Trang chủ
Tin Tức
Understanding STEM and STEM Education (Part 1)

"Giáo dục STEM thật sự không phải để biến học sinh thành nhà khoa học, kỹ sư mà là chuẩn bị cho công dân toàn cầu thế hệ mới." - khẳng định của ông Nguyễn Thành Hải, giảng viên, nghiên cứu sinh tiến sỹ ngành giáo dục khoa học, Viện Nghiên cứu giáo dục STEM, Đại học Missouri, Mỹ.

Vậy STEM, giáo dục STEM là gì?

Thuật ngữ “STEM” đang được sử dụng nhiều ở Việt Nam theo các cách hiểu rất khác nhau. Để làm rõ thuật ngữ này và giúp các nhà giáo dục, trường học có cách tiếp cận khoa học về vấn đề này, tôi xin phân tích trên góc nhìn từ các chương trình giáo dục STEM tại Mỹ – nơi khởi nguồn của ý tưởng giáo dục STEM.

STEM là chữ viết tắt của science (khoa học), technology (công nghệ), engineering (kỹ thuật) và mathematics (toán). Trong tiếng Anh, STEM thường đi kèm các từ khác. Ban đầu, thuật ngữ STEM được viết là “STEM fields” (lĩnh vực STEM). Về sau, nó đi cùng các từ khác như: “STEM education” (giáo dục STEM), “STEM workforce” (nguồn nhân lực cho STEM), “STEM careers” (các nghề trong lĩnh vực STEM)…

Nền tảng của giáo dục STEM chính là giáo dục khoa học – lĩnh vực đề xuất các chương trình giáo dục STEM hiện nay. Tại Mỹ, giáo dục khoa học được xem là ngành nghiên cứu cơ bản, nền tảng để đẩy mạnh nền khoa học từ gốc rễ là con người, thông qua việc đào tạo giáo viên dạy khoa học và xây dựng các chương trình giáo dục từ bậc mầm non đến đại học, từ gia đình đến các hoạt động giáo dục khoa học ngoài xã hội. Việt Nam chưa có ngành nghiên cứu giáo dục khoa học, chưa có đơn vị nào tham gia các diễn đàn giáo dục khoa học quốc tế.

Tổ chức uy tín nhất hiện nay về giáo dục khoa học là Hiệp hội các Giáo viên dạy khoa học Mỹ (NSTA) – nơi đề xuất khái niệm giáo dục STEM với định nghĩa như sau: “Giáo dục STEM là một cách tiếp cận liên ngành trong quá trình học, trong đó các khái niệm học thuật mang tính nguyên tắc được lồng ghép với các bài học trong thế giới thực, ở đó học sinh áp dụng các kiến thức trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán vào các bối cảnh cụ thể, giúp kết nối giữa trường học, cộng đồng, nơi làm việc và các tổ chức toàn cầu để từ đó phát triển các năng lực trong lĩnh vực STEM và khả năng cạnh tranh trong nền kinh kế mới”.

Từ định nghĩa trên, có 3 đặc điểm quan trọng về giáo dục STEM:

1. Cách tiếp cận liên ngành. Liên ngành khác với đa ngành ở sự kết nối, bổ trợ giữa các ngành. Nếu một chương trình, một trường có nhiều môn, nhiều giáo viên dạy các ngành khác nhau mà không có sự kết nối, bổ trợ thì chưa được gọi là giáo dục STEM.

2. Lồng ghép kiến thức lý thuyết với các bài học mang tính thực hành trong thế giới thực. Các chương trình giáo dục STEM yêu cầu hướng đến thực hành, vận dụng kiến thức để tạo ra sản phẩm, hoặc giải quyết các vấn đề của cuộc sống.

3. Kết nối từ trường học, cộng đồng đến các tổ chức toàn cầu.

Đây là kỷ nguyên của thế giới phẳng, cách mạng công nghiệp 4.0 – nơi tự động hóa và điều khiển từ xa thông qua các thiết bị điện tử di động kết nối Internet lên ngôi. Do vậy, quá trình giáo dục STEM không chỉ hướng đến vấn đề cụ thể của địa phương mà phải đặt trong mối liên hệ với bối cảnh kinh tế toàn cầu và các xu hướng chung của thế giới như biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo…

 

(Nguồn: Khoa học và Phát triển)