại của học sinh, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, nếu tình hình tiêm chủng vắc xin ổn định thì các em có thể đi học sau 5 tuần tới.

 

Nguồn: Báo Thanh Niên

Học sinh đi học trực tiếp trở lại, ai chịu trách nhiệm về an toàn, sức khỏe?

Ngày 7.11, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có những yêu cầu về việc đảm bảo sức khoẻ của học sinh trong thời gian học trực tiếp và học trực tuyến.

 

Theo đó, lúc học sinh còn học trực tuyến tại nhà, các trường xây dựng kế hoạch và các phương án phòng chống dịch Covid-19 nếu có trường hợp nhiễm tại trường và tổ chức diễn tập trước khi học sinh đi học trực tiếp trở lại.

 

Triển khai tự đánh giá theo bộ tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch, thống kê thường xuyên cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thuộc diện F0, có biện pháp hỗ trợ trong công tác dạy, học, tư vấn về sức khỏe tinh thần. Thường xuyên phối hợp với phụ huynh học sinh nhắc nhở học sinh có chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý phòng chống các vấn đề về sức khỏe học sinh như tật khúc xạ ở mắt, tình trạng thừa cân béo phì, tình trạng cong vẹo cột sống, sức khỏe thần kinh tâm thần.

 

Khi học sinh học trực tiếp, theo yêu cầu của Sở GD-ĐT, nhà trường thực hiện công tác khám sức khỏe cho cán bộ, giáo viên nhân viên và kiểm tra sức khỏe học sinh. Tổ chức giám sát phát hiện sớm học sinh nhiễm bệnh trong trường học và chuyển tuyến điều trị kịp thời. Tổ chức hướng dẫn cho giáo viên, phụ huynh về đặc điểm, cách nhận biết các dấu hiệu của bệnh và các biện pháp phòng chống, cách chăm sóc và theo dõi sức khỏe.

 

Khi hoạt động bán trú, bữa ăn bán trú được phép tổ chức trở lại, trong hướng dẫn thực hiện do Phó Giám đốc Sở GD- ĐT triển khai, lãnh đạo nhà trường chịu trách nhiệm kiểm soát, đảm bảo thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn, nhà ăn và cơ sở cung cấp thức ăn cho học sinh, căn tin trong trường phải đảm bảo an toàn theo quy định. Đảm bảo 100% trường học có bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp, căn tin không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Không chọn những cơ sở cung cấp suất ăn quá xa trường. Nhà trường xây dựng kế hoạch cụ thể phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh trong công tác giám sát quá trình chế biến, tiếp phẩm cũng như giá thành của từng bữa ăn của học sinh hằng ngày. Thường xuyên giám sát cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp…

 

Lãnh đạo trường học chịu trách nhiệm trong công tác quản lý căn tin khi học sinh đi học trực tiếp trở lại. Cụ thể căn tin không bán những mặt hàng đồ chơi kẹo bánh trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ và không rõ hạn sử dụng. Không quảng cáo và kinh doanh nước ngọt có gas và các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe trong trường học. Nhà trường công khai các đơn vị cung cấp nguyên liệu cho bếp ăn đến phụ huynh học sinh vào đầu năm học, nếu có thay đổi đơn vị cung cấp thì phải thông báo công khai để cha mẹ học sinh được biết.

 

Ngày 30.10, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức cuộc họp với sự tham dự của lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố. Tại đây, Sở GD-ĐT trình lãnh đạo UBND TP dự thảo Kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, trong đó đề xuất học sinh đi học trở lại từ ngày 10.12.

 

Cụ thể, đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và 2 (nguy cơ thấp và trung bình) thì tổ chức dạy học trực tiếp, sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

 

Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao), tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình.

 

Đối với các địa bàn được xác định ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) thì không tổ chức dạy trực tiếp mà tổ chức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học…

 

Nguồn:  Báo Thanh Niên

Hà Nội - 18 trẻ nhỏ bị tiêm nhầm vaccine Covid-19

Sự cố y khoa xảy ra tại Trạm Y tế xã Yên Sơn ngày 3/11 khi nơi này tổ chức tiêm chủng cho các cháu độ tuổi 2-6 tháng tuổi. Do sơ suất, nhân viên y tế đã tiêm nhầm vaccine Pfizer cho trẻ. Hiện chưa rõ tại sao xảy ra nhầm lẫn, các bé đã được tiêm vaccine Pfizer với liều lượng bao nhiêu.


Các bé sau đó được đưa đến theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Chuyên gia hàng đầu của Bệnh viện Nhi Trung ương đã đến thăm khám cho trẻ.


Hiện sức khỏe các bé ổn định, một số có biểu hiện sốt, sưng đỏ nơi tiêm, là những phản ứng thông thường sau tiêm, không có trường hợp nào sốc phản vệ.


Sở Y tế Hà Nội cho biết đã báo cáo Bộ Y tế, tham vấn ý kiến chuyên môn của các giáo sư hàng đầu trong nước, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới và UNICEF.


Huyện Quốc Oai đã yêu cầu Trung tâm Y tế huyện và Trạm Y tế xã Yên Sơn đình chỉ dây tiêm gồm 4 nhân viên, rà soát quy trình tiêm chủng cho trẻ em. Nhân viên trực tiếp tiêm cho các bé đã bị đình chỉnh công tác để xem xét trách nhiệm.


Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ đạo rà soát toàn bộ quy trình tiêm chủng trên địa bàn Hà Nội, không để tình huống tương tự xảy ra.


Hà Nội chưa triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em. Bộ Y tế từ ngày 14/10 cho phép tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi. Chiến dịch tiêm cho trẻ em trên toàn quốc chính thức triển khai từ 1/11. Theo kế hoạch, từ nay đến quý I/2022, toàn bộ trẻ 12-17 sẽ được tiêm theo lộ trình tiêm trước các em 16-17 tuổi, hạ dần độ tuổi, ưu tiên khu vực đang có dịch và theo nguồn cung vaccine.


Vaccine 5 trong 1 phòng các bệnh truyền nhiễm phổ biến gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB và viêm gan B. Đây là vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi theo lịch tiêm chủng định kỳ.

 

Nguồn: VNEpress

Tháng 12 - Học sinh TP.HCM dự kiến trở lại trường: Thích nghi với bình thường mới

Trước thông tin học sinh TP.HCM có thể trở lại trường vào tháng 12 tới, cả giáo viên, phụ huynh và học sinh đều mong chờ, chuẩn bị sẵn các tình huống nếu được đi học trực tiếp.

 

Không thể kéo dài học trực tuyến mãi !

Với đề xuất mà Sở GD-ĐT TP.HCM xây dựng cho học sinh (HS) đi học trực tiếp trở lại từ ngày 10.12, ông Trần Minh, Hiệu phó Trường THCS - THPT Đào Duy Anh (Q.6), nói rằng phương án này phù hợp với tình hình hiện tại. Thời điểm đó, HS trong độ tuổi từ 12 đến 17 đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và tạo sự miễn dịch cộng đồng cần thiết. Đây là một trong những điều kiện an toàn để các em có thể trở lại trường học tập.

 

Các trường sẽ được tập huấn và chuẩn bị các phương án tổ chức đón HS trở lại theo Bộ tiêu chí an toàn trường học để HS học tập trực tiếp an toàn nhất. Dịch bệnh ở TP.HCM cơ bản đã được kiểm soát, TP đã mở cửa trở lại các hoạt động, vì vậy việc tổ chức cho HS quay trở lại trường với các phương án và sự chuẩn bị an toàn là cần thiết với tình hình chung lúc này của TP. Còn nếu chờ hết dịch hoàn toàn mới cho HS đi học lại thì không biết khi nào.

 

Ông Trần Minh nói thêm qua thời gian ngừng đến trường, mặc dù giáo viên và HS đã quen, nỗ lực để thích nghi hình thức học trực tuyến nhưng với HS cuối cấp như lớp 9 và đặc biệt là khối 12 thì học trực tiếp sẽ hiệu quả hơn rất nhiều để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi quan trọng cuối năm cùng với HS cả nước.

 

Về việc Sở GD-ĐT có phương án tính toán cho HS đến trường trở lại khi đã khống chế kiểm soát được dịch thì ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức), cho rằng đây là việc làm cần thiết. Ở đây có thể thấy Sở GD-ĐT đã chủ động và chuẩn bị nhiều kịch bản trong thời gian vừa qua, ứng với từng giai đoạn cụ thể. “Chúng ta không thể kéo dài tình trạng học trực tuyến. Hiện nay, các trường triển khai kế hoạch dạy học trực tuyến với giải pháp nhằm đảm bảo thời gian năm học, thực hiện nội dung chương trình và tạo động lực, duy trì nền nếp học tập của HS. Tuy nhiên, việc tổ chức dạy học trực tuyến cho HS phần lớn là truyền thụ kiến thức chuyên môn, không thể tổ chức đầy đủ các hoạt động giáo dục hiện nay như giáo dục kỹ năng sống, ngoại khóa, thực hành thí nghiệm hay các hoạt động văn thể mỹ, giáo dục đạo đức… nên kết quả không thể như mong muốn”, ông Bình phân tích.

 

Vì vậy, ông Bình đồng tình với thời gian dự kiến cho HS quay trở lại trường từ ngày 10.12 và cho rằng có tính khả thi. Vị hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân nói thêm cuối tháng 11 công tác tiêm 2 mũi vắc xin cho HS gần như hoàn tất. Chẳng hạn, tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân có đến hơn 99% HS đã tiêm mũi 1. Bên cạnh đó, cuối tháng 11, công tác sửa chữa, chỉnh trang trường lớp sau thời gian tham gia công tác chống dịch của các trường cũng hoàn thiện để đảm bảo đón HS đến trường. Thế nên, vào thời điểm đó, căn cứ trên kế hoạch của Sở, các trường sẽ chủ động xây dựng kế hoạch mở cửa trường học, đón HS đi học trở lại.

 

Phụ huynh và học sinh mong chờ

Là HS lớp 12, đối với Nguyễn Lê Tường Vy, Trường THPT Marie Curie (Q.3), việc quay trở lại trường học trực tiếp sẽ giúp em và các bạn năm cuối có thể tập trung tốt nhất cho việc học tập, ôn luyện cho kỳ thi sắp tới. Vì vậy khi nghe thông tin có thể sớm được học trực tiếp, Vy không khỏi vui mừng.

“Bọn em sẽ có thể tập trung tốt hơn cho việc học cũng như có thêm thời gian bên bạn bè, thầy cô vì đây là năm cuối rồi”, Vy nói và cho biết bản thân em cũng đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo chủ trương của TP.HCM nên sẽ an tâm hơn khi quay trở lại trường. Dù vậy, Vy cho biết nếu đi học em sẽ tuân thủ các quy định phòng dịch để việc trở lại trường đảm bảo an toàn và ổn định.

 

Còn Nguyễn Ngọc Anh Thư, Trường THPT Võ Văn Kiệt (Q.8), cho biết không khỏi háo hức. “Bọn em là HS lớp 10, vào trường 2 tháng nay nhưng vẫn chưa được gặp mặt bạn bè, thầy cô. Em hy vọng sớm được đi học để làm quen với bạn mới và việc học tập có hiệu quả, không khí hơn”, nữ sinh này chia sẻ.

 

Anh Thư cũng cho biết dù chưa có lịch chính thức nhưng em sẽ chuẩn bị đồng phục, sách vở, giày dép mới cùng tinh thần lạc quan để đến lớp sau nhiều tháng liền không đến trường.

 

Trong khi đó, vừa ở vai trò là người đi dạy vừa là phụ huynh, chị Nguyễn Thị Hạnh, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết gia đình chị hy vọng các con có thể sớm được quay trở lại trường, vợ chồng chị cũng sớm được trở lại công việc bình thường như trước đây.

 

Có con đang là HS lớp 6 tại Trường THCS Nguyễn Văn Tố (Q.10), theo chị Hạnh, đến nay các em đã không đến trường gần nửa năm. Dù học trực tuyến được cải thiện đến đâu thì cũng không thể so sánh được với việc các em HS được đến trường học trực tiếp. Bản thân dạy trực tuyến gần 2 năm nay, chị Hạnh cho biết vẫn không tránh khỏi trường hợp bị mất đường truyền, mạng yếu, cô dạy trò không thể nghe, trò phát biểu bị ngắt quãng…

 

“Cả gia đình mình đã bị nhiễm Covid-19 hồi tháng 9, lúc đó cả gia đình 3 người trên 18 tuổi đều đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin, còn bé nhỏ năm nay 11 tuổi thì chưa tiêm. Nhưng riêng bé nhỏ lại gần như không có triệu chứng, chỉ bị sốt nhẹ trong vòng 3 ngày. Chưa kể, khi cho con đến trường phụ huynh sẽ có trách nhiệm trong việc theo dõi sức khỏe của các em, nên theo quan điểm cá nhân thì mình vẫn mong muốn mở cửa trường học, để cả người lớn và HS thích nghi dần với tình hình mới”, chị Hạnh chia sẻ.

 

Khi cho HS đi học, theo chị Hạnh, sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề như: thầy trò không còn phải căng thẳng khi học trực tuyến, cha mẹ có thể yên tâm đi làm trở lại. Hiện nay không ít phụ huynh phải nghỉ làm ở nhà kèm cặp con học trực tuyến, đặc biệt là với những HS lứa tuổi nhỏ.

 

Trong khi đó, có con học lớp 1 tại Trường tiểu học An Hội (Q.Gò Vấp), chị Nguyễn Thị Hoài Thu cho rằng nếu TP.HCM mở cửa trường học thì cần ưu tiên cho HS lớp 1. Bởi theo chị Thu, cả HS, giáo viên và phụ huynh của khối này cực kỳ vất vả khi các con học trực tuyến. Ở khối lớp này, sĩ số lớp học thì đông, các em lại lần đầu tiên học tập trung, phải tập viết nên rất cần sự hỗ trợ trực tiếp của giáo viên.

 

“Bọn nhỏ học đến tuần thứ 7 rồi, ghép vần, viết chữ, làm toán tách gộp… Dù lịch học chủ yếu chỉ tiếng Việt và toán nhưng các con không thể nào theo kịp, cứ học trước quên sau. Nhìn con vật vã đánh vần từng câu, còn chữ thì viết sai thấy mà thương. Nên nếu được, vợ chồng mình rất ủng hộ cho HS lớp này được đến trường”, chị Hoài Thu nói.


Học sinh TP.HCM dự kiến trở lại trường trong tháng 12: Thích nghi với bình thường mới - ảnh 1

Học sinh TP.HCM đã được tiêm vắc xin và có thể đi học lại trong thời gian tới 


Sau 2 tuần đi học lại, cô trò đều vui vẻ, hào hứng

Là nơi đầu tiên ở TP.HCM cho HS đi học lại, thầy Lê Hữu Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thạnh An (xã đảo Thạnh An, Cần Giờ), cho biết cả cô và trò đều rất vui vẻ, háo hức vì được đến trường.

“Sau 2 tuần mở cửa trường thấy HS nhanh nhẹn, tiếp thu bài tốt hơn. Trong tuần đầu tiên, giáo viên của trường phải dành thời gian ôn tập lại, cầm tay chỉ bút cho các em những điều mà giáo viên không thể điều chỉnh, hỗ trợ các em khi dạy qua mạng”, thầy Bình chia sẻ.

Hiện 112 HS hai khối 1 và 2 của trường này đều được học cả ngày ở trường, riêng các khối còn lại vẫn học trực tuyến.

 

Nguồn: Báo Thanh Niên