Cùng Esearch tìm hiểu về "vận động tinh", "vận động thô" và hình thức vận động nào quan trọng hơn đối với trẻ nhỏ.
Kỹ năng này dần phát triển thông qua kinh nghiệm của trẻ, học hỏi từ người lớn và tiếp xúc với nhiều loại đồ chơi, vật liệu, thậm chí cả thực phẩm. Trẻ em thường bắt đầu có được những kỹ năng này ngay từ khi mới chỉ vài tháng tuổi và tiếp tục học các kỹ năng bổ sung suốt quá trình phát triển.
Kỹ năng vận động tinh là một trong những kỹ năng quan trọng mà trẻ cần phải thành thạo để có thể hoạt động linh hoạt nhất. Kỹ năng vận động tinh giúp trẻ có thể tự thực hiện việc chăm sóc bản thân như đánh răng, mặc quần áo...
Vận động thô là gì?
Kỹ năng vận động thô (Gross motor skills) là sự vận động những nhóm cơ lớn ở tay, chân và thân mình. Các hoạt động vận động thô bao gồm lăn, bò, trườn, xoay người, đá chân, vung tay, nhảy, kéo, đẩy, ném, trèo, đi bộ và nhiều dạng hoạt động khác nữa.
Khi vận động thô phát triển, trẻ sẽ đạt được những kỹ năng quan trọng như đi thăng bằng, nhảy, đá, ném và bắt, đọc, viết,… Vận động thô cũng giúp trẻ biết cách phối hợp và kiểm soát linh hoạt 3 kỹ năng cân bằng, sức mạnh của cơ bắp và khả năng điều khiển. Điều này sẽ xây dựng nền tảng hoàn thiện mạng lưới thần kinh não và tạo tiền đề cho việc phát triển vận động tinh tự nhiên của trẻ.
Nếu không được kích thích phát triển kỹ năng vận động thô, trẻ rất dễ rơi vào trạng thái chậm chạp, cơ thể ì trệ, chiều cao chậm tăng trưởng, sức bền giảm sút và trí lực kém do thiếu sự cân bằng giữa 2 bán cầu não.
Vận động nào quan trọng với trẻ?
Vận động tinh và vận động thô luôn có sự tác động qua lại với nhau. Vận động thô làm tiền đề để vận động tinh phát triển. Trong đó thì vận động thô quan trọng hơn vì khi trẻ gặp vấn đề khi thực hiện các hoạt động vận động tinh thì bác sĩ sẽ kiểm tra các hoạt động thô trước. Bởi vì vận động thô là trung tâm của:
1. Sự ổn định cơ thể và kiểm soát tư thế: Có thể giữ người ở tư thế thẳng và giữ nguyên một số bộ phận nhất định của cơ thể là không hề dễ dàng. Điều này bắt đầu từ khi trẻ sơ sinh giữ vị trí đầu và phát triển dần lên với các mốc về sự phát triển kỹ năng vận động thô.
2. Tăng cường sức mạnh tay: Việc bò trườn giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển kỹ năng vận động tinh bằng cách tăng cường sức mạnh ở đôi tay, kéo dài các cơ ngón tay, phát triển cơ lòng bàn tay.
3. Sức bền: Các hoạt động tại trường học như viết và các hoạt động khác là một cuộc chạy đua của kỹ năng vận động tinh. Để hoàn thành các hoạt động đó, trẻ cần đến sức bền để giữ cho các nhóm cơ lớn ổn định nhằm kéo dài thời gian hoạt động. Phát triển kỹ năng vận động thô giúp xây dựng sức bền con cần cho các hoạt động vận động tinh.
4. Sự phối hợp các bộ phận: Những trò chơi đơn giản như ném - bắt bóng là các hoạt động vận động thô giúp phát triển sự phối hợp các bộ phận, cụ thể là tay và mắt để tạo nền móng cho bé tiếp tục thành thạo được các nhiệm vụ vận động tinh.
Trẻ em phát triển các kỹ năng vận động theo độ tuổi ở các mức độ khác nhau. Kỹ năng vận động tinh là những kỹ năng mà sử dụng các cơ nhỏ điều khiển bàn tay, ngón tay giúp trẻ thực hiện được nhiều động tác khó.