
Các hoạt động cùng con chuẩn bị Tết






Những điều trẻ học được từ Tết
Tết đem đến cho mọi người nhiều cảm xúc và suy nghĩ đặc biệt, khác với thường ngày. Riêng với con trẻ, đây là dịp các bé có điều kiện để trưởng thành hơn và học được nhiều điều hay. Vậy con trẻ sẽ học được gì từ Tết, ba mẹ hãy cùng Esearch liệt kê để hiểu sâu hơn về bé nhé!
Lòng biết ơn, tri ân
Với phong tục “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”, tết là dịp quý giá giúp cho bé biết được họ hàng nội ngoại, có điều kiện thể hiện lòng hiếu thảo, sự biết ơn, tri ân đối với ông bà, cha mẹ. Ngoài ra, đây là dịp để các bé hiểu gốc tích, biết ơn về huyết thống, cội nguồn.
Trách nhiệm với gia đình
Cùng chung tay quét nhà, lau cửa với cha mẹ, giúp bé có ý thức hơn về trách nhiệm bản thân với gia đình. Việc cha mẹ chỉ cách bày biện hoa quả (mâm ngũ quả), cách thờ tự nhang khói bàn thờ gia tiên, hay đi lễ chùa, những kiêng cữ… sẽ giúp bé có ý thức về cội nguồn, giữ gìn nét đẹp văn hóa tâm linh, tín ngưỡng.
Sự đồng cảm, thấu hiểu
Dẫu chưa thật sâu sắc, song bé cũng đã biết so sánh với bạn bè, biết quan tâm về gia cảnh của mình sau một năm làm ăn được, mất. Điều này sẽ giúp bé có sự đồng cảm và yêu thương cha mẹ mình hơn.
Những tổng kết của năm cũ, những hoạch định cho năm mới trong công việc làm ăn của cha mẹ, hoặc kế hoạch cha mẹ chuẩn bị cho con, sẽ giúp trẻ có phương hướng và quyết tâm phấn đấu tốt hơn cho một năm sắp tới.
Hiểu biết thêm văn hóa dân tộc
Trẻ biết thêm về phong tục, tập quán, văn hóa lễ hội của dân tộc, như các món ăn ngày tết, tục xông đất, tục lì xì mừng tuổi, đặc trưng chợ tết, vẻ đẹp của chợ hoa, ý nghĩa của các trò chơi, nét đẹp của các lễ hội dân gian gắn liền với từng địa phương. Đây là cơ hội giúp bé hiểu biết về văn hóa dân tộc.
Sự ý thức
Tết là dịp bé ý thức về thời gian. Ý thức về tuổi tác của ông bà, cha mẹ. Và bé cũng sẽ tự ý thức về sự trưởng thành bản thân, cảm thấy có trách nhiệm với bản thân mình và gia đình hơn.
Ngoài ra, tết còn là dịp giúp bé mở rộng tầm mắt vì được đi du lịch; hình thành ý thức tiết kiệm từ những bao lì xì; giúp bé có ý thức và thói quen ăn uống những món ăn ngày tết; biết cách nghỉ ngơi, vui chơi, thăm thầy thăm bạn bè.
Tóm lại, ý nghĩa lớn nhất của tết đối với trẻ em là đem đến cho các bé niềm vui, sự lạc quan, điều mà dân gian thường hay nói “vui như tết”.

Điều chỉnh thói quen ăn uống của trẻ sau Tết
Tết không chỉ là khoảng thời gian chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới mà còn là dịp gia đình sum vầy, cùng nhau gửi những câu chúc tốt đẹp cũng như tụ họp ăn uống linh đình để đón mừng một Năm mới tốt lành. Đối với trẻ em, đây cũng là dịp để các bé được đi thăm họ hàng và thỏa thích thưởng thức các món ăn ngon trong dịp Tết. Thế nên việc đó đã dẫn đến sự mất cân bằng dinh dưỡng đối với trẻ em sau những ngày ăn tràn ngập bánh chưng, bánh tét và các loại thịt, bánh mứt....
Dưới đây là những lưu ý quan trọng mà Esearch mong mẹ cần nhớ khi lên thực đơn dinh dưỡng cho bé sau Tết, vừa giúp bổ sung dinh dưỡng, vừa giúp trẻ ngon miệng hơn.
1. Thực đơn giàu rau xanh, trái cây
Sau những ngày ăn uống thả ga, chán chê với đủ loại bánh mứt, thịt, nước ngọt..., hệ tiêu hóa của trẻ cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Hệ quả, mẹ có thể thấy bé biếng ăn hơn. Để khắc phục tình trạng này, mẹ nên tăng cường nhiều rau xanh và trái cây trong thực đơn cho bé. Không chỉ chứa nhiều vitamin, khoáng chất, rau xanh và trái cây cũng chứa nhiều chất có lợi cho hệ tiêu hóa của trẻ. Chẳng hạn, beta-carotene trong các loại rau củ màu vàng, cam; chất genistein và isoflavone trong đậu tương, đậu phụ; chất lycopen trong cà chua, dưa hấu, mơ, bưởi... Rau xanh, trái cây nhiều nước, chất xơ, ít chất béo và năng lượng là lựa chọn hoàn hảo cho chế độ dinh dưỡng sau Tết của bé.
Ngoài ra, thay vì sử dụng đơn điệu một loại rau, mẹ nên đa dạng hóa nhiều loại rau quả trong thực đơn của bé. Dùng rau cải cho các món xào, các loại củ quả để nấu canh... Đồng thời, nên ăn các món hấp, luộc, tránh các món chiên xào nhiều dầu mỡ gây thêm "áp lực" cho thận.
2. Ưu tiên thực phẩm tốt cho hệ miễn dịch
Để giúp trẻ hấp thu đủ năng lượng theo nhu cầu, mẹ nên lưu ý các món ăn giàu vitamin, khoáng chất tốt cho hệ miễn dịch như vitamin A, C, sắt, kẽm... Cho bé ăn thêm sữa chua , phô mai, bơ, chuối... để tăng cường lợi khuẩn probiotics và prebiotics, vi khuẩn có lợi cho hoạt động của hệ tiêu hóa.
3. Nói "Không" với thực phẩm nhiều đạm
Tạm thời, thực đơn dinh dưỡng cho bé sau Tết nên giảm bớt những thực phẩm nhiều đạm, chất béo hoặc được tẩm ướp nhiều gia vị như tiêu, tỏi... Những thực phẩm này có thể làm chứng chán ăn của bé trở nên nghiêm trọng hơn.
Với những bé có lịch sinh hoạt bị đảo lộn trong những ngày Tết, mẹ nên giúp con điều chỉnh lại thói quen ăn uống, sinh hoạt. Ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày, ăn đầy đủ các bữa sáng, trưa, tối với đầy đủ 4 nhóm thực phẩm. Cải thiện các bữa ăn để thanh lọc lại cho cơ thể, như đậu xanh, táo đỏ, hạt sen cũng có tác dụng giải độc tốt. Mẹ có thể chế biến thành cháo, canh, chè đậu xanh, hoặc dùng nước cam thảo (bọc trong túi vải) nấu với đậu nành nấu nhừ để giảm bớt lượng độc tố do tích tụ nhiều chất béo trong ngày Tết.
Hy vọng thông qua bài viết này, các mẹ sẽ góp nhặt được thêm những kiến thức để điều chỉnh vào chế độ dinh dưỡng sau những ngày Tết cho bé nhé!
Nguồn: Esearch sưu tầm

Cùng con làm chiếc hộp thời gian vào những ngày cuối năm
Ở các nước phương Tây có một hoạt động rất thú vị là chiếc hộp thời gian (time capsule). Làm hộp thời gian cùng gia đình là một hoạt động thú vị để ăn mừng Năm Mới cũng là cơ hội để tận dụng những giây phút gia đình quây quần bên nhau cùng nhau suy ngẫm về tất cả những niềm vui và kỷ niệm mà chúng ta đã có trong năm trước. Khoảnh khắc gia đình cùng tạo nên một chiếc hộp thời gian để ghi nhớ những kỷ niệm trong năm cũ và để nhắc lại những điều mà chúng ta không muốn quên trong những năm tới.
Vậy hôm nay chúng mình hãy cùng Esearch tìm hiểu cách làm chiếc hộp thời gian nhé.
Đầu tiên chúng ta hãy bắt đầu với việc trang trí một hộp đựng giày cũ. Điều này không những đem lại niềm vui còn giúp trẻ ý thức được việc tái sử dụng đồ cũ cũng như hạn chế thải rác ra môi trường. Trẻ có thể chọn từ sơn, nhãn dán và keo lấp lánh hay bất cứ thứ gì mà chúng mong muốn để có thể trang trí hộp thời gian thú vị của riêng mình!
Điều thực sự thú vị về hộp thời gian dành cho gia đình là khoảnh khắc cả gia đình mở lại chiếc hộp đó sau một năm. Đêm giao thừa tới, ba mẹ cùng các con sẽ mở hộp thời gian của mình và hồi tưởng lại tất cả những ký ức tuyệt vời và xem dự đoán của cả nhà có đúng hay không.
Dưới đâu là một số gợi ý mà các gia đình có thể bỏ vào chiếc hộp thời gian của mình:
1. Hình ảnh của từng thành viên trong gia đình
2. Một danh sách các thành tựu và thành công
3. Chiều cao và cân nặng hiện tại
4. Những thứ yêu thích như thức ăn, thể thao, màu sắc, lớp học, bài hát, bộ phim, hương vị kem, sách, chương trình truyền hình, quà sinh nhật, bạn thân,…
5. Kỷ niệm tuyệt vời nhất từ kỳ nghỉ lễ này
6. Một vật kỷ niệm nhỏ như một món đồ chơi nhỏ hoặc vật kỷ niệm đáng yêu khác
7. Dự đoán cho năm tới chẳng hạn như các con sẽ cao hơn bao nhiêu hoặc đối với người lớn sẽ đạt được mục tiêu nào
Vậy còn các gia đình của Esearch dự định sẽ đặt gì trong chiếc hộp thời gian của mình?