
Những thói quen khiến trí nhớ của trẻ suy giảm
Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có khả năng ghi nhớ khác nhau. Khả năng ghi nhớ giúp trẻ học tập và tiếp thu tốt hơn những thông tin về thế giới xung quanh. Hiện nay có rất nhiều phương pháp giúp tăng cường khả năng ghi nhớ của trẻ, nhưng bên cạnh đó bố mẹ cũng cần lưu ý đến một số thói quen, lối sống có thể khiến trí nhớ của các con suy giảm.
Dưới đây là 5 thói quen có thể làm trí nhớ trẻ kém hơn bạn bè đồng trang lứa:
1. Trẻ ngủ không đủ giấc: Thời gian ngủ khuyến nghị cho trẻ là 8 tiếng/ngày. Nếu trẻ thường xuyên thức khuya, não bộ không có đủ thời gian nghỉ ngơi để loại bỏ mệt mỏi thì có thể khiến trí nhớ kém đi. Đối với trẻ nhỏ, khi hệ thần kinh đang trong giai đoạn phát triển, việc ngủ đúng giờ và đủ giấc sẽ thúc đẩy vỏ não tiếp nhận kích thích cảm giác và phát triển trí nhớ.
2. Trẻ lười vận động: Việc ít vận động có thể làm giảm lượng máu đến các vùng trong não bộ và các cơ. Việc tập thể dục nhẹ nhàng và đều đặn hằng ngày có tác dụng giúp trẻ tỉnh táo, năng động và tăng cường khả năng tập trung, ghi nhớ.
3. Khẩu phần ăn của trẻ thiếu dinh dưỡng: Omega 3, DHA, vitamin A,B,C,E, v.v. là các chất dinh dưỡng không chỉ cần thiết cho cơ thể mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng não bộ. Nếu trong khẩu phần ăn uống hằng ngày của trẻ bị thiếu hụt các nhóm dinh dưỡng trên thì sẽ dễ ảnh hưởng đế quá trình xây dựng não và các tế bào thần kinh, từ đó làm suy giảm khả năng ghi nhớ. Các chất dinh dưỡng trên có nhiều trong lòng đỏ trứng, cá hồi, rau xanh, củ quả, v.v.
4. Trẻ ít khi tâm sự, giao tiếp: Cha mẹ có thể hỗ trợ sự phát triển trí não cho các con bằng cách thường xuyên trò chuyện và chơi cùng con. Thông qua đó, trẻ có thể xây dựng các kỹ năng, khám phá bản thân và giảm căng thẳng não bộ. Các con trong độ tuổi phát triển sẽ nhạy cảm với thế giới xung quanh, nên cha mẹ cần ứng xử một cách khéo léo để hỗ trợ và giúp con phát triển một cách lành mạnh.
Phía trên là 4 điều mà các bậc phụ huynh cần lưu ý trong quá trình nuôi dạy con trẻ để các con có thể lớn lên một cách khỏe mạnh và thông minh. Hi vọng bài viết có thế giúp ích được cho các bạn.
Nguồn: Esearch tổng hợp

Cách giúp trẻ vượt qua nỗi sợ kim tiêm
Tiêm phòng là điều vô cùng quan trọng đối với mọi người, đặc biệt là trẻ em, giúp các bé có thể phòng chống nhiều bệnh nhiễm trùng một cách hiệu quả. Tuy nhiên, khi tiêm vacxin cho trẻ em, phần lớn các bé đều có nỗi sợ kim tiêm. Vậy, cha mẹ nên làm gì để giúp con vượt qua nỗi sợ tiêm chủng?
Mặc dù hầu hết trẻ đều sợ kim tiêm nhưng việc tiêm chủng phòng bệnh là không thể tránh khỏi. Dưới đây là một vài mẹo giúp trẻ bớt sợ hãi khi tiếp xúc với kim tiêm.
1. Cha mẹ hãy thành thật và giải thích cho bé
Nếu trẻ sợ tiêm, bạn nên nói thật với các bé rằng mặc dù việc chủng ngừa có thể gây đau, nhưng nó chỉ diễn ra trong chưa đầy 1 phút. Bên cạnh đó, bạn cũng nên giải thích với trẻ về công dụng của vắc xin. Đối với trẻ nhỏ, hãy cho bé biết rằng vắc xin giúp bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật và giữ cho bé khỏe mạnh. Đối với những đứa trẻ lớn, cha mẹ có thể nói vắc xin giúp xây dựng khả năng miễn dịch để chống lại các bệnh nhiễm trùng có hại. Nếu trẻ đã từng bị té do chơi đùa, hãy so sánh cơn đau vắc xin với cơn đau do vấp ngã và giải thích rằng chủng ngừa ít đau hơn thế.
Ngoài ra, bạn cũng nên báo trước cho bé sợ tiêm về thời điểm cần phải đi chích ngừa, có thể là trước một vài phút hoặc một vài ngày nếu con bạn có xu hướng thích biết trước mọi điều sớm. Tuy nhiên, đừng nên cho trẻ biết trước quá lâu, vì có thể khiến bé lo lắng cả tuần (hoặc hơn thế) và gây căng thẳng cho đến ngày con đi tiêm chủng.
2. Giữ bình tĩnh
Một trong những cách để bé không sợ kim tiêm là cha mẹ cần giữ bình tĩnh. Việc phụ huynh lo lắng, bồn chồn sẽ càng khiến các bé sợ tiêm hơn. Nếu cha mẹ tỏ ra bồn chồn hoặc không thoải mái, những cảm giác đó có thể truyền sang trẻ. Việc truyền năng lượng và thái độ tích cực cho con là điều mà bạn nên làm.
3. Đánh lạc hướng trẻ
Hãy thu hút sự chú ý của trẻ và làm cho bé mất tập trung. Việc cho trẻ xem hoạt hình, chơi trò chơi trên điện thoại thông minh có thể giúp bé thoát khỏi cảm giác lo lắng và đau đớn. Đối với trẻ vừa bắt đầu học đếm, bạn cũng có thể đánh lạc hướng bé bằng cách đếm, chơi trò chơi hoặc hát… Một vài ý tưởng khác bao gồm kể chuyện, đọc sách, hát một bài hát và xem video hài hước, bạn có thể lựa chọn những điều trẻ thích. Ngoài ra, bác sĩ tiêm phòng cũng có thể đánh lạc hướng trẻ bằng các phương pháp riêng, như vừa trò chuyện, chơi đùa với trẻ vừa tiêm vắc xin mà trẻ không hề hay biết.
4. Khen trẻ và chuẩn bị sẵn phần thưởng
Sau khi bé chủng ngừa xong, bạn hãy dành cho trẻ sợ tiêm những lời khen ngợi. Đồng thời, bạn cũng có thể tặng bé một món quà mà trẻ thích như một cuốn truyện tranh hoặc dẫn trẻ đi ăn món bé thích để ăn mừng. Hãy giúp con bạn tạo ra một ký ức tích cực liên quan đến việc chủng ngừa và cho trẻ biết rằng bạn cảm thấy tự hào vì trẻ đã làm được một điều thực sự tốt cho cộng đồng bằng cách giữ an toàn cho bản thân và giúp người khác được an toàn.
Việc tiêm chủng không chỉ có lợi cho trẻ nhỏ mà mang rất nhiều ý nghĩa đối với toàn xã hội nói chung. Và được sự hưởng ứng của phần lớn người dân, hầu hết trẻ nhỏ đều được cha mẹ cho tham gia chương trình này nhằm bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên việc bé sợ kim tiêm cũng một phần nào đó ảnh hưởng đến quá trình tiêm chủng. Vì vậy thông qua bài viết này, Esearch hi vọng các bậc phụ huynh đã hiểu hơn về vai trò và ý nghĩa của việc tiêm chủng và có những cách để các bé tránh được nỗi sợ khi tiêm chủng nhé.
Nguồn: Esearch tổng hợp

Hành vi của trẻ em mắc tự kỷ
Tự kỷ là gì?
Tự kỷ hay còn gọi là rối loạn phổ tự kỷ. Là một dạng rối loạn tâm thần thuộc loại phát triển thần kinh và thường có biểu hiện từ rất sớm, khoảng 75% trẻ có biểu hiện trước 3 tuổi.
Bởi vì xuất hiện từ sớm nên dễ tác động lâu dài đến trẻ nếu như không có những can thiệp kịp thời từ người thân. Trẻ mắc chứng tự kỷ thường khó thiết lập các mối quan hệ xã hội, khả năng giao tiếp kém, v.v. do đó các bậc phụ huynh cần chú ý quan sát các biểu hiện của bé ngay từ những năm tháng đầu đời để cùng con vượt qua và giảm thiểu đáng kể những ảnh hưởng sau này.
Biểu hiện của trẻ mắc tự kỷ
Trẻ mắc chứng tự kỷ không chỉ biểu hiện qua hành vi mà còn cả qua phương diện cảm xúc và ngôn ngữ:
Biểu hiện qua cảm xúc:
Trẻ không có sự giao tiếp bằng mắt với bố mẹ hoặc người đối diện, thường lơ đễnh.
Trẻ không bày tỏ yêu thương với người thân, không biểu hiện cảm xúc vui mừng khi bố mẹ đi đâu về.
Biểu hiện qua ngôn ngữ:
Trẻ thường nói những âm đơn hoặc không có ngữ điệu, hay nhại lời người khác và thường nói lẩm bẩm một mình, đôi khi lặp đi lặp lại những âm thanh vô nghĩa.
Trẻ không biết bắt chước người lớn để làm cũng như nói theo.
Khi có nhu cầu gì trẻ không biết diễn đạt làm cho người lớn hiểu mình cần gì, phải gợi ý hướng dẫn nhiều lần trẻ mới có thể làm theo được.
Biểu hiện qua hành vi:
Cử động tay chân lặp lại hoặc rập khuôn
Thích chơi với một thứ.
Quan tâm đến chi tiết của đồ chơi hơn là cách sử dụng đồ chơi thế nào.
Thích hoạt động và chơi với đồ dùng trong nhà quá mức.
Trẻ thích đu đưa thân mình, hoạt động chân tay quá mức, hay thích đi trên đầu ngón chân.
Trẻ tự kỷ rất ghét sự thay đổi và sẽ có phản ứng giận dữ hay rất hoảng sợ khi đồ đạc trong nhà thay đổi hoặc khi mẹ thay đổi kiểu tóc v.v.
Đối với những kích thích từ môi trường bên ngoài, trẻ tự kỷ có khi đáp ứng quá mức hoặc kém đáp ứng. Trẻ có thể cảm thấy thú vị với những âm thanh nhỏ tự tạo ra như gõ vào đồ vật bên tai, gãi nhưng lại lờ đi những lời nói của cha mẹ v.v.
Trẻ không biết sợ hãi khi gặp nguy hiểm, có thể tự gây thương tích cho mình như cào cấu, nhổ tóc, đánh vào đầu v.v.
Trẻ có thể không ngủ vào ban đêm nhưng ban ngày vẫn tràn đầy năng lượng.
Trẻ có thể có những rối loạn vận động như chậm đi do giảm trương lực cơ, cử động bất thường, đập đầu, nhăn nhó mặt, xua tay v.v.
Mặc dù hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị hoàn toàn chứng tự kỷ ở trẻ nhưng việc phát hiện kịp thời nguy cơ mắc rối loạn phổ tự kỷ sẽ giúp trẻ hòa nhập với xã hội tốt hơn.
Nguồn: Esearch tổng hợp

Đồ Ngọt Liệu Có Ảnh Hưởng Đến Hành Vi Của Trẻ
Đồ ngọt có ảnh hưởng đến hành vi của trẻ không?
Từ những năm 1990, đã có rất nhiều nghiên cứu được tiến hành để làm rõ chuyện ăn nhiều đồ ngọt liệu có ảnh hưởng đến hành vi của trẻ nhỏ hay không.
Nhiều báo cáo cho rằng phụ huynh thấy con mình có nhiều biểu hiện hiếu động hơn sau khi ăn đồ ngọt. Nhưng theo kết quả tổng hợp từ hơn 30 bài báo cáo cũng như thí nghiệm đăng trên tạp chí y tế thuộc Hiệp hội Y khoa Mỹ JAMA năm 1995 cho thấy đường (chủ yếu là đường sucrose) không ảnh hưởng đến hành vi hay hiệu suất nhận thức ở trẻ.
Cũng ở một nghiên cứu khác được đăng trên Tạp chí Quốc tế về Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng Mỹ vào năm 2017, các nhà khoa học đã tiến hành thu thập thông tin về hành vi, giấc ngủ, lượng thực phẩm, v.v. ở 287 trẻ độ tuổi từ 8-12. Trong số đó có tới 81% trẻ tiêu thụ đường nhiều hơn lượng khuyến nghị hằng ngày, tuy nhiên sau thời gian nghiên cứu thì các nhà khoa học cũng đã kết luận rằng tổng lượng đường tiêu thụ không liên quan đến hành vi hay giấc ngủ của trẻ em.
Ngoài ra, liên quan đến chứng hiếu động ở trẻ thì cũng có một số yếu tố khác tác động đến như tính cách, rối loạn cảm xúc, v.v. mà cha mẹ cũng nên quan tâm.
Dù hiện tại chưa có minh chứng xác thực việc đồ ngọt làm ảnh hưởng đến hành vi của trẻ nhưng việc tiêu thụ quá nhiều đường cũng gây những tác động không tốt đến sức khỏe trẻ trẻ như sâu răng, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tăng cân, tăng lượng đường huyết trong máu làm giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, suy giảm khả năng miễn dịch, v.v. Do đó, các bậc phụ huynh cần theo dõi thực đơn hằng ngày của con để kiểm soát lượng đường nạp vào cơ thể hằng ngày.
Lượng đường trẻ nên tiêu thụ mỗi ngày là bao nhiêu?
Theo WHO, lượng đường trẻ nên tiêu thụ mỗi ngày không quá 10% lượng calo hằng ngày hoặc tốt hơn nữa thì không quá 5%.
Nhưng rất khó để cha mẹ có thể cân đo đong đếm được đúng lượng đường cụ thể là bao nhiêu. Trung bình trẻ em không nên tiêu thụ quá 6 muỗng cà phê đường mỗi ngày, lượng đường này tương đương khoảng 1 lon nước ngọt. Trẻ dưới 2 tuổi không nên bổ sung đường vào khẩu phần ăn.
Cha mẹ nên hạn chế cho trẻ ăn quá nhiều bánh kẹo ngọt, đồ uống có gas, v.v. mà thay vào đó có thể lựa chọn trái cây, các loại ngủ cốc nguyên hạt, v.v. có lợi cho sức khỏe.

Thực đơn dinh dưỡng cho trẻ từ 2-3 tuổi
Thực đơn dinh dưỡng cho trẻ từ 2-3 tuổi
Các bé khi bước vào giai đoạn 2-3 tuổi chế độ dinh dưỡng rất quan trọng. Đây được xem là tiền đề cho sự phát triển về thể chất lẫn trí tuệ của các bé trong tương lai. Đặc biệt, khi lên 2 tuổi bé rất hiếu động, bắt đầu tò mò muốn khám phá thế giới xung quanh.
Hầu hết khi bé lên 2 đa phần đã mọc được khoảng 10 chiếc răng. Vì thế, bữa ăn chính cũng bắt đầu chuyển từ sữa sang thức ăn mềm. Các bé cần được cung cấp các dưỡng chất nhưng cần phải đảm bảo thức ăn dễ tiêu hóa vì bé đang trong thời kỳ phát triển.
Vì vậy để con phát triển tốt nhất, dưới đây esearch có những chú ý về việc xây dựng thực đơn cho trẻ các mẹ có thể tham khảo thêm.
Thực đơn dinh dưỡng cho bé
Các mẹ hãy chắc chắn rằng con mình được bổ sung chất dinh dưỡng từ bốn nhóm thực phẩm cơ bản mỗi ngày, bao gồm:
Thịt, cá, thịt gia cầm, trứng
Sữa, phô mai và các sản phẩm từ sữa khác
Hoa quả và rau
Ngũ cốc, khoai tây, gạo, sản phẩm bột
Trẻ nên ăn những loại thực phẩm từ động vật (sữa, sữa, trứng, thịt, cá và gia cầm) mỗi ngày, cộng với các loại đậu (như đậu xanh, đậu lăng hoặc đậu Hà Lan) - hoặc các loại hạt, rau và trái cây màu cam hoặc xanh. Thêm một chút dầu hoặc chất béo vào thức ăn cho trẻ.
Trẻ hai tuổi nên ăn ba bữa chính mỗi ngày, cộng với một hoặc hai bữa ăn nhẹ. Trẻ biếng ăn, ăn được ít cơm thì những bữa phụ này rất quan trọng.
Số bữa ăn trong ngày của trẻ:
- 2 bữa cơm nát ăn với các loại thức ăn chế biến từ thịt, cá, tôm, cua, trứng, lạc, vừng, đậu đỗ, rau xanh và dầu mỡ.
- 2 bữa gồm cháo hoặc súp, bún, phở, mì, sữa.
- Ăn hoa quả chín sau các bữa ăn theo nhu cầu của trẻ
Lưu ý
Trẻ 2 tuổi ăn được khá nhiều thực phẩm nên thực đơn cho bé 2 tuổi cũng khá phong phú. Rất nhiều mẹ kết hợp nhiều món ăn cho con giúp con kích thích vị giác, thèm ăn. Tuy nhiên, mẹ lưu ý, không phải thực phẩm nào cũng kết hợp với nhau mang lại hiệu quả tốt. Một số thực phẩm sau khi kết hợp sẽ khiến bé ăn vào không những không hấp thụ dinh dưỡng mà còn cảm thấy khó tiêu, đau bụng như: sữa + chuối, sữa + cam chanh, cà rốt + củ cải, thịt bò + hải sản, đậu đen, hẹ...
Lúc đầu, trẻ sẽ ăn một cách chậm chạp và bừa bộn. Khuyến khích trẻ hoàn thành bữa ăn và chắc chắn rằng trẻ đã ăn đủ.
Bên cạnh đó, bạn nên dành nhiều tình yêu và sự khuyến khích cho trẻ khi trẻ tự ăn. Ngồi trước trẻ và nhìn vào mắt nhau. Tương tác với con bạn, mỉm cười với con, nói chuyện với con và khen ngợi con vì đã ăn.
Hãy cố gắng làm cho bữa ăn trở thành khoảng thời gian hạnh phúc!
Nguồn: Esearch tổng hợp
