Tự kỷ là gì?
Tự kỷ hay còn gọi là rối loạn phổ tự kỷ. Là một dạng rối loạn tâm thần thuộc loại phát triển thần kinh và thường có biểu hiện từ rất sớm, khoảng 75% trẻ có biểu hiện trước 3 tuổi.
Bởi vì xuất hiện từ sớm nên dễ tác động lâu dài đến trẻ nếu như không có những can thiệp kịp thời từ người thân. Trẻ mắc chứng tự kỷ thường khó thiết lập các mối quan hệ xã hội, khả năng giao tiếp kém, v.v. do đó các bậc phụ huynh cần chú ý quan sát các biểu hiện của bé ngay từ những năm tháng đầu đời để cùng con vượt qua và giảm thiểu đáng kể những ảnh hưởng sau này.
Biểu hiện của trẻ mắc tự kỷ
Trẻ mắc chứng tự kỷ không chỉ biểu hiện qua hành vi mà còn cả qua phương diện cảm xúc và ngôn ngữ:
Biểu hiện qua cảm xúc:
Trẻ không có sự giao tiếp bằng mắt với bố mẹ hoặc người đối diện, thường lơ đễnh.
Trẻ không bày tỏ yêu thương với người thân, không biểu hiện cảm xúc vui mừng khi bố mẹ đi đâu về.
Biểu hiện qua ngôn ngữ:
Trẻ thường nói những âm đơn hoặc không có ngữ điệu, hay nhại lời người khác và thường nói lẩm bẩm một mình, đôi khi lặp đi lặp lại những âm thanh vô nghĩa.
Trẻ không biết bắt chước người lớn để làm cũng như nói theo.
Khi có nhu cầu gì trẻ không biết diễn đạt làm cho người lớn hiểu mình cần gì, phải gợi ý hướng dẫn nhiều lần trẻ mới có thể làm theo được.
Biểu hiện qua hành vi:
Cử động tay chân lặp lại hoặc rập khuôn
Thích chơi với một thứ.
Quan tâm đến chi tiết của đồ chơi hơn là cách sử dụng đồ chơi thế nào.
Thích hoạt động và chơi với đồ dùng trong nhà quá mức.
Trẻ thích đu đưa thân mình, hoạt động chân tay quá mức, hay thích đi trên đầu ngón chân.
Trẻ tự kỷ rất ghét sự thay đổi và sẽ có phản ứng giận dữ hay rất hoảng sợ khi đồ đạc trong nhà thay đổi hoặc khi mẹ thay đổi kiểu tóc v.v.
Đối với những kích thích từ môi trường bên ngoài, trẻ tự kỷ có khi đáp ứng quá mức hoặc kém đáp ứng. Trẻ có thể cảm thấy thú vị với những âm thanh nhỏ tự tạo ra như gõ vào đồ vật bên tai, gãi nhưng lại lờ đi những lời nói của cha mẹ v.v.
Trẻ không biết sợ hãi khi gặp nguy hiểm, có thể tự gây thương tích cho mình như cào cấu, nhổ tóc, đánh vào đầu v.v.
Trẻ có thể không ngủ vào ban đêm nhưng ban ngày vẫn tràn đầy năng lượng.
Trẻ có thể có những rối loạn vận động như chậm đi do giảm trương lực cơ, cử động bất thường, đập đầu, nhăn nhó mặt, xua tay v.v.
Mặc dù hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị hoàn toàn chứng tự kỷ ở trẻ nhưng việc phát hiện kịp thời nguy cơ mắc rối loạn phổ tự kỷ sẽ giúp trẻ hòa nhập với xã hội tốt hơn.
Nguồn: Esearch tổng hợp