Giáo dục giới tính từ sớm cho trẻ em
Ba mẹ cho con học rất nhiều thứ và dạy con cách làm người, nhưng lại quên mất rằng cũng cần giáo dục giới tính cho con. Ba mẹ có biết rằng việc dạy trẻ về giáo dục giới tính nên cần được tiến hành càng sớm càng tốt? Nên nói với con về những vấn đề liên quan đến giới tính thế nào để không quá nhạy cảm với trẻ hoặc khiến cả người lớn và trẻ ngượng ngùng?
1. Vì sao nên giáo dục giới tính cho trẻ nhỏ?
Một nghiên cứu của giáo sư Eva Goldfarb và Lisa Lieberman thuộc trường Đại học bang Montclair, Hoa Kỳ cho thấy giáo dục giới tính toàn diện có thể ngăn ngừa lạm dụng tình dục trẻ em và bạo lực liên gia đình, và nâng cao nhận thức của trẻ về sự đa dạng của giới tính. Theo giáo sư Goldfarb, "nghiên cứu mang tính bước ngoặt này khẳng định rằng một chương trình giáo dục giới tính bat lượng bắt đầu từ sớm, và được xây dựng tuần tự cho đến hết trung học cơ sở và trung học phổ thông có thể cải thiện sức khỏe thể bat, tinh thần và cảm xúc của trẻ em."
Nghiên cứu của giáo sư Goldfarb cho thấy, chương trình giáo dục giới tính được triển khai ở các cấp Tiền Tiểu học và Tiểu học đã giúp ngăn ngừa lạm dụng tình dục trẻ em. Điều này tác động tích cực đến việc cải thiện các kỹ năng tự bảo vệ, nâng cao kiến thức về hành vi động bam phù hợp và không phù hợp, tăng cường giao tiếp giữa ba mẹ và con cái, và khuyến khích khai báo về hành vi xâm hại.
2. Giáo dục giới tính và kỹ năng sống cho trẻ như thế nào?
Giúp trẻ nhận thức về bản thân và sẵn sàng nói "Không"
Giáo dục giới tính cho trẻ, đặc biệt ở lứa tuổi mầm non và tiểu học là điều quan trọng, giúp trẻ nhận biết bản thân toàn diện khi đã bắt đầu hình thành nhận thức về thế giới xung quanh và tò mò về cơ thể mình. Đây là thời điểm thích hợp để thầy cô và ba mẹ giáo dục giới tính cho trẻ nhằm giúp trẻ hiểu về cơ thể mình, giới tính và những bộ phận nhạy cảm.
Giáo dục giới tính nên bao gồm cả việc giúp trẻ hiểu rằng mỗi người đều có không gian riêng và chúng ta tôn trọng không gian riêng của nhau. Thầy cô và ba mẹ nên giáo dục trẻ mạnh dạn nói "Không" khi có bất kỳ ai có hành động xâm phạm, hoặc những hành vi không phù hợp khiến trẻ không thoải mái hoặc thậm chí sợ hãi. Khuyến khích trẻ chủ động chia sẻ cùng mình hoặc một người thân đáng tin cậy khi bị rơi vào những hợp như trên.
Khi giáo dục giới tính cho trẻ, thầy cô và ba mẹ nên sử dụng ngôn từ và thái độ tế nhị, cởi mở đúng mực, tránh làm trẻ cảm thấy hoang mang và nhìn nhận sai lầm về giới tính. Nên sử dụng các ví dụ minh họa dễ hiểu, có thể lấy ví dụ từ bạn bè, người thân để việc giáo dục được trở nên tự nhiên và dễ dàng ghi nhớ.
Đặc biệt đối với ba mẹ, nên quan tâm và kiểm soát các nội dung trẻ tiếp xúc hàng ngày từ các nguồn internet, sách truyện, phim ảnh, trò chơi điện tử nhằm bảo vệ trẻ khỏi những luồng thông tin không phù hợp với lứa tuổi.
Trẻ được giáo dục giới tính sớm phù hợp sẽ có nhận thức tốt về việc bảo vệ bản thân, có kỹ năng xử lý tình huống tốt hơn khi gặp phải ấu dâm hoặc xâm hại, đồng thời qua đó còn xây dựng một nếp sống lành mạnh và tích cực.
Giáo dục trẻ cách ứng xử với người lạ
Một kỹ năng quan trọng khác trẻ cần được giáo dục từ sớm là việc nhận biết người lạ và cách thức xử lý trong những tình huống nguy hiểm liên quan đến người lạ như người lạ bắt chuyện, người lạ cho kẹo bánh, đi lạc, đặc biệt khi không có người thân kề bên.
Phương pháp hiệu quả trong việc giáo dục kỹ năng này là cho trẻ chơi mà học thông qua các tình huống giả định, bằng cốt truyện xúc tích, ngôn từ dễ hiểu sẽ giúp trẻ ý thức được mối nguy hiểm trong từng tình huống cụ thể và ghi nhớ cách thức xử lý phù hợp một cách dễ dàng.
Bình thường hóa những cuộc trò chuyện về giới tính
Nếu không giáo dục giới tính sớm cho con, điều này sẽ ít nhiều để lại ảnh hưởng khi trẻ lớn lên. Ngày nay, chuyện giáo dục giới tính có thể được bàn luận một cách cởi mở ở những nơi công cộng như: trung tâm đào tạo kỹ năng, gia đình, cơ quan và ngay cả trên truyền hình. Giáo dục giới tính là cần thiết để trang bị cho con kiến thức để tránh bị xâm hại, sức khỏe sinh sản, có đời sống tình dục an toàn khi lớn lên. Ba mẹ không nên ngại ngùng khi trao đổi với con về chủ đề này mà hãy tìm kiếm các tài liệu về giáo dục trên mạng cho con đọc và trao đổi với con.
Nói về sự tin tưởng
Mục đích của giáo dục giới tính cho trẻ nhằm giúp con nhận thức đúng đắn hơn về tình dục theo kiểu “vẽ đường cho hươu bay… đúng”, đồng thời trang bị cho con các kiến thức nhằm tránh khỏi nguy cơ bị xâm hại, lạm dụng. Bạn nên cho con biết sự tin tưởng là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng một mối quan hệ hạnh phúc, tốt đẹp chứ không phải là tình dục. Tình dục chỉ nên diễn ra khi con trưởng thành, xây dựng được lòng tin với người kia và muốn chia sẻ với người ấy.
Nguồn: Esearch tổng hợp
5 bước cùng con vượt qua cảm xúc tiêu cực
Trẻ nên ăn bao nhiêu quả trứng một ngày?
Trứng gà là loại thực phẩm tốt và chứa nhiều các loại dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Nhiều trẻ em cũng rất thích ăn các món ăn chế biến từ trứng nhưng cho trẻ em ăn trứng như thế nào là đúng thì không phải ai cũng biết. Dựa vào thành phần các chất dinh dưỡng trong trứng, chúng ta có thể biết được trẻ nên ăn bao nhiêu quả một ngày.
Dinh dưỡng trong trứng gà
Protein:
Cùng với hải sản, các loại thịt và các sản phẩm từ đậu nành, trứng được xếp vào nhóm thực phẩm cung cấp nhiều chất đạm. Theo hướng dẫn của các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ em từ 9 -13 tuổi nên ăn 5-6 đơn vị thịt cá trứng mỗi ngày, trẻ nhỏ hơn có thể chỉ cần lượng tương đương từ 2-4 đơn vị thịt cá trứng mỗi ngày. Một quả trứng được tính là 1 đơn vị.
Choline:
Trứng là nguồn cung cấp choline tốt. Choline là chất dinh dưỡng thiết yếu hỗ trợ phát triển nhận thức. Một quả trứng luộc lớn khoảng 147 mg choline. Lượng khuyến nghị cho trẻ em là 150 mg/ngày từ 7 tháng-1 tuổi; 200 mg/ngày từ 1-3 tuổi; 250 mg/ngày từ 4-8 tuổi; 375 mg/ngày từ 9-13 tuổi; 550 mg/ngày từ 14 -18 tuổi.
Vì vậy, 1-2 quả trứng mỗi ngày sẽ đáp ứng nhu cầu cho trẻ nhỏ. Một số loại thực phẩm giàu choline khác như thịt, gia cầm, cá, các sản phẩm từ sữa, hạt và ngũ cốc nguyên hạt.
Omega-3:
Omega-3 là chất dinh dưỡng quan trọng giúp ngăn ngừa bệnh tim. Mặc dù trứng gà không chứa nhiều lượng Omega-3 nhưng tại một số trang trại gà được nuôi theo cách làm tăng hàm lượng Omega-3. Nếu trẻ không nhận đủ Omega-3 từ các nguồn khác như cá thì trứng giàu Omega-3 có thể là một lựa chọn tốt để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng đó.
Cách chế biến trứng phù hợp với độ tuổi của trẻ
Trẻ từ 6-12 tháng: nên cho ăn trẻ bột trứng (nấu chín bột xong mới cho trứng vào). Cách làm: Đập lòng đỏ trứng cho vào bát đã có rau băm nhỏ, đánh đều trứng và rau. Trong lúc đó nấu bột sôi trên bếp rồi đổ trứng và rau vào khuấy đều nhanh tay, đợi bột sôi lên là được. Không nên đun bột quá kỹ khiến trứng khó hấp thu, cũng không nên luộc trứng chín rồi nghiền lòng đỏ nấu bột vì qua nhiều lần chế biến trẻ sẽ khó hấp thu.
Trẻ 1-2 tuổi: thời điểm này trẻ đã có thể ăn được cháo trứng, cách nấu cũng tương tự như bột trứng. Khi cháo đã chín mới cho trứng, ngoài ra có thể cho trẻ ăn trứng luộc vừa chín tới.
Trẻ từ 2 tuổi trở lên: có thể ăn các món trứng được chế biến đa dạng như: cháo trứng, trứng luộc, trứng rán, v.v.
*Lưu ý: Trứng mới lấy từ trong tủ lạnh ra không nên luộc ngay, cũng không nên ngâm trong nước nóng hay luộc bằng lửa quá to vì khiến trứng dễ vỡ hoặc lòng đỏ không chín tới.
Nguồn: Esearch tổng hợp
Trẻ em hưởng ứng ngày trái đất
Ngày Trái Đất (Earth Day) là chiến dịch hành động vì môi trường được phát động lần đầu năm 1970, và đến nay đã lan rộng tại 192 quốc gia với 150.000 tổ chức đối tác. Ngày Trái Đất 22/4 là dịp tất cả các quốc gia tôn vinh hành tinh mà chúng ta đang chung sống, và có những đóng góp thiết thực cho tương lai nhân loại.
Ngày Trái đất là ngày vận động toàn dân nâng cao nhận thức và hành động nhằm bảo vệ giá trị của môi trường tự nhiên toàn cầu. Trong Ngày Trái đất, mọi người thường tổ chức các hoạt động nhằm mục đích bảo vệ môi trường như tuyên truyền kêu gọi mọi người chung sức bảo vệ môi trường sống, tổ chức trồng cây xanh, thu gom rác thải, bảo vệ môi trường sống xanh sạch đẹp.
Chủ đề của ngày Trái đất năm 2023 vẫn tương tự 2022 là “Invest in Our Planet”, nghĩa là “Đầu tư vào hành tinh của chúng ta”.Để có thể vực dậy xã hội năng động, phát triển thì việc cấp thiết nhất bây giờ chính là bảo vệ Trái Đất khỏi ô nhiễm, giữ một môi trường xanh, sạch, đẹp. Đây là ngày để “thực hiện hành động”, không chỉ vì bạn quan tâm đến thế giới tự nhiên, mà vì tất cả chúng ta đều sống trên đó!
Và để hưởng ứng chiến dịch Ngày Trái đất năm 2023, góp phần vào những nỗ lực chung của thế giới về chống biến đổi khí hậu, và tạo sự phát triển bền vững của Trái Đất thì Trường mầm non Wisdomland - cơ sở quận 6 đã tổ chức những hoạt động thiết thực để các bé cùng nhau tham gia hưởng ứng chiến dịch này.
Tại đây các bé được đội những chiếc mũ xinh xắn và tự tay gom rác, làm xanh sạch khu dân cư xung quanh dưới sự quan hướng dẫn tỉ mỉ từ các thầy cô giáo. Sau đó, các bé còn được hướng dẫn và tự tay phân loại rác, vật dụng nào có thể tái chế, món nào có thể ủ phân… Có lẽ đây là một ngày hoạt động ướt mồ hôi tuy nhiên có thể cũng có thể thấy các bé đều rất vui với hoạt động đầy ý nghĩa này.
Bí quyết giúp trẻ tự tin trước đám đông
Rất nhiều trẻ hiện nay nhút nhát, thiếu tự tin, tự ti với bản thân mình, không dám thể hiện bản thân vì ngại giao tiếp, đặc biệt là những nơi đông người hay trong môi trường tập thể. Đối với nhiều đứa trẻ nhút nhát, việc bạn nói bé “nhút nhát”, hay “lo lắng” hay “không dám” làm gì đó, chỉ khiến bé thêm mất tự tin.
Vậy bạn sẽ làm gì để giúp trẻ tự tin mạnh dạn hơn? Dưới đây là một số cách hay dạy bé cách tự tin mạnh dạn trước đám đông mà Esearch muốn chia sẻ với các bạn.
1. Trò chuyện cùng con
Cha mẹ hãy tập thói quen trò chuyện cùng với con mình hàng ngày, đồng thời trong quá trình trò chuyện hãy để trẻ có quyền có tiếng nói. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ chủ động bày tỏ những quan điểm, ý kiến riêng của mình. Mặt khác, bên cạnh những câu hỏi vặn vẹo của mình thì bạn hãy tạo động lực cho con đưa ra những câu phản biện, tranh luận với lý lẽ, dẫn chứng để thuyết phục bố mẹ. Nếu bạn thực hành thói quen phản biện này với con hàng ngày thì bạn sẽ thấy con mình tự tin hẳn lên khi đứng trên sân khấu, đứng trước đám đông kể chuyện hoặc thuyết trình.
2. Để bé chơi với những trẻ khác
Khi ở nhà, bé thường chỉ được giao tiếp với người lớn. Bạn có thể đưa trẻ đi mẫu giáo, hay đến các sân chơi dành cho trẻ em. Một điều rất đặc biệt là trẻ thường ít cảm thấy dễ dàng để nói chuyện, để chơi hay kết thân với những bạn nhỏ tầm tuổi của mình. Vì thế, nếu bạn không có nhiều thời gian và điều kiện để đưa trẻ đến sân chơi cho bé, bạn cũng có thể mời bạn bè của bé hoặc đưa bé sang chơi cùng trẻ em hàng xóm. Điều này rất tốt cho trẻ, giúp trẻ không còn cảm thấy nhút nhát hay sợ sệt nữa.
3. Tạo cơ hội cho bé thể hiện
Cha mẹ hãy cho con cơ hội để thể hiện chính mình bằng cách gợi ý cho con hướng dẫn em nhỏ học bài hoặc giải một bài toán khó giúp em nhỏ. Khi trẻ giảng được bài cho em thì đó chính là kỹ năng nói trước đám đông để thuyết phục người khác. Ngoài ra, bạn cũng có thể tạo cơ hội thử sức cho con bằng việc cho trẻ đi học ở các lớp học kỹ năng sống, lớp hát, múa… để trẻ có cơ hội lên sân khấu hát, múa, biểu diễn trước đám đông để bé tự tin, mạnh dạn hơn không còn nhút nhát, sợ hãi nhiều nữa.
4. Dạy bé biết lắng nghe
Trước khi trẻ có thể là người nói tốt thì trẻ nhất thiết phải là người nghe tốt đã. cha mẹ hãy hướng dẫn con cách đừng vội cắt ngang lời người khác mà phải luôn lắng nghe một cách lịch sự, luôn quan sát thái độ của người khác, chờ đến lượt mình mới trình bày ý kiến. Việc này nghe thì to tát, nhưng thật ra bạn có thể tập với con hằng ngày. Chẳng hạn, khi bé và em tranh nhau “mách tội” với cha mẹ thì bạn nên ngăn con lại, chấn chỉnh con một cách thật nhẹ nhàng, để từng đứa trẻ lần lượt nói, và đứa trẻ này nói phải có đứa trẻ kia nghe. Khi trẻ học được cách lắng nghe, trẻ sẽ “luyện” dần cho mình cách nói chuyện thuyết phục, có đầu có đuôi, logic để thuyết phục người khác.
5. Chia sẻ với những “thất bại” của trẻ
Có những đứa trẻ rất thoải mái trước áp lực đám đông, nhưng cũng có những đứa trẻ đột nhiên rơi vào trạng thái đứng như trời trồng, chẳng biết nói gì, biểu diễn vụng về, nói năng lắp bắp dù trước đó đã được tập luyện nhiều lần. Những lúc này trẻ đang rất mất tự tin. Bạn nên thể hiện sự chia sẻ thật chân thành để giúp bé vượt qua, khiến bé không sợ hãi khi lần sau lại đứng trước đám đông như thế nữa. Những lời động viên như: “Mẹ thấy con có phần chào hỏi đầu tiên rất tốt, nhưng sau đó có lẽ con hơi run phải không? Không sao, hồi nhỏ mẹ cũng hay bị như vậy. Nhưng dần dần thì hết. Con còn giỏi hơn mẹ lúc đứng trước đám đông lần đầu tiên đấy chứ!” sẽ giúp bé cảm thấy bớt nặng nề với “thất bại” của mình và dám tự tin thử lại lần sau.
6. Đừng ép buộc trẻ
Hãy nhớ rằng tất cả những rèn luyện này chỉ mang tính bước đầu, để tạo dựng nền tảng cho con về sau. Do đó, cần để trẻ làm tất cả trong trạng thái thoải mái nhất mà trẻ muốn. Nếu có một đám đông nào đó trẻ cảm thấy xa lạ, không muốn xuất hiện chẳng hạn, bạn đừng ra sức ép con. Tuy nhiên, bạn có thể đưa trẻ đến nhiều môi trường giao tiếp khác nhau để giúp trẻ làm quen từ từ. Bé có thể ở bên cạnh bạn, quan sát, sau đó làm quen với những người bạn… Cứ như thế cho đến khi bé cảm thấy môi trường mới này thật sự “an toàn”.
Trên đây là một số lời khuyên giúp dạy bé cách tự tin mạnh dạn trước đám đông.
Esearch chúc các bậc cha mẹ có những phương pháp nuôi dạy con cái thật tốt.
Nguồn Esearch tổng hợp
Các mẹ nên làm gì khi trẻ biếng ăn
Biếng ăn thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 6 tuổi. Khi bé biếng ăn, mỗi bữa ăn của trẻ và bố mẹ thường được ví như “cuộc chiến”. Bởi trẻ ngậm hoặc không nhai và nuốt hoặc phun thức ăn khi được cho ăn, mỗi bữa ăn kéo dài trên 30 phút,… Lượng thức ăn con ăn vào không đủ khiến bố mẹ lo lắng đến sự phát triển và sức khỏe của trẻ.
Đối với các nguyên nhân do sở thích, về cách cho trẻ ăn uống sai phương pháp, bố mẹ có thể tự điều chỉnh để giúp trẻ cải thiện khả năng ăn của mình. Ngược lại, với những nguyên nhân bệnh lý, việc đến các cơ sở y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời là vô cùng cần thiết.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc trẻ biếng ăn tuy nhiên dù trẻ biếng ăn do nguyên nhân nào bố mẹ cũng không nên cố ép trẻ ăn. Đây là một nguyên tắc bất di bất dịch, bởi càng ép trẻ sẽ càng sợ ăn và tình trạng biếng ăn có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Theo lời khuyên của chuyên gia, bố mẹ cần xử trí tình trạng này tùy thuộc vào nguyên nhân gây nên.
Dưới đây là một số cách trị trẻ biếng ăn hiệu quả có thể giúp bố mẹ giải đáp thắc mắc trẻ biếng ăn phải làm sao hay làm gì khi trẻ biếng ăn.
1. Chế biến món ăn đủ chất và hấp dẫn
Nhiều phụ huynh chỉ quan tâm tới bữa ăn đủ chất nên thường trộn tất cả các loại thực phẩm được xem là bổ dưỡng với nhau rồi nấu thành cháo, bột cho bé. Điều này khiến món ăn mất đi sự hấp dẫn về hình thức và mùi vị nên trẻ sẽ không muốn ăn, lâu dần dẫn tới chứng biếng ăn.
Nhiều gia đình khác chỉ cho trẻ ăn một số loại thực phẩm cố định và chỉ trung thành với một vài cách chế biến như nấu cháo, hấp, luộc,... Những món ăn này thường không thu hút trẻ, khiến trẻ nhanh bị chán vì thực đơn lặp lại quá nhiều lần.
Vì vậy, nếu muốn khắc phục tình trạng biếng ăn ở trẻ, cha mẹ hãy cho bé cùng đi chợ, chọn món mà mình thích hoặc để bé tự trang trí món ăn của mình. Với những trẻ nhỏ hơn, phụ huynh cần đa dạng nguyên liệu nấu ăn và cách chế biến đồ ăn cho bé. Như vậy, bé sẽ cảm thấy ăn uống ngon miệng hơn và đẩy lùi được chứng biếng ăn.
2. Tạo không khí ăn uống vui vẻ, không ép trẻ ăn
Phụ huynh thường cố gắng ép trẻ ăn cho bằng được lượng thực phẩm như yêu cầu. Điều này vô tình tạo áp lực tâm lý cho trẻ khi bước vào bàn ăn. Một số trẻ còn có cảm giác sợ ăn, giả vờ đau bụng, nôn ói,... khi đến giờ ăn. Vì vậy, cha mẹ hãy tạo một không khí bữa ăn vui vẻ, thoải mái để trẻ tự ăn một cách chủ động.
3. Không cho trẻ ăn vặt trước bữa ăn
Trong khi một số phụ huynh quá nghiêm khắc trong việc ăn uống của trẻ thì có nhiều cha mẹ lại quá nuông chiều theo ý muốn của bé. Khi bé đòi ăn vặt, nhiều người sẵn sàng cho con ăn mà không kiểm soát về số lượng hay giờ giấc. Điều này khiến trẻ không bao giờ cảm thấy đói khi vào bữa chính nên sẽ không muốn ăn.
Vì vậy, cha mẹ không nên cho con ăn vặt quá nhiều, đặc biệt là trước bữa chính. Nếu muốn cho bé ăn bổ sung, phụ huynh chỉ nên cho trẻ ăn sau bữa chính.
4. Tập cho trẻ có thói quen vận động
Để khắc phục tình trạng trẻ biếng ăn, chậm lớn, ngoài việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, thói quen ăn uống của bé, cha mẹ nên tập cho trẻ thói quen vận động. Các bậc phụ huynh có thể đưa con ra ngoài chơi, tập đi xe, đi bơi hay vui chơi với bạn tại công viên, sân nhà,... Vận động giúp tiêu hao năng lượng nhanh chóng nên bé sẽ mau đói, ăn ngon hơn và nhiều hơn trong các bữa chính.
5. Bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho trẻ
Trẻ biếng ăn sẽ chậm tăng cân, chậm tăng chiều cao vì không nhận đủ các dưỡng chất cần thiết cho quá trình tăng trưởng từ khẩu phần ăn hằng ngày, đặc biệt là các loại vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C, canxi, sắt, kẽm, lysine và i ốt.
Để bé ăn ngon miệng trở lại thì phụ huynh có thể cho trẻ dùng thêm thực phẩm giàu vi chất hoặc các loại thuốc bổ sung dưỡng chất theo khuyến nghị của bác sĩ.
6. Một số biện pháp khác
Tẩy giun định kỳ cho trẻ 6 tháng/lần vì nhiễm giun, sán,... là một trong những nguyên nhân khiến bé suy nhược, biếng ăn.
Không trộn lẫn thuốc vào món ăn của trẻ vì điều này khiến trẻ đề phòng khi ăn uống, thậm chí có thể bé sẽ ghét món ăn mà trước đó rất thích.
Có thể để bé cùng tham gia sơ chế nguyên liệu nấu ăn vì sau đó trẻ sẽ muốn ăn những món mà mình góp công chế biến.
Có thể chia nhỏ khẩu phần ăn của trẻ để bé không bị ngán vì phải ăn quá nhiều trong một bữa.
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bố mẹ giải đáp được thắc mắc “Trẻ em biếng ăn phải làm sao?”. Từ đó, tìm được giải pháp phù hợp nhất để giúp con ăn ngon miệng hơn.
Nguồn: Esearch tổng hợp