Tác hại của đường đối với trẻ em
Qua nhiều nguồn thông tin, chắc hẳn hầu hết chúng ta đều hiểu được tác hại của việc ăn nhiều đường. Vậy hãy xem đường gây hại đến cơ thể trẻ như thế nào nhé!
1. Tác động tới răng
Một số vi khuẩn có hại tồn tại trong miệng cả người lớn lẫn trẻ em có thể tiêu thụ lượng đường mà chúng ta ăn. Kết quả là, hàm lượng axit mà chúng có thể sản sinh ra một cách bình thường sẽ tăng, phá hủy men răng của trẻ. Việc tiếp xúc với đường lâu ngày dẫn tới răng bị ăn mòn và thủ phạm chính là hàm lượng axit được tích tụ quá nhiều.
Khi đó, răng sẽ bị sâu. Một khi mảng bám lọt vào trong răng thông qua lỗ hổng đó, tình trạng trở nên sâu răng nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng tới cả dây thần kinh, mạch máu, cuối cùng gây ra áp xe – hiện tượng nhiễm trùng, mưng mủ.
2. Tác động tới tim
Khi có quá nhiều đường được hấp thụ vào máu, nó khiến hàm lượng đường trong máu tăng cao. Lúc đó, bất cứ lượng calo nào có trong đường sẽ được lưu trữ để dùng dưới dạng mỡ, dẫn tới béo phì.
Lượng mỡ này tích tụ nhiều trong động mạch, làm chúng dày lên và khiến máu khó lưu thông khắp cơ thể, tạo áp lực nặng nền lên tim. Một khi đường dẫn đến bệnh béo phì, nó cũng có thể đẩy trẻ em vào nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn.
3. Tác động tới hệ miễn dịch
Trẻ có hệ miễn dịch còn non yếu, có thể dễ dàng bị tác động xấu nếu có quá nhiều đường. Sau khi tiêu hóa 100g đường (tương đương lượng đường trong c ai đồ uống có ga 1l), tế bào bạch cầu bị giảm hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn tới 40%.
Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia, hệ miễn dịch của trẻ có thể bị suy giảm trong khoảng thời gian lên tới 5 tiếng đồng hồ sau khi ăn đường.
4. Tác động tới xương
Ngay cả khi đường gây ra tình trạng tăng cân ở trẻ nhỏ, chúng lại có thể đồng thời khiến trẻ bị suy dinh dưỡng. Đường chứa calo rỗng. Điều này đồng nghĩa với việc chúng không chứa những vitamin và dưỡng chất thiết yếu mà trẻ cần.
Vì thế, ăn quá nhiều đường hoàn toàn có thể dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng. Những vitamin như canxi, vitamin D đóng vai trò quan trong trong việc phát triển xương. Nếu thiếu hút, xương sẽ bị xốp và hệ quả là trẻ mắc bệnh xốp xương.
5. Tác động tới tuyến tụy
Chế độ ăn nhiều đường có thể tăng nguy cơ trẻ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, thông qua tình trạng thừa cân. Nếu điều đó xảy ra, chu kỳ cứ thế tiếp diễn: quá nhiều đường được hấp thụ vào cơ thể dẫn tới béo phì; thừa cân dẫn tới áp lực lên tụy – cơ quan chịu trách nhiệm sản sinh insulin.
Cuối cùng, tụy không sản sinh đủ insulin để duy trì lượng đường trong máu ở mức thông thường. Thiếu hụt insulin và đường huyết thiếu ổn định chính là bệnh tiểu đường tuýp 2.
Theo Public Health England, khoảng 1/3 số trẻ độ tuổi 10-11 ở Anh bị béo phì. Hơn 1/5 số trẻ 4-5 tuổi bị thừa cân hoặc béo phì. Khoảng 26.000 trẻ 9 tuổi phải nhập viện để nhổ răng, trong khi 100 em dưới 10 tuổi được chẩn đoán mắc tiểu đường tuýp 2 mỗi năm. Những con số này thật đáng kinh sợ, nhưng với tình trạng quá nhiều đường “ẩn mình” trong những loại thực phẩm tưởng chừng có lợi cho sức khỏe như nước cam ép, không phải lúc nào cũng dễ dàng để đem đến cho trẻ một chế độ ăn uống thực sự lành mạnh.
Lượng đường khuyến nghị cho trẻ em mỗi ngày là 19g. Nhưng trên thực tế, con số này là 60,8g/ngày và 22.192g/năm. Chế độ dinh dưỡng lành mạnh, là chế độ dinh dưỡng hướng đến nói với KHÔNG ĐƯỜNG TINH LUYỆN cha mẹ nhé!
Nguồn: Afamily
Tình hình trở lại trường học trên cả nước sau Tết
Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều địa phương đã quyết định điều chỉnh lịch trở lại trường của học sinh. Theo đó, nhiều trường cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2. Cập nhật lịch nghỉ học, trở lại trường của học sinh cả nước tính đến ngày 22.2 như sau:
63. Hà Nam: UBND tỉnh Hà Nam có Công văn số 384/UBND-KGVX về việc cho trẻ em, học sinh, sinh viên các cấp học trên địa bàn tỉnh tiếp tục tạm dừng đến trường từ ngày 17.2 đến hết ngày 28.2.2021 để phòng, chống dịch.
Ngoài ra, trong thời gian học sinh không đến trường, Sở GDĐT tỉnh Hà Nam yêu cầu các nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến (học online) dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo để đảm bảo kế hoạch dạy và học của ngành. Đến hết thời gian trên, sở sẽ căn cứ tình hình diễn biến của dịch bệnh để có kế hoạch tiếp theo.
62. Bình Phước: Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bình Phước Lý Thanh Tâm cho hay đã thông báo cho HS, SV, học viên thuộc các trường Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT và các cơ sở GD khác trên địa bàn toàn tỉnh được nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19 đến hết ngày 28.2.2021.
61. Tây Ninh: UBND tỉnh cũng ban hành văn bản đồng ý với đề xuất của Sở GDĐT tỉnh này, cho học sinh, sinh viên, học viên trên địa bàn tỉnh tiếp tục nghỉ học hết ngày 28.2.
60. Bắc Giang: Học sinh, sinh viên ở Bắc Giang đi học trở lại vào ngày 22.2, trong điều kiện dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát.
Riêng Trường phổ thông Dân tộc nội trú Lục Nam, địa bàn trước đó có ca bệnh COVID-19, sẽ chuẩn bị các điều kiện để học sinh đi học trở lại từ ngày 1.3.
59. Kon Tum: Học sinh tỉnh Kon Tum đi học trở lại từ ngày 22.2.
58. Cao Bằng: Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đã đồng ý chủ trương cho phép học sinh, sinh viên, học viên trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đi học trở lại từ ngày 22.2.2021.
57. Bình Dương: Bình Dương cho học sinh mầm non, tiểu học tiếp tục nghỉ học đến hết tháng 2 để phòng chống dịch COVID-19.
Học sinh khối THCS và THPT sẽ nghỉ học đến hết ngày 21.2, ngày 22.2 sẽ đi học trở lại. Trong thời gian nghỉ học, các trường tổ chức dạy học trực tuyến để đảm bảo chương trình học cho học sinh.
56. Kiên Giang: Tất cả học sinh, học viên học trở lại từ ngày 17.2.2021 đúng theo tinh thần Công văn số 248/SGDĐT-VP ngày 2.2.2021 của Sở Giáo dục - Đào tạo Kiên Giang.
Lý do để tỉnh quyết định không lùi thời gian nghỉ như nhiều địa phương khác là do Kiên Giang đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn.
55. Hải Dương: Giám đốc Sở GDĐT Hải Dương - ông Lương Văn Việt - đã ký thông báo gửi các trường về việc cho phép học sinh tiếp tục tạm dừng đến trường sau Tết Nguyên đán đến hết ngày 28.2.
54. Hà Nội: UBND TP.Hà Nội đồng ý cho học sinh tạm dừng đến trường từ ngày 17.2 đến hết ngày 28.2 để phòng chống dịch COVID-19.
Trong thời gian học sinh ở nhà, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu, các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến cho học sinh; chủ động phối hợp với phụ huynh trong công tác quản lý và theo dõi sức khỏe bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng chống dịch.
53. Hà Tĩnh: Học sinh sẽ trở lại trường vào ngày mùng 6 tháng Giêng tức ngày 17.2.
52. Nam Định: Học sinh, học viên các trường Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn trở lại trường vào ngày 17.2.
51. Phú Yên: Sở GDĐT Phú Yên đã có văn bản thông báo và yêu cầu phòng GDĐT các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị trực thuộc, cơ sở giáo dục thường xuyên trên địa bàn cho trẻ em, học sinh các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, học viên các cơ sở giáo dục thường xuyên tiếp tục dừng đến trường từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu đến hết ngày 28.2 để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19.
50. Nghệ An: Học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh Nghệ An trở lại đi học bình thường từ 17.2.
49. TPHCM: UBND TPHCM đã có văn bản cho phép học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục dừng đến trường, ở nhà học online đến hết ngày 28.2.
48. Ninh Bình: Ngày 20.2, Sở GDĐT tỉnh Ninh Bình đã có văn bản về việc tiếp tục cho trẻ mầm non nghỉ học đến hết ngày 28.2, riêng học sinh phổ thông và học viên GDTX đi học trở lại từ ngày 22.2.
47. Đồng Tháp: Học sinh, sinh viên trở lại trường vào ngày 22.2, đảm bảo triển khai đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
46. Phú Thọ: Học sinh các cấp của tỉnh Phú Thọ đi học trở lại từ ngày 22.2.
45. Bắc Ninh: UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học đến hết ngày 28.2.
44. Thái Nguyên: Ngày 16.2, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên Đặng Xuân Trường ký quyết định tiếp tục cho học sinh các cấp tạm dừng đến trường từ ngày 17.2 đến hết ngày 28.2.
43. Lạng Sơn: Học sinh, sinh viên các trường học trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đi học trở lại vào ngày 17.2.2021.
42. Đà Nẵng: Trẻ mầm non, học sinh, học viên các trường mầm non, tiểu học, THCS và các trường, trung tâm trực thuộc sở được nghỉ từ ngày 8.2.2021 đến hết ngày 16.2.2021. Học sinh trở lại trường từ 17.2.
41. Yên Bái: Học sinh nghỉ từ 8.2 đến hết 18.2.2021 (tức 27 tháng Chạp năm Canh Tý đến hết ngày mùng 7 tháng Giêng năm Tân Sửu).
40. Tiền Giang: Các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông vả các trung tâm trên địa bàn tỉnh tổ chức cho trẻ em, học sinh và học viên đi học trở lại từ ngày 17.2.2021 theo kế hoạch.
39. Điện Biên: UBND tỉnh Điện Biên ban hành Công văn 408/UBND-KGVX thông báo thời gian đi học trở lại cho học sinh các cấp.
Theo đó, với học sinh từ bậc mầm non đến THPT, các trung tâm thuộc Sở GDĐT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên cấp huyện, các trung tâm ngoại ngữ ngoài công lập và sinh viên các trường: Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, Cao đẳng Y tế Điện Biên đi học trở lại từ ngày 22.2. Học viên, sinh viên các trường: Chính trị, Cao đẳng nghề, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên sẽ học trở lại từ ngày 1.3.
38. Vĩnh Long: Sở GDĐT yêu cầu Trưởng phòng GDĐT các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở, Trung tâm GDNN&GDTX, Trung tâm ngoại ngữ và tin học trên địa bàn tỉnh thông báo cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên đi học trở lại từ ngày 22.2 (thứ hai).
37. Lai Châu: UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Công văn số 361/UBND-VX về việc cho học sinh đi học trở lại sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý cho học sinh các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên; sinh viên, học viên các cở sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đi học trở lại từ ngày 22.2.2021.
36. Hòa Bình: Tiếp tục cho toàn bộ trẻ em, học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học từ ngày 22.2.2021 (thứ hai) đến hết ngày 28.2.2021. Từ ngày 1.3.2021, trẻ em, học sinh, sinh viên, học viên đi học trở lại bình thường nếu không có thông báo mới của Sở GDĐT.
35. Lào Cai: Học sinh phổ thông trở lại trường từ ngày 22.2 nhưng các trường mầm non vẫn tiếp tục đóng cửa đến 28.2.
34. An Giang: Ngày 15.2, UBND tỉnh An Giang có văn bản thống nhất về việc lùi thời gian nhập học sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đến ngày 22.2.
Đồng thời, chỉ đạo các trường nắm rõ thông tin di chuyển trong dịp tết (đặc biệt là các trường hợp du lịch ngoài tỉnh) của cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh trong thời gian nghỉ tết để chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch khi cần thiết.
33. Cần Thơ: Sở GDĐT TP Cần Thơ cho biết Sở Y tế TP đã có văn bản góp ý, đưa ra phương án cho trẻ mầm non, mẫu giáo, tiểu học đi học lại từ 22.2 và học sinh các cấp học từ trung học cơ sở trở lên đi học lại từ 1.3.
Sau khi tham khảo ý kiến từ các đơn vị trường học, Sở GDĐT TP Cần Thơ nhận thấy nếu cho trẻ mầm non, tiểu học trở lại từ 22.2 thì các trường không đủ thời gian tổ chức tiêu độc, khử trùng và chuẩn bị các điều kiện, phương tiện đảm bảo an toàn, phòng chống dịch.
Vì vậy, Sở GDĐT đề xuất cho trẻ mầm non tiếp tục nghỉ học, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên duy trì việc dạy và học theo hình thức ôn tập, học tập tại nhà, học tập trực tuyến đến hết tháng 2 và trở lại trường từ 1.3.
32. Bắc Kạn: Học sinh trở lại trường từ ngày 17.2.
31. Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục cho trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học đến hết ngày 28.2, triển khai học trực tuyến. Việc dạy và học trực tuyến trên mạng Internet được triển khai theo quy định nhằm đảm bảo kế hoạch năm học 2020 - 2021.
30. Quảng Bình: Ngày 22.2, học sinh các cấp đến trường trở lại sau thời gian nghỉ học để phòng chống dịch bệnh COVID-19 và nghỉ tết.
29. Thừa Thiên - Huế: Học sinh trở lại trường từ ngày 17.2.
28. Quảng Trị: Thông tin từ Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, toàn bộ học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh sẽ trở lại trường học kể từ ngày 17.2 sau một thời gian nghỉ phòng chống dịch COVID-19 và nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
27. Quảng Nam: Sở GDĐT tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị liên quan thông báo cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS, THPT, học viên giáo dục thường xuyên đi học trở lại từ ngày mai, 22.2.
26. Quảng Ngãi: Học sinh chính thức đi học trở lại vào ngày 22.2.
25. Đắk Lắk: Tẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở GDĐT trên địa bàn đi học trở lại từ ngày 17.2 (mùng 6 Tết).
Sở GDĐT yêu cầu, các đơn vị giáo dục tổ chức vệ sinh trường, lớp trước khi đón HSSV trở lại trường; thường xuyên vệ sinh môi trường, đảm bảo các điều kiện vệ sinh phòng bệnh cho HSSV và cán bộ, giảng viên, giáo viên, nhân viên.
24. Vĩnh Phúc: Sở GDĐT tỉnh đã có văn bản số 199/SGDĐT-VP chỉ đạo các đơn vị, nhà trường, các trung tâm tin học, ngoại ngữ cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS, THPT, khối giáo dục thường xuyên, các trung tâm ngoại ngữ, tin học trên địa bàn tỉnh tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 28.2.2021.
Ngoài tổ chức dạy học trực tuyến từ ngày 22.2.2021, các nhà trường phối hợp với phụ huynh học sinh trong công tác quản lý, theo dõi sức khỏe, đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GDĐT, UBND tỉnh.
23. Hậu Giang: Học sinh bắt đầu đi học trở lại từ ngày 22.2.
22. Lâm Đồng: Ngày 15.2, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản hỏa tốc về việc cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, sinh viên, học viên đi học trở lại vào ngày 17.2
21. Cà Mau: Theo kế hoạch, ngày 22.2, toàn thể học sinh Cà Mau sẽ trở lại trường.
20. Bạc Liêu: Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu vừa quyết định cho học sinh, sinh viên, học viên trong tỉnh đi học trở lại từ ngày 22.2.
19. Đồng Nai: Học sinh nhập học trở lại vào ngày 17.2, đồng thời yêu cầu toàn bộ giáo viên, học sinh phải đeo khẩu trang khi đến trường.
18. Khánh Hòa: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa quyết định cho học sinh các cấp học trở lại trường từ ngày 17.2.
17. Sóc Trăng: Học sinh trên địa bàn tỉnh trở lại trường từ ngày 22.2.
16. Bình Định: Tỉnh Bình Định cho phép kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên, học viên tại các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đến ngày 28.2, để phòng chống dịch bệnh COVID-19.
15. Long An: UBND tỉnh Long An cho học sinh đi học lại vào thứ hai tuần tới, ngày 22.2.
14. Bến Tre: Học sinh đi học trở lại từ ngày 22.2.
13. Hà Giang: UBND tỉnh đã thông báo khẩn đến các trường học trên địa bàn về thời gian đi học trở lại của học sinh, sinh viên sau tết Nguyên đán.
Theo đó, học sinh tại Hà Giang đi học trở lại từ ngày 22.2. Thời gian đi học của học viên, học sinh, sinh viên thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chuyên nghiệp do hiệu trưởng quyết định. Riêng học sinh H.Xín Mần, nơi có bệnh nhân 1976, sẽ đi học trở lại từ ngày 1.3.
12. Hải Phòng: Sở GDĐT Hải Phòng quyết định cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học, THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, trung tâm ngoại ngữ, tin học tiếp tục nghỉ đến hết ngày 21.2. Căn cứ tình hình dịch bệnh trong những ngày sắp tới, sở sẽ có thông báo tiếp theo.
11. Quảng Ninh: Tất cả trẻ em, học sinh, học viên, sinh viên, giáo viên từ bậc mầm non đến đại học trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19 đến ngày 21.2.2021.
10. Ninh Thuận: Học sinh ở Ninh Thuận trở lại trường từ ngày 22.2.
9. Hưng Yên: Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu tiếp tục cho học sinh dừng tới trường từ 17.2 và tổ chức dạy học qua truyền hình, dạy trực tuyến cho đến khi có thông báo mới.
8. Tuyên Quang: Học sinh tại Tuyên Quang đi học trở lại vào thứ hai, ngày 22.2.2021.
7. Sơn La: Ngày 16.2, UBND tỉnh Sơn La đã có công văn số 427/UBND-KGVX về việc tiếp tục cho học sinh, sinh viên, học viên không đến trường để phòng, chống dịch COVID-19. Thời gian đi học lại sẽ thông báo sau.
6. Bình Thuận: Sở GDĐT Bình Thuận cho biết trẻ em ở các cơ sở giáo dục mầm non, học sinh, sinh viên tại địa phương sẽ trở lại trường học vào ngày 22.2.
5. Thái Bình: Ngày 19.2, UBND tỉnh Thái Bình ban hành công văn đồng ý cho học sinh khối lớp 9 THCS và lớp 12 THPT cùng với học sinh các đội dự tuyển học sinh giỏi quốc gia khối 11 của Trường THPT chuyên Thái Bình trở lại trường học từ ngày 22.2.
4. Thanh Hóa: Theo lãnh đạo Sở GDĐT Thanh Hóa, ngày 15.2, Sở đã có thông báo cho học sinh phổ thông và trẻ mầm non trong tỉnh tiếp tục nghỉ học cho đến hết thứ bảy (ngày 20.2) và đi học trở lại từ thứ hai (ngày 22.2).
Các cơ sở giáo dục triển khai hiệu quả các biện pháp bảo đảm an toàn trường học theo hướng dẫn của Bộ GDĐT khi học sinh đi học trở lại; xử lý kịp thời trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 trong trường học.
3. Gia Lai: Dự kiến tỉnh Gia Lai sẽ cho học sinh học trực tuyến qua mạng tại nhà đến hết ngày 28.2 cho đến khi có thông báo mới.
2. Trà Vinh: Học sinh tỉnh Trà Vinh cũng trở lại trường học vào ngày 22.2.
1. Đắk Nông: Học sinh toàn tỉnh tạm dừng đến trường đến hết ngày 21.2 và trở lại trường từ ngày 22.2.
TRANG HÀ -Báo Lao Động
Mẹ bầu sẽ vô cùng ngạc nhiên nếu biết điều này
Mẹ bầu sẽ vô cùng ngạc nhiên nếu biết ở trong bụng em bé đã làm những việc này
1. Bé cảm thấy đau
Dù tranh luận vẫn còn tiếp diễn, nhiều nghiên cứu có xu hướng xác nhận giả thuyết: bé có thể cảm nhận nỗi đau từ khoảng 8 tuần tuổi trong bụng mẹ. Theo đó, cơ quan thụ cảm nỗi đau xuất hiện quanh miệng bé khoảng 4-5 tuần sau khi được thụ thai. Tiếp sau là sự phát triển của sợi thần kinh – vốn mang rất nhiều kích thích tới não. Khoảng 6 tuần sau thụ thai, bé lần đầu tiên phản ứng với sự động chạm. Cho tới trước 18 tuần sau thụ thai, cơ quan thụ cảm nỗi đau đã xuất hiện khắp trên cơ thể bé.
2. Mơ
Giấc mơ của bé được biểu hiện qua chuyển động rất nhanh của mắt. Vào tuần thứ 32 trong bụng mẹ, giấc ngủ của bé chiếm 90-95% thời gian trong ngày. Một số giờ ngủ được dành cho các giai đoạn khác nhau của giấc ngủ, bao gồm REM (giai đoạn mắt chuyển động nhanh – cũng là giai đoạn của những giấc mơ), ngủ sâu hay trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê.
Trong giai đoạn REM, mắt bé chuyển động như mắt người trưởng thành. Một số nhà khoa học thậm chí tin rằng thai nhi mơ trong lúc ngủ. Như trẻ sau sinh, thai nhi có thể mơ về những điều bé biết – những cảm giác bé cảm nhận được trong bụng mẹ.
3. Nghĩ
Sóng não của bé đã được ghi nhận sớm nhất là lúc 6 tuần tuổi. Việc đo đạc sóng não thai nhi, đặc biệt là qua môi trường tử cung, quả thực không hề dễ dàng gì. Nhưng một số nghiên cứu đã khẳng định, ngay từ khi mới 6 tuần tuổi, người ta đã phát hiện được sóng não của bé. Điều đó cho thấy cuộc sống trong bụng mẹ không hề đơn giản chút nào và dù mới là thai nhi, nhưng bé đã bắt đầu biết suy nghĩ.
4. Ngáp
Sau một đêm dài, một cái ngáp sảng khoái có thể là động tác tiếp theo bé thực hiện. Các nhà khoa học tại Đại học Durham và Lancaster cho biết, lý do vì sao thai nhi ngáp chưa được làm rõ, nhưng động tác này có thể liên quan tới sự trưởng thành của hệ thần kinh trung ương. Theo đó, để một số bộ phận của não trưởng thành đúng cách, bé cần một kích thích nhất định và ngáp có thể là kích thích đó.
5. Nhạy cảm với ánh sáng
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra, một thai nhi hoàn toàn có khả năng nhạy cảm trước ánh sáng. Bằng cách chiếu một ngọn đèn vào bụng người mẹ, mắt thai nhi đã hấp háy khi ánh sáng lướt trên mặt bé. Một số bác sĩ cho rằng, bé có thể nhận ra một dải sáng rất nhạt nếu nguồn sáng mạnh chiếu trực tiếp vào bụng mẹ. Siêu âm cũng tiết lộ rằng, thai nhi dần dần tập nhắm và mở mắt thường xuyên hơn khi gần tới ngày dự sinh. Đó có thể là cách bé luyện tập để làm quen với ánh sáng của thế giới bên ngoài khi chào đời.
6. Giật mình
Bé có thể giật mình sợ hãi trước bất cứ âm thanh bất ngờ nào như tiếng mẹ hắt xì. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những âm thanh phát ra từ điện thoại di động hay chuông cửa cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ của thai nhi. Phản ứng của bé bao gồm quay đầu, há miệng hay nháy mắt. Tuy nhiên, phần lớn thai nhi sẽ dần trở nên quen thuộc hơn với những âm thanh được lặp đi lặp lại.
7. Cười đùa bằng cách nảy người lên
Bé thích thú nảy người lên để đáp lại những tiếng cười vui vẻ của mẹ. Mẹ càng cười lớn thì trò lộn nhào của bé càng diễn ra hăng say. Điều này cho thấy, thai nhi không chỉ phản ứng lại với các kích thích vật lý mà còn cả trạng thái tâm lý, cảm xúc của mẹ. Đó cũng là lý do các bà bầu luôn được khuyên cố gắng giữ trạng thái vui vẻ, an nhiên suốt thai kỳ.
8. Ngửi
Bé sẽ nhảy lên nếu ngửi thấy những mùi khó chịu như mùi thuốc lá hoặc tận hưởng những mùi dễ chịu như mùi đồ ăn mẹ nấu. Thực tế cho thấy, người mẹ mang thai ăn cho cả hai người và chất lượng bữa ăn của mẹ quan trọng không kém số lượng. Cơ quan thụ cảm vị giác phát triển ở thai nhi vào khoảng tuần thứ 7 hoặc thứ 8.
Trước 14 tuần, có một số bằng chứng khẳng định, bé có thể nếm vị đắng, ngọt hoặc chua trong nước ối. Cùng với các cơ quan khác, bé dùng vị giác để khám phá thế giới xung quanh mình. Siêu âm thậm chí cho thấy thai nhi có thể liếm nhau thai và thành tử cung.
9. Hít thở
Dù bé nhận oxy qua dây rốn, các cơ phổi đã phát triển khi bé bắt chước hoạt động thở của mẹ. Quả đúng như vậy, nếu xét về nghĩa hít vào thở ra thì thai nhi không thực sự biết thở. Trong bụng mẹ, phổi bé đầy dịch nên dù bé có muốn thở thì cũng không thể. Đó cũng là lý do tại sao bạn không nên lo lắng nếu phát hiện bé bị tràng hoa quấn cổ vào một thời điểm nào đó trong thai kỳ. Bé không lấy không khí theo đường này và dây rốn thường sẽ tự mình tháo rời ra. Nhưng điều đó không có nghĩa là bé không luyện tập cách thở.
Càng về cuối thai kỳ, bạn có thể cảm thấy con mình nấc cụt – đó là sự chuẩn bị cho bé để hít thở không khí lúc chào đời. Hơi thở thực sự đầu tiên của bé thường là được biết tới chính là tiếng khóc đầu tiên sau sinh.
10. Thức khuya
Hiệp hội các bà mẹ mang thai Mỹ cho biết, nhiều bé hoạt động rất nhiều về đêm. Nhưng ban ngày cũng có thể như vậy. Chỉ là do bạn không ý thức được hoạt động của bé rõ như ban đêm do bạn cũng bận rộn với công việc của mình.
Có nhiều nguyên nhân khiến bé thức khuya tới vậy trong bụng mẹ. Có thể trong ngày, bạn di chuyển và vận động nhiều nên làm ảnh hưởng tới khả năng đi vào giấc ngủ của bé. Khi bạn ngừng di chuyển, vận động, bé có thể thấy bất ngờ và băn khoăn không biết việc gì đang diễn ra. Ngoài ra, những tác động bên ngoài như tiếng nói phát ra từ tivi hay một món ăn nhẹ mùi rất thơm của bạn cũng có thể khiến bé thao thức.
(Nguồn: Pregnancy)
Giải toả nỗi lo khi trẻ biếng ăn
Nhiều trẻ em được ngày nay phát triển tốt trong điều kiện được đáp ứng đầy đủ về dinh dưỡng. Nhưng cũng có nhiều trẻ biếng ăn trong các giai đoạn phát triển khác nhau. Thực tế này đã khiến nhiều bố mẹ hết sức lo lắng cho sức khỏe con em mình.
Liệu dùng thuốc, thực phẩm chức năng kích thích trẻ ăn có thực sự tốt?
Biếng ăn hay chán ăn là tình trạng phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi. Trẻ ít có cảm giác thèm ăn, ăn ít, ăn lâu, kéo dài bữa ăn lê thê hoặc nhất quyết bỏ bữa, dù bị bố mẹ thúc ép. Tình trạng kéo dài có thể gây suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh bình thường của cũng như sự phát triển trí não và thể chất của trẻ sau này.
Biếng ăn: Bệnh lý hay tâm lý?
Biếng ăn ở trẻ có nhiều nguyên nhân, có thể là do bệnh lý hoặc không phải bệnh lý. Trẻ biếng ăn có thể do chế độ ăn uống và dinh dưỡng không cân đối. Ví dụ như quá nhiều đạm và chất béo, nhưng lại thiếu vitamin và khoáng chất khiến cho quá trình hấp thu, chuyển hóa dinh dưỡng của trẻ không tốt, trẻ ăn kém ngon miệng. Ăn nhiều bữa gần nhau trong ngày, có nhiều bữa phụ hoặc bữa ăn vặt với thức ăn nhiều năng lượng như bim bim, khoai chiên, bánh ngọt, trà sữa… làm trẻ “lưng lửng” và chán ăn bữa chính.
Trong một số giai đoạn sinh lý như phát triển nhận thức, tiếp thu những cái mới xung quanh, học tập kỹ năng mới, trẻ cũng có thể quá chú tâm mà quên đi cảm giác đói, dẫn đến sao nhãng việc ăn uống. Hoặc có thể do nguyên nhân tâm lý, trẻ bị bố mẹ quát mắng, dọa nạt, ép buộc nên sợ bữa ăn. Đối với nguyên nhân bệnh lý, khi trẻ không khỏe do bất kỳ bệnh lý nào, cũng dẫn đến tình trạng biếng ăn. Biếng ăn có thể do các bệnh lý về tiêu hóa (rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày - thực quản, đau bụng…), viêm nhiễm vùng tai-mũi-họng, đau răng miệng, nhiễm giun sán, chán ăn, tâm thần (hiếm gặp ở trẻ nhỏ) hoặc do tác dụng phụ của một số thuốc.
Thận trọng khi sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng
Tâm lý chung của đa số bố mẹ, khi thấy con cháu mình biếng ăn, còi cọc, thấp bé nhẹ cân hơn những đứa trẻ cùng trang lứa thì cảm thấy bất an, sợ con cháu sau này lớn lên thua thiệt bạn bè. Bố mẹ hay tìm mua những loại thuốc, thực phẩm chức năng được quảng cáo có tác dụng kích thích sự thèm ăn, giúp trẻ tăng cân, phát triển chiều cao, trí thông minh… cho trẻ sử dụng.
Bố mẹ nên lưu ý
Không có bệnh thì tuyệt đối không nên dùng thuốc. Bố mẹ cần kiên nhẫn, dần dần thay đổi đa dạng thực phẩm, chế độ dinh dưỡng, cách tiếp cận trẻ trong việc ăn uống để mang lại hiệu quả lâu dài, thay vì vội vã mua thuốc cho trẻ theo quảng cáo, truyền miệng. Cơ thể trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa phát triển hoàn chỉnh như người trưởng thành nên rất nhạy cảm trong việc hấp thu, chuyển hóa các dược chất đưa vào.
Việc sử dụng bất cứ loại thuốc nào dù là thuốc bổ hay thực phẩm chức năng cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng cả về thành phần và liều lượng. Nên tham khảo qua ý kiến bác sỹ, dược sỹ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo an toàn cho trẻ, tránh các tai biến khó lường. Không có loại thuốc nào hiệu quả bằng việc tập luyện cho trẻ thói quen ăn uống đầy đủ, đa dạng các loại thực phẩm để mang lại cân bằng dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ.
Các loại thuốc mà phụ huynh hay tự ý mua sử dụng cho trẻ biếng ăn:
Thuốc bổ tổng hợp: Thường chứa các acid amin (phổ biến là lysine), vitamin (B1, B6, B12, C…) và khoáng chất (sắt, kẽm, selen…). Một số chế phẩm còn phối hợp thêm nhiều loại dược liệu nhưng hiệu quả chưa được chứng minh rõ ràng. Đối với trẻ suy dinh dưỡng, ăn uống và phát triển kém thì đây là các chế phẩm bổ sung rất tốt và cần thiết, làm tăng sự chuyển hóa và kích thích sự thèm ăn ở trẻ. Tuy nhiên, cần được sự tư vấn của bác sỹ về độ tuổi sử dụng, liều lượng và thời gian sử dụng thích hợp cho từng trẻ, không được tự ý tăng liều khi thấy chưa có hiệu quả vì cơ thể trẻ cần thời gian để hấp thu từ từ các vi chất dinh dưỡng, bất cứ sự dư thừa chất nào cũng có thể tích lũy và gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ.
Cần chú ý, không cho trẻ dùng các chế phẩm dành cho người lớn. Một số loại thuốc bổ tổng hợp được trình bày dưới dạng kẹo dẻo để kích thích sự thích thú của trẻ, phải để xa tầm tay trẻ do có thể xảy ra tình trạng quá liều do trẻ ăn liên tục cùng lúc. Hiện nay, một số loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc “núp bóng” dưới dạng thuốc bổ dược liệu cố tình trộn các hoạt chất corticoid để mamg lại tác dụng tăng cân nhanh chóng, mặt trẻ tròn ra, đánh vào tâm lý nóng vội muốn con tăng cân nhanh của các bậc phụ huynh. Thực chất, corticoid tạo tác dụng tăng cân giả tạo do giữ muối kéo theo giữ nước, gây ra vô số tác dụng phụ nguy hiểm khôn lường ảnh hưởng đến gan, thận, cơ xương, tuyến thượng thận, gây hội chứng Cushing, nên đặc biệt cẩn trọng.
Men tiêu hóa và men vi sinh: Thường bị nhầm lẫn dù đây là hai loại chế phẩm có công dụng hoàn toàn khác nhau. Men tiêu hóa là chế phẩm chứa các loại men (enzyme) giống với các men tự nhiên trong cơ thể có tác dụng phân cắt và tiêu hóa thức ăn. Được bác sỹ chỉ định khi trẻ trướng bụng khó tiêu, giảm tiết dịch tiêu hóa, rối loạn tiêu hóa, trẻ mới ốm dậy… Men tiêu hóa nếu lạm dụng, sử dụng kéo dài sẽ ức chế sự tiết các men tiêu hóa nội sinh, gây ra sự lệ thuộc không tốt cho trẻ, vì vậy không nên dùng quá 2 tuần.
Men vi sinh là chế phẩm cung cấp các loại vi khuẩn có lợi (lợi khuẩn) cho hệ tiêu hóa để tạo nên sự cân bằng với các loại vi khuẩn có hại khác, chỉ định trong trường hợp trẻ bị rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột với biểu hiện tiêu chảy phân sống, tiêu chảy cấp do vi khuẩn hoặc virus, khi dùng kháng sinh dài ngày… Men vi sinh được sử dụng phổ biến cho trẻ, tuy nhiên việc sử dụng dài ngày chưa được chứng minh về hiệu quả và tính an toàn, vì vậy phụ huynh cũng không nên lạm dụng. Không sử dụng men vi sinh cho trẻ suy giảm miễn dịch, phẫu thuật hoặc có các tổn thương ruột. Một số loại men chống chỉ định với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên bố mẹ không nên tùy tiện sử dụng.
Thuốc chứa cyproheptadine: Đây được xem là “thần dược” trị biếng ăn cho trẻ trong nhiều năm về trước. Tuy nhiên, bố mẹ tuyệt đối không nên sử dụng chế phẩm có chứa hoạt chất này để trị biếng ăn dài ngày cho trẻ. Đây là thuốc chống dị ứng thuộc nhóm thuốc kháng histamine thế hệ một, hoàn toàn không có chỉ định cho trẻ biếng ăn, đã rất ít được sử dụng do nhiều tác dụng không mong muốn và mang lại cảm giác thèm ăn là một trong số đó. Thuốc có ở dạng chế phẩm siro nên khó kiểm soát liều lượng, nếu quá liều có thể ức chế hô hấp và thần kinh trung ương, gây co giật, ngưng tim và tử vong. Thuốc chống chỉ định cho trẻ em dưới 2 tuổi, theo khuyến nghị của Cục quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA).
Giải pháp cho trẻ biếng ăn
Xây dựng thực đơn và chế độ dinh dưỡng phù hợp: Bữa ăn phải đầy đủ các nhóm chất tinh bột, chất đạm, chất béo, chất xơ và vitamin với tỉ lệ thích hợp. Nên thay đổi thực đơn với nhiều loại thực phẩm để kích thích vị giác của trẻ, cũng như đảm bảo đầy đủ các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Các bữa ăn phụ nên là các thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa như sữa chua, hoa quả và có khoảng cách thời gian phù hợp với bữa ăn chính.
Kích thích tâm lý của trẻ: Có thể cho trẻ cùng tham gia chuẩn bị bữa ăn như đi chợ chọn lựa và sơ chế thực phẩm. Trẻ sẽ rất hứng khởi với món ăn của chính mình. Cho trẻ dùng nhiều phần thức ăn nhỏ thay vì một bát cơm đầy ắp. Không quát mắng khi trẻ biếng ăn vì trẻ sẽ phản ứng tiêu cực với bữa ăn, nên có sự điều chỉnh để trẻ thích thú bữa ăn trở lại.
Tạo thói quen ăn uống: Bữa chính nên được dùng vào khung giờ cố định trong ngày. Nên cho trẻ tự dùng bữa nếu trẻ đã tự ăn được, không nên bón cho trẻ. Không nên cho trẻ vừa ăn vừa sử dụng điện thoại, máy tính bảng vì sẽ kéo dài bữa ăn, trẻ không tập trung; thay vào đó nên cho trẻ dùng bữa cùng gia đình để có sự tương tác giữa các thành viên, từ đó để trẻ yêu thích giờ ăn hơn.
Tăng cường hoạt động thể chất cho trẻ: Bố mẹ nên cho trẻ có thời gian tập thể dục, thể thao, tăng cường thể lực để kích thích sự thèm ăn thay vì thụ động trong phòng.
DS. VĨNH PHÚ
Nguồn:https://suckhoedoisong.vn
Giai đoạn phát triển của bé gái
Nhà giáo dục Ukraina – Suhomlinski từng nói: “Mỗi đứa trẻ là một cá thể đặc biệt và duy nhất!”. Vì vậy, để giúp con trẻ, đặc biệt là những bé gái trở thành một người độc lập, tự tin và nổi bật, ba mẹ cần quan tâm, thấu hiểu và hỗ trợ khi con cần.
Tâm lý bé gái vốn thường nhạy cảm, dễ tổn thương nên việc quan tâm con cũng phải khéo léo và tinh tế. Để quá trình này diễn ra hiệu quả, ba mẹ cần ghi nhớ 05 giai đoạn phát triển tâm - sinh lý của con như sau:
1. Giai đoạn 0 – 2 tuổi: Bé cần cảm giác an toàn
Trước khi chạm mốc 2 tuổi, bé còn phụ thuộc rất nhiều vào sự chăm sóc và yêu thương của ba mẹ. Lúc này trong mắt trẻ nhỏ, ba mẹ là cả thế giới, và thế giới chỉ xoay quanh gia đình nhỏ của bé. Đặc biệt là mẹ – người gắn bó với bé từng miếng ăn, giấc ngủ. Trong giai đoạn này, điều ba mẹ cần làm là giúp bé gái nhà mình cảm nhận được sự an toàn yêu thương.
9 tháng 10 ngày trong bụng, có một sự gắn kết vô cùng chặt chẽ và kỳ diệu giữa mẹ và bào thai. Vì thế ngay từ lúc chào đời, bé dễ dàng nhận ra và yêu thích giọng nói của mẹ. Chính giọng nói đó là thứ mang lại cho con cảm giác thoải mái, yên tâm. Vì vậy, kể cả lúc còn trong bụng mẹ và những năm đầu đời, mẹ hãy thường xuyên trò chuyện cùng con để con cảm nhận được sự yêu thương.
Nói tóm lại, ở giai đoạn đầu đời này, để mang lại cho bé cảm giác an toàn, ba mẹ hãy đáp ứng đủ cho bé những nhu cầu thiết yếu về thể chất như ăn uống, vận động; và nhu cầu về tình cảm như việc trao bé những cái ôm, những lần cùng nhau vui chơi, trò chuyện,…
2. Giai đoạn 2 – 5 tuổi: Bé cần khám phá chính mình và thế giới
Định kiến “con gái nhu mì, con trai hiếu động” đã là của xa xưa rồi, đừng để tư tưởng đó ảnh hưởng và làm hạn chế khả năng bộc lộ tư chất, tiềm năng thiên bẩm của con. Nói tóm lại, ở giai đoạn này, ba mẹ đừng gò bó con!
Hãy tạo điều kiện để con gái thoải mái, tự do làm những gì con thích. Từ vẽ tranh, may đồ cho búp bê, nhảy dây; thậm chí xây nhà, đá bóng hay lắp ráp siêu nhân… Đặc biệt, hãy tạo điều kiện cho con hòa mình vào thiên nhiên, dầm mưa dãi nắng, hái hoa bắt bướm,… Và đặc biệt đó chính là luôn sẵn sàng trả lời “10 vạn câu hỏi vì sao” của con.
Thông qua những việc đó, nhận thức của bé về thế giới xung quanh sẽ được mở rộng; khả năng tư duy và quan sát cũng được trau dồi; và các giác quan ngày càng hoàn thiện hơn.
3. Giai đoạn 5 – 10 tuổi: Bé học cách kết bạn
Có câu nói thế này: “Một trong những hạnh phúc lớn nhất ở đời này là tình bạn”. Với mỗi người nói chung và bản thân các bé gái nói riêng, mối quan hệ bạn bè sẽ giúp trẻ rèn luyện và phát huy được nhiều kỹ năng xã hội, nhất là giao tiếp và ứng xử. Việc thiếu bạn bè sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với tâm lý và sự phát triển của bé.
Vậy nên ở giai đoạn thứ 3 này, ba mẹ hãy tạo điêu kiện để con tiếp xúc với các bạn đồng trang lứa; nếu có điều kiện thì tham gia cả các chương trình huấn luyện. Để qua đó, con phát triển được mỗi quan hệ xã hội; học được cách chia sẻ, cách cư xử nhã nhặn lịch sự; hiểu sâu hơn về lòng biết ơn cũng như cách nói cảm ơn, xin lỗi.
4. Giai đoạn 10 – 14 tuổi: Bé khám phá sở thích, tìm thấy giá trị bản thân và học cách bảo vệ chính mình
Ở giai đoạn từ 10 đến 14 tuổi, bé bắt đầu bước vô quá trình dậy thì. Chính vì vậy, ngoài những thay đổi lớn về tâm sinh lý, bé gái cũng chú trọng hơn đến hình ảnh cơ thể. Các con thường sẽ ngại ngùng và bỡ ngỡ trước sự biến đổi về ngoại hình cũng như các biểu hiện sinh lý tuổi mới lớn.
Thời điểm này, bên cạnh việc làm “mẹ”, mẹ cũng hãy hóa thân vào vai “một người bạn” để bên cạnh chia sẻ kiến thức cùng con. Hướng dẫn con cách bảo vệ bản thân, cách giữ gìn gìn cảm trong sáng, cách đối mặt với những rung động đầu đời, các vấn đề liên quan đến giới tính,… đó đều là những điều giúp kéo gần khoảng cách mẹ con và giúp bé tự tin đối mặt hơn với những sự đổi mới.
Bên cạnh đó, ba mẹ cần giúp con nhận ra những ưu điểm, sở thích của bản thân. Đặc biệt ở thời điểm khi những tiêu chuẩn về cái đẹp phù phiếm tràn lan trên mạng xã hội khiến các bé hoang mang, thì điều ba mẹ cần làm đó chính là gìn giữ sự tự tin của con bằng cách đề cao những vẻ đẹp bên trong cho con hiểu.
5. Giai đoạn 14 – 18 tuổi: Bé đón nhận sự tự do và trách nhiệm như một người trưởng thành
Thời điểm này, ba mẹ sẽ tập làm quen với việc con gái bé bỏng của mình tập trung sự chú ý vào một chàng trai khác, thậm chí còn có những buổi hẹn hò đầu tiên. Thay vì can thiệp vào cuộc sống của con và phản ứng gay gắt, ba mẹ hãy cho con không gian riêng.
Đừng bí mật đọc tin nhắn, nhật ký; đừng xét nét các mỗi quan hệ cá nhân của con! Hãy trao cho con quyền tự quyết định các vấn đề liên quan đến bản thân con. Chắc chắn khi đó vấp ngã hay sai lầm là điều không thể tránh khỏi nhưng bù lại những cái đó sẽ giúp con trưởng thành và học cách tự chịu trách nhiệm như một người lớn.
Nguồn bài viết: Sưu tầm
Nghệ thuật động viên con cái của người Nhật
Sau đây là một số nghệ thuật động viên khích lệ con cái trong cách nuôi dạy con kiểu Nhật giúp bé phát triển tốt hơn:
Thời kì lặp đi lặp lại ta dạy trẻ những gì thì hãy quan sát để xem trẻ có hứng thú với cái gì, hình khối, hội họa, âm nhạc, sách truyện, …để từ đó chuyển qua giai đoạn tạo hứng thú cho trẻ.
Khi trẻ đang tập trung hay có hứng thú làm gì thì nên hạn chế ngắt giữa chừng mà cứ để trẻ làm
Để tạo hứng thú cho trẻ thì nên khen trẻ hơn là chê, vì nếu ba mẹ chê việc gì trẻ làm thì tự nhiên trẻ sẽ không có tự tin để làm cái đó nữa.
Khi khen trẻ thì nên khen là tốt, con đã cố gắng, con giỏi và thể hiện sự hài lòng, vui mừng của mình hơn là việc đánh giá việc trẻ làm là đẹp hay xấu. Nghĩa là chú ý đến quá trình trẻ cố gắng hơn là kết quả mà trẻ đã làm được tốt hay xấu.
Tránh dùng những từ ra lệnh với trẻ ví dụ mẹ cấm con…, hãy ăn cơm đi, hãy tắm đi, hãy thu dọn đồ chơi vào… mà thay bằng những từ như sao con không… nếu con làm… thì mẹ sẽ rất vui…
Nếu trẻ không ăn thì hãy nghĩ cách cải thiện món ăn để phù hợp với trẻ thay vì ép trẻ ăn đến phát khóc. Đây là một trong những sai lầm phổ biến khi nuôi con của mẹ Việt.
Cha mẹ cùng học với con cái là cách tốt nhất giúp con học hiệu quả. Ví dụ khi cho trẻ xem ti vi thì nên ngồi bên cạnh coi cùng trẻ rồi giải thích cho trẻ thay vì để trẻ ngồi coi ti vi một mình, cùng đọc truyện, cùng chơi…
Khi để trẻ trong trạng thái đói sẽ là điều kiện kích thích khả năng thích ứng của trẻ.
Không phải lúc nào cũng đáp ứng mọi đòi hỏi của trẻ, mà hãy đẻ trẻ trải qua cảm giác không có được điều mình muốn. Và đừng bao giờ đánh mất quyền và uy nghiêm của một người mẹ đó là con cái phải biết vâng lời và sợ lời mẹ nói. Nếu ta quá nuông chiều và cung phụng trẻ thì uy quyền của người mẹ sẽ không còn, con cái sẽ không còn sợ lời mẹ nói nữa.
Khi trẻ hỏi vì sao thì không nên giả vờ bỏ qua mà hãy trả lời. Nếu ta không biết câu trả lời thì hãy thành thực với trẻ và trả lời là để cha mẹ sẽ tìm hiểu sau. Không nhất thiết phải giải đáp cặn kẽ, hãy để câu trả lời sẽ là một kích thích để trẻ muốn tìm hiểu sâu hơn.
Học và chơi kết hợp song song chứ không nhất thiết phải phân biệt rõ ràng 2 công việc này.
Đối với những khái niệm trừu tượng thì hãy lấy hình ảnh hay tự mình làm ví dụ để minh họa.
Hãy chọn những đồ chơi kích thích khả năng sáng tạo của trẻ thì trẻ sẽ không bị mau chán. Ví dụ như chơi ghép hình, lấy cây gỗ để xếp nhà, nặn đất sét, vẽ tranh….
Đối với hứng thú của trẻ thì không nên đánh giá cái nào là tốt hơn. Cái nào trẻ tỏ ra có hứng thú ta cũng đều nên ủng hộ hết. Nó sẽ giúp trẻ tự tin, đồng thời đó là cách giúp cha mẹ tìm ra được năng khiếu đặc biệt ở trẻ để có thể giúp trẻ phát huy tối đa khả năng đó.
Khi dạy nói cho trẻ thì không nên phân biệt ngôn ngữ trẻ con với ngôn ngữ người lớn, hãy dạy tiếng chuẩn, ngôn ngữ người lớn luôn cho trẻ để sau này không mất công đoạn trẻ chuyển từ ngôn ngữ trẻ con sang ngôn ngữ chuẩn. Ví dụ dạy là “con chó” tốt hơn là dạy từ “con cún”.
Đừng bao giờ so sánh trẻ với đứa trẻ khác vì như thế sẽ làm chúng mất tự tin, nhút nhát và không muốn cố gắng. Khi có hai anh em (chị em) thì cũng không nên so sánh hai anh em với nhau sẽ làm chúng trở nên không yêu thương nhau.
Trong học tập thì hãy ưu tiên dành thời gian dạy đứa lớn thì sẽ hiệu quả hơn. Khi đang chỉ bài cho đứa lớn mà đứa em cũng sà vào muốn làm theo thì hãy khuyến khích đứa em, hãy để đứa em học cùng anh. Hãy chuẩn bị hai bộ dụng cụ giấy bút để đứa em cũng có thể tham gia học hành hay chơi cùng. Đó là phương pháp rất hiệu quả để kích thích tinh thần ham học của đứa em. Hãy để hai anh em cùng chơi với nhau.
Khi hai anh em tranh giành đồ chơi thì hãy công bằng với cả hai. Nếu đứa em muốn có đồ chơi là đồ chơi của anh thì hãy nói đứa em xin phép anh để chơi, không nên can thiệp bảo anh hãy nhường cho em.
Đừng mua quá nhiều đồ chơi cho trẻ vì nó sẽ làm trẻ chóng chán và giảm hứng thú học hành.