Trang chủ
Tin Tức
Thấu hiểu em bé 2 tuổi

Một em bé 2 tuổi cực kỳ thích thử thách những quy tắc vì con đã khám phá ra khả năng độc lập mới mẻ của mình. Và đặc biệt đối với các bé 2 tuổi, chúng ta phải chú ý sử dụng một ngôn ngữ khác vì con có xu hướng làm ngược lại những gì ba mẹ nói, ví dụ nếu ba mẹ nói "Đừng động lên bàn" thì bé sẽ vẫn cứ động-lên-bàn.

Vì vậy, thay vì răng đe, quát mắng khiến tâm hồn mỏng manh của đứa trẻ bị tổn thương, đồng thời, khiến bản thân nảy sinh những bực dọc vô cớ vì "bảo con không nghe", ta hãy học cách làm bạn với bé, tìm ra cách để khuyến khích con hợp tác nhưng đồng thời vẫn để con tự khám phá.




Nắm vững 7 nguyên tắc sau để làm bạn cùng con.

1. Bình tĩnh trước những hành vi không được khuyến khích

2 tuổi là giai đoạn các bé phát triển nhận thức, con học bằng cách lặp lại những hành động đã thấy, thích thú tìm hiểu phản ứng của người lớn, và con không đủ khả năng phân tích là đúng sai. Nêu nếu ta đối diện với trẻ bằng những thái độ khác thường, đặc biệt là phản đối bé, con sẽ có xu hướng tái diễn những hành động mà ta không muốn.

2. Làm con bất ngờ

Cùng lúc đó, mọi thứ bất ngờ sẽ khiến em bé 2 tuổi của bạn phấn khích, vui sướng, và đó là cách con học để trở nên hài hước. Nhưng lưu ý tránh các hành động bất ngờ "tiêu cực" như la mắng, quát hét... lý do như đã đề cập phía trên. Trò chơi ú oà, là một trong những cách đơn giản lấy được nụ cười của bé.

3. Cho con biết con có thể làm gì

Hãy quên đi cụm từ "con không được" thay vào đó là "con có thể thử...." để giúp con điều chỉnh hành vi thay vì cố gắng bắt con dừng việc con đang làm.

Ví dụ hãy nói "con có thể thử đi bộ chậm" thay vì "con đừng chạy"; hãy nói "con có thể nói nhỏ lại" thay vì "con không được hét to".

4. Giao việc cho con

Hãy khai thác khả năng tự chủ mới mẻ của con bằng cách cho con được tự làm việc. Bạn có thể nhờ con phụ dọn dẹp đồ chơi, tự chọn quần áo, tự chọn thú bông yêu thích hoặc đặt ra câu hỏi để nhờ con tìm kiếm một món đồ nào đó. Trẻ em đều rất hồn nhiên muốn được góp một tay - và khi bạn cho phép điều đó thay vì cấm cản, con sẽ có xu hướng tự nguyện làm việc nhà hơn khi lớn lên. Hãy hướng dẫn thật cụ thể cho bé và làm cùng bé để mang lại hiệu quả tốt nhé.

5. Chia nhỏ những đầu việc lớn

Để dạy cho con cách tự mang giày, hãy hướng dẫn từng bước từ việc để con chọn đôi giày con thích - lấy giày lại đúng vị trí - chỉ cho bé cách xỏ 1 bên giày - để bé tự mang bên còn lại, chỉ hỗ trợ khi bé cần. Đừng quên khuyến khích và khen ngợi trong suốt quá trình đó nhé!

6. Đặt tên và nhận thức cảm xúc của con

Trẻ 2 tuổi không thể hiểu cảm xúc mà chúng đang có là gì, chúng chỉ bộc lộ một cách bản năng, không phân rõ đúng sai. Vì vậy, ba mẹ phải giúp con đặt tên và cho nhận xét, việc nhận biết, hiểu cảm xúc của bản thân sẽ giúp con điều chỉnh hành vi sau đó. Tuy nhiên, như đã đề cập, ba mẹ phải bình tĩnh để nói rõ với con cảm xúc mà con đang mang là gì, đúng vì sao và sai tại sao, ví dụ: con có thể giận dỗi vì ba mẹ không cho con ăn kẹo nhưng thật không đúng nếu con đánh người khác khi giận. Không nên bộc lộ những phản ứng quát mắng, la hét sẽ tạo phản ứng ngược ở trẻ.

7. Thông báo cho con về những việc sắp xảy ra

Thông báo trước để bé có thời gian chuẩn bị tâm lý và ba mẹ cũng sẽ dễ nắm bắt được phản ứng của con để điều chỉnh ứng xử phù hợp. Ví dụ trước khi rời khỏi khu vui chơi (15 phút), ba mẹ sẽ nói rõ với con lịch trình di chuyển tiếp theo là về nhà bằng phương tiện gì và con nên tạm biệt bạn bè khi nào... Khi còn nhỏ có thể bé sẽ ít phản kháng, nhưng từ 3 tuổi trở lên việc này sẽ cho bé cảm giác tự nguyện, tránh làm bé "ngộp" và phản ứng quá khích.

Hãy dạy con cách dùng đồng hồ, để không chỉ để con nhận biết thời gian mà còn để thống nhất các cột mốc trong ngày.

Cột mốc 2 tuổi - có thể xem là côt mốc khủng hoảng đầu tiên của bé, khi con dần được tiếp xúc với những điều mới mẻ, thời điểm này hẳn cũng là giai đoạn khó khăn của ba mẹ, nhưng nếu hiểu bé và biết cách điểu chỉnh tâm lý thì sẽ không còn quá gian nan nữa đâu ba mẹ ạ.

 

Đội ngũ Esearch