Việc con có cảm xúc tiêu cực có thể do vì nhiều nguyên nhân, từ cảm giác sợ hãi hoặc lo lắng đến gặp khó khăn ở trường hoặc trong các tình huống xã hội. Điều quan trọng là các bố mẹ phải nhận ra rằng những cảm xúc này ở con là điều bình thường và giúp con kiểm soát để vượt qua những cảm xúc tiêu cực.
Theo tiến sĩ Gottman, tác giả cuốn sách Raising An Emotionally Intelligent Child đã nói rằng, EQ đóng vai trò không nhỏ trong thành công sau này của các con, nên việc giúp trẻ hiểu về cảm xúc và biết cách quản lý cảm xúc là chiến lược quan trọng giúp con lớn lên bình tĩnh, tự tin và hạnh phúc. Để làm được điều đó, bố mẹ có thể thực hành 5 bước sau để hỗ trợ con kiểm soát cảm xúc và hành vi.
Bước 1: Nhận biết cảm xúc của con
Cảm xúc luôn đến trước các cơn bùng nổ, vì thế, việc nhận biết được cảm xúc của con để giúp con tránh được những hành vi không phù hợp là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, có nhiều trẻ chưa hiểu về những cảm xúc đang đến với mình và cách tốt nhất để thể hiện được những cảm xúc đó, vì thế, đây là lúc mà trẻ cần tới sự giúp đỡ của bố mẹ.
Trước hết các bố mẹ phải có khả năng nhận biết cảm xúc của chính mình và nhạy cảm với cảm xúc của con cái, không nên đợi con bộc lộ cảm xúc mạnh mẽ mới có thể nhận biết được.
Bước 2: Nhìn nhận cảm xúc như một cơ hội để kết nối và giáo dục
Các bố mẹ không nên nói những câu an ủi như “Chả có gì phải sợ cả!” hay là “Có thể thôi mà cũng khóc!” với con. Bởi vì, những câu nói này có thể khiến cho trẻ mất tự tin và nghi ngờ cảm nhận của chính mình.
Để có thể giảm thiểu những hành vi, cảm xúc tiêu cực của trẻ các bố mẹ nên tùy theo cách phù hợp với từng hoàn cảnh, từng tính cách của trẻ, và đừng bao giờ dán nhãn con trẻ thông qua các hành vi, những cảm xúc đó. Để vượt qua cảm xúc cùng con, thì các bố mẹ hãy xem những cơn bùng nổ, những cảm xúc bộc phát của con như một cơ hội để kết nối và giáo dục con.
Bước 3: Lắng nghe và xác nhận cảm xúc con
Bố mẹ nên chú tâm, và lắng nghe khi con bộc lộ cảm xúc. Sau đó là suy nghĩ thật kỹ về những gì con nghe thấy, và rồi nói với con rằng bạn hiểu những gì con đang cảm thấy hoặc trải qua.
Cho dù bố mẹ có thể cảm thấy những gì con đang trải qua là hết sức phi lý và muốn nói ngay cho con biết điều đó, nhưng bố mẹ nên biết rằng, cảm xúc chẳng bao giờ có lý cả, vậy nên cần phải tạo được cho con cảm giác an toàn, thấu hiểu mỗi khi chia sẻ với mình trước khi muốn đưa ra bất cứ lời khuyên nào. Nếu bố mẹ muốn giải quyết vấn đề ngay lập tức, con sẽ không bao giờ học được kỹ năng kiểm soát những cảm xúc tiêu cực. Ngoài ra, nếu không nhận được sự cảm thông, dần dần con sẽ đóng cánh cửa kết nối với bố mẹ.
Bước 4: Gọi tên cảm xúc
Sau khi đã lắng nghe câu chuyện của con, bố mẹ hãy giúp con hiểu rõ hơn về những biểu hiện cảm xúc, bằng cách gọi tên những cảm xúc này. Điều này đặc biệt quan trọng với những bé ở lứa tuổi mầm non. Dù rằng đó là giận dữ, buồn, sợ hãi hay thất vọng, đều là một phần của cuộc sống và ai cũng phải trải qua, và chúng ta đều học cách để đối đầu với những cảm giác đó.
Gọi tên cảm xúc cũng thể hiện cho con thấy rằng bố mẹ đang đồng cảm với con. Khi nhìn thấy con khóc, bố mẹ có thể hỏi “Con đang rất buồn đúng không?”. Vì thế, con không chỉ hiểu về cảm xúc này, mà còn có một từ để miêu tả nó. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc gọi tên cảm xúc có thể làm dịu hệ thần kinh và giúp trẻ vượt qua những cảm giác khó chịu nhanh hơn.
Bước 5: Giúp con bạn giải quyết vấn đề bằng các giới hạn
Tất cả mọi cảm xúc đều được chấp nhận nhưng các hành vi thì không. Sau khi bố mẹ lắng nghe câu chuyện của con, giúp con gọi tên cảm xúc, bạn cần đặt ra những giới hạn cho các hành vi và giúp con sửa sai.
Ví dụ, các bố mẹ có thể nói với con rằng: “Mẹ biết con rất tức khi con đang vẽ mà em vào phá. Mẹ cũng sẽ rất tức. Nhưng vì thế mà đánh em thì không được. Những lúc như vậy, con nghĩ nên làm gì?”
Chìa khoá để vượt qua cảm xúc cùng con đó là SỰ KIÊN NHẪN. Vì thế các bố mẹ không nên cố gắng hoàn thành cả 5 bước ngay lập tức, và không nên vội vàng khi câu chuyện của con quá dài hay con khóc quá lâu. Trẻ con rất nhạy cảm và chúng sẽ nhận ra ngay sự thờ ơ hay thiếu chú tâm của bố mẹ. Vì thế, muốn thành công, trước hết phải thực sự kiên nhẫn, chân thành và chú tâm.
Esearch mong rằng bài viết này sẽ giúp ích được cho các bố mẹ. Chúc các bố mẹ thành công!
Nguồn: Esearch tổng hợp