“Thông minh giả” là sự lanh lẹ, mánh khóe, mẹo vặt nhất thời. Không thể hiện ở chiều sâu hiểu biết, tư duy, về lâu dài không đem lại nền tảng tốt cho bé. Hay từ dân gian còn gọi là “Khôn lõi”
Dấu hiệu Thông minh giả - Khôn lõi:
- Bé luôn mánh khóe để được nghỉ học, được đi chơi
- Lí sự cùn để không bị phạt, bao biện cho lỗi lầm. Đùn đẩy để tránh trách nhiệm
- Đề cao lợi ích của mình như khư khư giữ đồ chơi, nhưng tìm mọi cách để chơi đồ, ăn bim bim của bạn, ăn hiếp những bạn yếu kém hơn mình.
- Lấy lòng, nịnh nọt những bạn, cô, chú đem lại lợi ích cho mình
- Luôn cho mình là đúng. Tỏ ra hiểu biết.
Ba mẹ thường cười xòa vì những hành động này của bé, cảm thán sao mới bé tí mà nó khôn thế nhỉ. Thậm chí còn tự hào, kể vui cho mọi người nghe về những hành động đó của con. Đâm ra bé cho đó là hay, là được mọi người công nhận, nên sẽ không điều chỉnh lại được hành vi. Càng lớn, bé sẽ càng mánh khóe hơn.
Với kinh nghiệm sống của chúng ta, khôn lanh một chút thì mới ko bị người khác qua mặt, lừa lọc. Nên cũng không muốn con mình quá khờ, thường dặn dò con đừng hiền quá, phải thế này, thế kia….
Nhưng 20 năm nữa, khi con lớn lên, đã là một thời đại khác. Xã hội đang dần coi trọng sự trung thực, đề cao tinh thần tập thể, đôi bên cùng có lợi, coi trọng lợi ích đồng đội. Những sự tính toán, luồn lách chỉ đem lại sự bất lợi, khó hòa nhập, khiến con không được đối tác tín trọng.
Khôn lỏi không phải là sự thể hiện của người thông thái, tài ba. Khôn lỏi có thể giúp con đi được nhanh. Nhưng thành đạt và hạnh phúc bền lâu chỉ dành cho những người thông minh và thật sự chân thành.
Vậy đâu mới là biểu hiện thông minh thật sự ở trẻ:
- Đặt rất nhiều câu hỏi để làm sáng tỏ vấn đề
- Hay tưởng tượng phong phú
- Biết cách bảo vệ bản thân để không bị ăn hiếp
- Biết khen ngợi, ngưỡng mộ người khác thật lòng
- Không ngại ngùng hỏi lại nếu chưa hiểu, không giấu dốt
Khắc phục các trường hợp "khôn lõi" của con
- Khi con lý sự cùn, đùn đẩy trách nhiệm.
Ba mẹ cố gắng nhịn cười, hỏi xác nhận lại sự việc, và phớt lờ các lý do và cái cớ mà con đưa ra. Chẳng hạn “có phải ý con là con bị vấp té nên làm đổ tô cơm phải không, nào đưa chân mẹ xem..” và phớt lờ đi việc con nói tại cái ghế vướng đường, tại con muốn đi nhanh tới chỗ mẹ…
Về sau khi có mặt con, cũng không đem chuyện này ra kể vui cho mọi người nghe, làm con lầm tưởng điều đó là hay.
- Khi con ích kỷ không muốn chia sẻ, nhưng lại luôn tìm cách xài đồ của bạn bè.
Hãy hỏi con, nếu con bị đối xử như vậy, con sẽ buồn chứ? Nếu bé tự tin trả lời: “con không bao giờ bị vậy cả, chỉ có bạn đó ngốc mới bị thôi”.
Bạn hãy tỏ vẻ ngạc nhiên: “Ồ, ra vậy, mẹ thì hay chia sẻ đồ ăn với các cô chú khác lắm, nhưng cô chú không nghỉ mẹ ngốc, mà cho ngược lại mẹ. Nếu cô chú nghỉ mẹ ngốc, thì mẹ sẽ rất buồn, và sẽ ước rằng đừng ai đối xử với mẹ như vậy” – Đừng phê phán bé, hãy để bé tự cảm nhận việc làm của mình bằng một câu chuyện tương tự.
- Khi thấy con lấy lòng, nịnh những người mang lại lợi ích cho con.
Hãy hỏi con: “Con rất thích bạn ấy à, kể mẹ nghe về bạn ấy đi”.
Sau khi con kể xong “Ồ, nghe có vẻ bạn ấy rất hay cho con quà vặt. Thế con có cho bạn ấy món gì của con chưa?”.
Có thể bé sẽ nói: “Không, con không có gì để cho, mà bạn ấy cũng không cần”. Lúc này hãy giảng giải với con: “con rất nhiều tài vặt, như biết vẽ, biết đàn, biết kể chuyện,.. hãy dạy bạn cùng biết thay vì chỉ khen bạn, lời khen nghe xong là biến mất. Con đâu thua kém gì bạn, không cần xin bạn điều gì, đúng không con?”
- Đối phó với các mánh khóe của bé.
Vd bé không muốn ngủ trưa nên tới giờ thì quấn lấy ông bà, bảo con thương, con muốn chơi với ông bà. Hoặc giả bệnh để khỏi đi học. Ca này thì đừng vội lật tẩy bé, bé cảm thấy xấu hổ, sẽ càng cứng đầu tỏ ra oan ức thì khó trị hơn.
Hãy hỏi lại “Con rất thích đi học nhưng vì đau bụng mà con không đi được thôi phải ko?” – Tất nhiên bé sẽ Dạ – “Nếu thích như vậy thì sau khi con khỏe, mẹ sẽ chở con lên nhà cô giáo học lại bài hôm nay bù vô nhé. Mỗi ngày cũng sẽ đăng kí cho con học thêm ở nhà cô”.
Lúc này bé sẽ mếu mó không biết làm sao, bạn hãy gợi ý bé nói thật “Nếu con không muốn đi học, con cứ nói với mẹ nhé. Mẹ và con sẽ cùng thương lượng. Có thể con sẽ ở nhà tự học 1 hôm thay vì đến lớp, con nhé. Nếu đau bụng rồi thì phải nằm mãi trên giường, cũng không được chơi đồ chơi rồi”…
Không ai hiểu con bằng bạn, mỗi tình huống, bạn hãy cân nhắc thật kĩ để ứng phó phù hợp với tính cách của con, tránh làm con sượng sùng, xấu hổ. Hãy để con tự nhận ra bài học ba mẹ nhé.