
Tăng số lượng học sinh học trực tiếp, nhiều biện pháp ứng phó với F0
Từ ngày 04/01/2022, học sinh (HS) các khối lớp 7, 8, 10 và 11 tại TP.HCM sẽ đến trường học trực tiếp cùng với khối lớp 9 và 12 đã học trước đó. Điều mà nhiều phụ huynh quan tâm, lo lắng là công tác phòng chống dịch Covid-19 như thế nào với việc ứng phó với trường hợp F0 (nếu có) sẽ ra sao?
Nhìn chung, công tác phòng chống dịch của hầu hết các trường trong những tuần lễ vừa qua đã thực hiện rất tốt. Quan sát HS khối lớp 12, chúng tôi thấy các em tuân thủ tuyệt đối yêu cầu của nhà trường về thông điệp 5K, như rửa tay sát khuẩn, đảm bảo giãn cách và đeo khẩu trang trong suốt thời gian hoc tập và sinh hoạt tại trường. Đây là điều kiện thuận lợi để các trường mở rộng thêm các khối lớp vào học trực tiếp.
Khi nhiều khối lớp vào học, mật độ HS trong trường sẽ dày hơn, buộc các trường phải có cách bố trí phòng học, quy định cổng vào, cổng ra, thậm chí việc di chuyển ở các cầu thang cũng cần phải tính toán. Trong ngày 4.1, nhất thiết phải dành thời gian để sinh hoạt nội quy phòng chống dịch cho HS trước khi tổ chức học trực tiếp.
Nhiều trường đã xây dựng các phương án ứng phó với F0. Chẳng hạn tại Trường THPT Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM, lãnh đạo nhà trường đã xây dựng rất kỹ các tình huống ứng phó với F0, nếu có. Theo đó, khi phát hiện có HS hoặc giáo viên nghi nhiễm Covid-19 tại lớp, thực hiện 6 bước như sau: Bước 1, báo ngay cho nhà trường. Bước 2, đưa giáo viên hoặc HS nghi nhiễm xuống phòng cách ly tạm thời. Bước 3, tạm ngưng tiết học, ổn định tình hình lớp. Bước 4, xét nghiệm nhanh kháng nguyên toàn bộ HS và giáo viên có mặt trong lớp (theo điều hành của y tế). Bước 5, tiến hành vệ sinh khử khuẩn lớp học. Bước 6, lập danh sách F1 (F1 là tất cả HS, giáo viên trong cùng lớp học với F0 và đã có kết quả xét nghiệm âm tính) và theo dõi F1.
Nhà trường còn chủ động tổ chức xét nghiệm tầm soát theo quy mô với các tình huống như: 2 lớp ở cùng tầng thì xét nghiệm kiểm tra cho HS, giáo viên của tất cả các lớp học trên cùng tầng. Nếu 2 lớp ở khác tầng, cùng khối nhà: xét nghiệm kiểm tra cho HS, giáo viên của tất cả các lớp học trong cùng khối nhà…
Tuy nhiên, bên cạnh nhà trường, để đảm bảo an toàn cho HS khi học trực tiếp, vai trò của phụ huynh cũng rất quan trọng. Như việc trang bị các phương tiện phòng dịch, chủ động theo dõi sức khỏe các em tại nhà trước khi cho con đến lớp để ngăn chặn kịp thời trường hợp F0 nếu có.
Nguồn: Báo Thanh Niên

TPHCM thông báo khẩn việc cho học sinh đi học trở lại từ 4.1.2022
Ngày 31.12, UBND TPHCM có văn bản khẩn về tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở GDĐT trên địa bàn.
Theo đó, UBND TPHCM yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận huyện và TP.Thủ Đức tiếp tục thực hiện nghiêm Kế hoạch số 3997 /KH-UBND ngày 30.11.2021 của UBND về tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm học 2021-2022.
Từ ngày 4.1.2022, các cơ sở giáo dục được tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh các khối lớp 7, 8, 9, 10, 11, 12. Riêng xã đảo Thạnh An, Cần Giờ, học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 được tới trường.
UBND TP cũng giao Sở GDĐT chủ động phối hợp Sở Y tế rà soát, tham mưu việc điều chỉnh Bộ Tiêu chí an toàn đối với cơ sở giáo dục (khi cần thiết); tiếp tục triển khai các hướng dẫn chuyên môn về phương án tổ chức học tập trực tiếp phù hợp đối với từng cấp học, bậc học và lĩnh hoạt theo cấp độ dịch.
2 đơn vị này có trách nhiệm kịp thời tham mưu UBND TP việc mở rộng dạy học trực tiếp từ sau Tết Nguyên đán năm 2022 cho học sinh lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 và trẻ mầm non. Tổ chức ôn tập kiến thức và kiểm tra học kỳ tại lớp cho học sinh học trực tiếp trong khoảng thời gian từ ngày 4.1 đến ngày 22.1.2022.
Theo thông tin của Sở GDĐT TPHCM, kết quả khảo sát, có 60-80% phụ huynh các trường THCS, THPT đồng thuận cho thêm 4 khối 7, 8, 10 và 11 đi học trở lại từ 3.1.2022.
Hiện 478 trường THCS, THPT, giáo dục thường xuyên tổ chức dạy trực tiếp cho khối 9 và 12. Hơn 50 trường chưa tổ chức dạy trực tiếp, chủ yếu ở huyện Củ Chi và một số trường ngoài công lập.
Tỉ lệ học sinh đến trường trong hai tuần qua là hơn 96%, dù chỉ khoảng 79% phụ huynh đồng ý, theo kết quả thăm dò ý kiến trước khi mở cửa.
Tính đến ngày 26.12, TPHCM ghi nhận 60 F0 trong trường, trong đó 51 ca là học sinh. Tất cả trường hợp này, theo Sở Giáo dục, đã được xử lý theo quy trình.
Nguồn: Báo Lao Động

18 cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của trẻ em Việt Nam
Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục đào tạo, Quỹ Bảo trợ trẻ em… nằm trong danh sách các cơ quan có trách nhiệm trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.
Theo Luật Trẻ em 2016 và Quyết định số 856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về trẻ em, thì Việt Nam có 18 cơ quan, tổ chức, nhóm tổ chức có chức năng bảo vệ quyền trẻ em ở các cấp độ khác nhau, cụ thể:
1. Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp
– Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện: quyết định Mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội theo thẩm quyền để thực hiện quyền trẻ em; giám sát việc thực hiện quyền trẻ em; phân bổ ngân sách hằng năm để thực hiện quyền trẻ em.
– Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội: phối hợp với Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội để xem xét, đánh giá những vấn đề liên quan đến trẻ em trong dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; lồng ghép các Mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện quyền trẻ em khi thẩm tra quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội quốc gia; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em và việc thực hiện quyền trẻ em.
– Hội đồng nhân dân các cấp: ban hành nghị quyết để thực hiện và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em trên địa bàn theo nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
– Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp: thường xuyên và định kỳ tiếp xúc với trẻ em hoặc đại diện trẻ em; tiếp nhận, chuyển và theo dõi, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cơ quan, tổ chức liên quan đến trẻ em.
2. Chính phủ
– Thống nhất quản lý nhà nước về trẻ em; ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình về trẻ em; bảo đảm cơ chế và biện pháp phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương trong việc thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em.
– Chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì, phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về trẻ em theo thẩm quyền.
3. Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân
– Tòa án nhân dân các cấp áp dụng nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em, yêu cầu và biện pháp tư pháp cho trẻ em để tiến hành xét xử hành vi vi phạm quyền trẻ em, trẻ em vi phạm pháp luật, ra quyết định tư pháp đối với trẻ em hoặc có liên quan đến trẻ em.
– Viện kiểm sát nhân dân các cấp áp dụng nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em, yêu cầu và biện pháp tư pháp cho trẻ em để thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với trẻ em hoặc có liên quan đến trẻ em.
4. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
– Điều phối việc thực hiện quyền trẻ em; bảo đảm thực hiện quyền trẻ em được Chính phủ giao hoặc ủy quyền.
5. Bộ Tư pháp
– Bảo đảm việc bảo vệ trẻ em trong quá trình xử lý vi phạm hành chính.
– Chủ trì, hướng dẫn việc đăng ký khai sinh, giải quyết các vấn đề về quốc tịch của trẻ em, xác định cha, mẹ cho trẻ em.
– Chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan thực hiện quản lý nhà nước về nuôi con nuôi.
– Quản lý, hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý cho trẻ em và cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em theo quy định của pháp luật.
6. Bộ Y tế
– Bảo đảm trẻ em được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng và công bằng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
– Hướng dẫn thực hiện việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em khuyết tật, trẻ em bị tai nạn thương tích và các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác.
– Hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác y tế trường học bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em trong các cơ sở giáo dục
– Hướng dẫn cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, vệ sinh và phòng bệnh cho phụ nữ mang thai và trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 36 tháng tuổi.
7. Bộ Giáo dục và Đào tạo
– Bảo đảm việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác; xây dựng chương trình, nội dung giáo dục phù hợp với từng độ tuổi trẻ em và bảo đảm chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện của trẻ em; bảo đảm trẻ em được hoàn thành chương trình giáo dục phổ cập và tạo Điều kiện học ở trình độ cao hơn.
8. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Bảo đảm trẻ em được vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch.
9. Bộ Thông tin và Truyền thông
– Bảo đảm trẻ em được tiếp cận thông tin trên các kênh thông tin, truyền thông; được bảo vệ hình ảnh, thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân về thư tín, viễn thông và các hình thức trao đổi, lưu giữ thông tin cá nhân.
10. Bộ Công an
– Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán trẻ em và tội phạm liên quan đến trẻ em.
– Chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan phòng ngừa, ngăn chặn, quản lý, giáo dục trẻ em vi phạm pháp luật.
11. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
– Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật.
– Hằng năm hoặc đột xuất gửi báo cáo việc thực hiện quyền trẻ em thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
12. Ủy ban nhân dân các cấp
– Thực hiện quản lý nhà nước về trẻ em theo thẩm quyền; tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, kế hoạch, chương trình Mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em; ban hành theo thẩm quyền chính sách, pháp luật bảo đảm thực hiện quyền trẻ em phù hợp với đặc Điểm, Điều kiện của địa phương.
– Chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyền trẻ em; bố trí và vận động nguồn lực bảo đảm thực hiện quyền của trẻ em và bảo vệ trẻ em theo quy định của Luật này; tổ chức, quản lý hoạt động của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em theo thẩm quyền; bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em ở địa phương
13. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận
– Giám sát, phản biện, tham vấn, kiến nghị đối với cơ quan nhà nước trong việc xây dựng, thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật, phân bổ nguồn lực đáp ứng quyền của trẻ em theo quy định của pháp luật.
– Tuyên truyền, vận động thành viên, hội viên, đoàn viên của tổ chức và toàn xã hội hỗ trợ, tham gia thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dịch vụ đáp ứng quyền của trẻ em, phòng ngừa hành vi vi phạm quyền của trẻ em.
– Thực hiện chương trình, kế hoạch, dịch vụ đáp ứng quyền trẻ em.
14. Các tổ chức xã hội
– Vận động thành viên của tổ chức và xã hội hỗ trợ, tham gia xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch, dịch vụ đáp ứng quyền của trẻ em, phòng ngừa hành vi vi phạm quyền của trẻ em.
– Thực hiện chính sách, pháp luật, đáp ứng quyền của trẻ em theo tôn chỉ, Mục đích, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức được pháp luật quy định; tiếp nhận, thu thập thông tin từ thành viên và xã hội để phản ánh, kiến nghị, tư vấn cho cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cá nhân về việc thực hiện chính sách, pháp luật.
– Tổ chức việc cung cấp dịch vụ đáp ứng quyền của trẻ em theo sự ủy quyền, hỗ trợ của Chính phủ, các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước; chấp hành việc thanh tra, kiểm tra quá trình thực hiện theo quy định của pháp luật.
15. Tổ chức kinh tế
– Bảo đảm cung cấp sản phẩm, dịch vụ an toàn, thân thiện với trẻ em, không gây tổn hại cho trẻ em và không vi phạm quyền của trẻ em theo quy định, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
– Đóng góp và vận động nguồn lực cho việc thực hiện quyền của trẻ em phù hợp với khả năng, điều kiện, mức độ phát triển của tổ chức.
16.. Tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em
Được thành lập bởi Thủ tướng Chính phủ để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:
– Nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, Điều hòa giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– Phối hợp giữa Chính phủ với các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp;
– Phối hợp giữa các địa phương trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em, thực hiện quyền của trẻ em.
17. Quỹ Bảo trợ trẻ em
– Vận động sự đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài, viện trợ quốc tế và hỗ trợ của ngân sách nhà nước trong trường hợp cần thiết để thực hiện các Mục tiêu về trẻ em được Nhà nước ưu tiên.
18. Ủy ban Quốc gia về trẻ em
Thành lập vào tháng 6/2017, Ủy ban Quốc gia về trẻ em là tổ chức liên ngành do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm chủ tịch, thành viên gồm Bộ trưởng, Thứ trưởng của trên 10 bộ ngành, Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ủy ban Quốc gia về trẻ em nhằm giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:
– Nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, điều phối giữa các bộ, ngành và địa phương để giải quyết các vấn đề về trẻ em, thực hiện quyền trẻ em.
– Đề xuất phương hướng, giải pháp để thực hiện các vấn đề liên quan đến trẻ em và thúc đẩy thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.
– Phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp trong việc thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em.
– Chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện quyền và các nhiệm vụ liên quan đến trẻ em; các báo cáo thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.
– Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền.
TỔNG ĐÀI ĐIỆN THOẠI QUỐC GIA BẢO VỆ TRẺ EM: 111
Nguồn: Theo Luật Trẻ em 2016 (Chương VI, từ Điều 79 đến Điều 95) và Quyết định số 856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về trẻ em.

Sau một tuần học sinh học trực tiếp: Sở GD-ĐT TP.HCM chỉ đạo như thế nào?
Học sinh khối lớp 9, 12 tại TP.HCM đã trở lại trường học trực tiếp được một tuần sau gần 4 tháng học trực tuyến vì dịch Covid-19. Sở GD-ĐT đã có những lưu ý gì sau thời gian này?
Sau một tuần (từ ngày 13 - 20.12) thí điểm dạy học trực tiếp cho 2 khối lớp cuối cấp bậc THCS và THPT, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đánh giá đa số trường học đã tổ chức rất hiệu quả, đảm bảo công tác phòng chống dịch, an toàn cho học sinh và giáo viên.
Ông Dũng cho hay giáo viên phải thực hiện hoạt động dạy học trực tiếp trong tâm thế sẵn sàng chuyển đổi trạng thái theo diễn biến dịch và tham gia công tác phòng chống dịch tại trường, cùng lúc duy trì kênh hỗ trợ học sinh chưa đến trường được. Vì thế, công việc của giáo viên khá nặng nề nên cần có sự thấu hiểu của lãnh đạo nhà trường, theo ông Dũng.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cũng lưu ý nhà trường phải đảm bảo công tác giảng dạy trong trạng thái thích ứng, linh hoạt nhưng không gây áp lực cho giáo viên và phải tạo tâm lý thoải mái cho học sinh. Bên cạnh đó, theo ông Dũng, nhà trường phải thường xuyên làm công tác tư tưởng, đảm bảo tâm lý ổn định cho học sinh quay trở lại trường học trực tiếp khi trong lớp xuất hiện ca nhiễm.
Về công tác tổ chức cho học sinh học trực tiếp trong thời gian tới, ông Dũng nhấn mạnh, các trường phải chủ động trong phòng chống dịch. Trong đó, nhà trường chủ động ứng phó mọi tình huống như theo dõi, phát hiện ca nhiễm, nghi nhiễm, phối hợp với lực lượng y tế địa phương thực hiện các bước xử lý trường hợp mắc Covid-19 được ghi nhận tại lớp theo đúng quy định, hướng dẫn của ngành y tế.
Trong điều kiện thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19, ông Dũng nhấn mạnh nguyên tắc an toàn tới đâu thì nhà trường tổ chức dạy học trực tiếp phù hợp đến đó. Vì vậy, theo ông Dũng, các cơ sở giáo dục không nên rập khuôn trong việc tổ chức hoạt động giáo dục mà phải căn cứ theo cấp độ dịch của từng quận, huyện, điều kiện thực tế, đồng thời sáng tạo, chủ động sắp xếp thời khóa biểu phù hợp…
Được biết, theo lộ trình tổ chức học trực tiếp, các trường THCS, THPT thực hiện thí điểm từ ngày 13 đến hết 25.12. Sau thời gian này, Sở Y tế, Sở GD-ĐT cùng các trường tổng kết rút kinh nghiệm và tham mưu UBND TP.HCM để quyết định việc mở rộng đối tượng học trực tiếp hay tổ chức cho toàn bộ học sinh đến trường từ ngày 3.1.2022.
---------------------------------------------------------------------------------------------
Sau 4 ngày học sinh TP.HCM đi học trở lại, nay đã xuất hiện F0 trong trường học.
Theo thông tin cung cấp tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM vào chiều nay, ngày 16.12, sau 4 ngày học sinh đi học trở lại đã có trường hợp học sinh F0 phát hiện trong trường học.
Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD- ĐT TP.HCM cho biết, sau khi học sinh đi học trở lại, đã xuất hiện F0 trong trường học. Và những trường hợp này có trong tình huống dự báo mà các trường đã xây dựng trong kịch bản tổ chức học trực tiếp.
Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM Phạm Đức Hải thông tin, trong 4 ngày đi học trực tiếp của khối lớp 9 và 12, đã phát hiện 8 trường hợp F0.
Việc tổ chức học sinh đến trường, học trực tiếp xuất hiện F0 đã được các trường dự báo tình huống và xây dựng phương án xử lý, đảm bảo an toàn theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Trong đó, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM có lưu ý: Khi có ca F0, các trường phải bình tĩnh, không hoang mang. Bất cứ lúc nào cũng có thể liên hệ với Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), Sở Y tế để trao đổi… Về phía phụ huynh, thời gian này cần phối hợp tốt với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm để giáo dục học sinh ý thức phòng chống dịch, thường xuyên thông báo tình hình sức khỏe của học sinh và gia đình đến nhà trường để đảm bảo an toàn nhất cho các em”.
Còn khi các trường xuất hiện F0, F1 thì ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT có hướng dẫn: Khi có ca nhiễm, nhà trường thực hiện theo quy định của ngành y tế, không gây hoang mang, lớp có ca nghi nhiễm, nhà trường sẽ chuyển sang dạy và học trên internet. Trong thời gian này, các trường tập trung vào an toàn là chính, không đặt nặng vấn đề kiến thức. Giáo viên dạy trên lớp, quan sát và xử lý các tình huống, không gây hoang mang nếu có những ca nghi nhiễm.
Nguồn: Báo Thanh Niên

Bồi hồi ngày trở lại trường đi học sau 7 tháng học online
Háo hức, hồi hộp và cũng có những lo lắng là tâm trạng của khoảng 150.000 học sinh lớp 9, lớp 12 của TP.HCM chính thức trở lại trường vào sáng nay (13.12).
Nhanh chóng xếp hàng, đo thân nhiệt, sát khuẩn và đi chuyển vào trường, Phan Huyền Như, học sinh Trường THCS Lý Phong (Q.5) nói như hét lên vì vui mừng: "Cả đêm qua con không ngủ, gần 7 tháng rồi nay con mới gặp bạn. Con vô lớp đây. Con mong ngày này lâu lắm rồi".
Vui mừng nhưng cũng có chút lo lắng nên Trần Tuệ Bình, học sinh Trường THCS Lý Phong, chia sẻ em không thể nô đùa mà phải bình tĩnh để thực hiện 5K.
Cũng trong sáng nay, Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với Sở Y tế tổ chức gần 20 đoàn đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch khi mở cửa lại trường học.
Tại Trường THCS Lý Phong, người đứng đầu 2 Sở nói trên đã đến kiểm tra công tác tổ chức học trực tiếp của trường.
Còn tại Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM), hơn 600 học sinh lớp 9 phải thực hiện các công đoạn tầm soát sức khỏe trước khi vào khuôn viên trường. Do đó, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn, dặn dò học sinh khai báo y tế ở nhà để tránh ùn tắc ở cổng trường.
Nhờ vậy, đúng giờ quy định, học sinh đã lần lượt xếp hàng, giữ khoảng cách an toàn đi theo luồng của 4 máy đo thân nhiệt và xịt khuẩn tự động đặt tại cổng để vào Trường THCS Trần Văn Ơn.
Bà Lê Thị Thanh Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, cho biết trường bố trí giáo viên trực ở cổng để phân luồng học sinh, đồng thời xử lý các vấn đề phát sinh.
“Ngày đầu tiên đến trường, học sinh sẽ sinh hoạt nội quy, cách ứng xử với dịch bệnh khoa học, phù hợp từ 8 giờ và kéo dài khoảng 60 phút. Ngày mai, học sinh bước vào học nội dung kiến thức. Giờ học sinh vào học và ra về của các lớp được sắp xếp lệch nhau để tránh tụ tập, ùn tắc. Tất cả giáo viên, học sinh đều vào trường và ra về theo sơ đồ một chiều, đảm bảo quy định phòng chống dịch", bà Giang nói.
Tương tự, Trường THPT Trưng Vương (Q.1) hôm 10.12 đã tổ chức sinh hoạt nội quy, hướng dẫn các quy định sẽ thực hiện trong thời gian trở lại trường học như khai báo y tế bằng mã QR, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn… Do đó, hôm nay (13.12), khoảng 600 học sinh lớp 12 bước vào ngày học chính thức.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi học trở lại, bà Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, cho biết nhà trường tăng cường công tác phối hợp giữa giáo viên với phụ huynh học sinh, nâng cao trách nhiệm và vai trò kết nối của từng lực lượng trong nhà trường. Theo cô Thủy, hàng ngày học sinh sẽ học 4 tiết học trực tiếp tại trường và 4 tiết trực tuyến tại nhà. Vì vậy, nhà trường khuyến cáo và đề nghị phụ huynh chuẩn bị đồ ăn sáng ở nhà cho con em; hạn chế để học sinh mang theo thức ăn, sử dụng thức ăn trong trường; mang theo bình nước cá nhân để sử dụng…
Theo quy định của UBND TP.HCM, các trường THCS, THPT thí điểm tổ chức học tập trực tiếp cho học sinh lớp 9, lớp 12 từ ngày 13 đến hết ngày 25.12. Sau thời gian này, Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Y tế và các quận, huyện tổng kết, rút kinh nghiệm, tham mưu UBND TP xem xét, quyết định việc tiếp tục, mở rộng dần khối lớp hoặc tổ chức dạy học trực tiếp toàn TP từ ngày 3.1.
Nguồn: Báo Thanh Niên