Cha mẹ thường có nỗi lo lắng rằng nếu cho con tiêu tiền quá sớm sẽ khiến trẻ học thói xấu, tiêu hoang, lãng phí,… Tuy nhiên nếu cha mẹ kiểm soát chi tiêu của bé quá lâu thì liệu khi lớn, bé có đủ khả năng kiểm soát tiền của bản thân hay không? Thay vì vậy hãy dạy cho trẻ cách chi tiêu hợp lí và tạo cho bé năng lực quản lí tài chính, một trong những kĩ năng quan trọng khi trưởng thành. Hôm nay Esearch sẽ chia sẻ đến quý phụ huynh một vài “tips” để giúp con tự lập trong chi tiêu.
1. Hãy giải thích với trẻ tiền có từ đâu
Cha mẹ hãy lựa lời nói cho con nghe, tiền không phải tự nhiên mà có mà là thành quả làm việc chăm chỉ, giúp con hiểu được mối quan hệ giữa tiền bạc và công việc.
2. Cùng con phân biệt mua sắm theo “nhu cầu” và “mong muốn”
Cần giúp con phân biệt rõ giữa những thứ mình “cần” và thứ mình “muốn”. Cha mẹ có thể cùng con phân loại nhóm “cần” là đồ ăn, nước uống, vật dụng sinh hoạt, và những thứ mình “muốn” như que kem, kẹo, bánh,.. khi đi mua sắm. Ví dụ mẹ có thể hỏi: “Con à bây giờ mẹ có những món này nhé: rau củ, gạo, trứng, sữa, dầu gội đầu, kem, kẹo, cá,… thì theo con ta nên ưu tiên mua món nào trước” . Sau đó mẹ giải thích món nào cần cho gia đình sinh hoạt, cho bữa ăn,.. thì ta nên ưu tiên hơn. Còn bánh kẹo thì có thì tốt, không có cũng không sao. Vậy thì lần sau khi hỏi lại bé sẽ tự nhớ rằng món nào ta nên mua trước, món nào cần thiết hơn.
3. Dạy trẻ 3 quy tắc quan trọng là Chi tiêu, Tiết kiệm, Chia sẻ
Nên hướng dẫn trẻ chi tiêu bằng tiền của mình, không dựa dẫm vào người khác, mua những thứ thực sự cần thiết. Ví dụ như dịp Tết, thường các bé sẽ được lì xì, cha mẹ nên để con sử dụng khoản tiền này để mua những thứ con cần thiết, hoặc mách nhỏ với con rằng nên tiết kiệm để đạt mục tiêu cho thứ lớn hơn chẳng hạn mua đồ chơi mắc tiền, hoặc du lịch,..Cuối cùng là chia sẻ đến những hoàn cảnh khó khăn hoặc tặng quà cho người khác.
4. Danh sách chi tiêu
Ba mẹ có thể dạy trẻ cách lập một kế hoạch chi tiêu cho từng tuần, tháng, năm. Cụ thể lập danh sách những thứ cần thiết mua, rồi đến những thứ muốn mua, và muốn mua được thì cần phải tiết kiệm,… Như vậy trẻ sẽ dễ dàng nắm rõ mục tiêu chi tiêu của mình, tạo thói quen chi tiêu hợp lí sau này.
Vậy nếu trẻ tiêu hết tiền thì sao? Ba mẹ không nên lo lắng, vì sẽ tốt hơn nếu trẻ tự học hỏi từ chính sai lầm của mình, nếu trẻ tiêu hết một lúc vào bánh kẹo hoặc đồ chơi, ta sẽ mang ra kế hoạch chi tiêu và chi ra những sai lầm từ đó hướng trẻ tránh khỏi sai lầm đó.
Đừng kiểm soát trẻ mà hãy đồng hành cùng trẻ trên con đường tự lập chi tiêu của mình.
Nguồn: Prudential