Việc cho bé tự xúc ăn bằng dụng cụ ăn dặm sẽ giúp hình thành thói quen tốt. Bên cạnh đó, càng giúp bé tự ăn sớm, mẹ càng đỡ mất thời gian và tinh thần thấy thoải mái hơn. Muốn vậy, mẹ cần có cách tập cho bé tự xúc ăn hiệu quả.
Thời điểm nào nên bắt đầu dạy con tự xúc ăn
Dạy trẻ tự xúc ăn là phương pháp giúp con phát triển hành vi từ thuở nhỏ; hơn thế nữa, điều này còn hỗ trợ bé hình thành thói quen tự giác. Nhiều cha mẹ thường nghĩ con sẽ tự biết xúc ăn khi lớn lên. Nhưng thực tế bé cần một khoảng thời gian dài để thành thạo kỹ năng quan trọng trong cuộc sống này.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ từ 10 đến 18 tháng tuổi là thời điểm thích hợp nhất để bé tự giác trong việc ăn uống. Vào khoảng 6 tháng tuổi, trẻ đã có khả năng tự cầm nắm đồ chơi, đây cũng là lúc bé bước vào thời kỳ ăn dặm. Sau 10 tháng tuổi, bé có thể ăn các loại thực phẩm mềm và nhỏ; ngoài ra, bé cũng có thể tự cầm nắm thìa, xúc thức ăn một cách dễ dàng.
Mẹ nên tận dụng thời gian này chứ đừng để khi con quá 2 tuổi – lúc này trẻ đã có nhận thức về hành động. Việc cha mẹ vẫn bón cho trẻ khiến con trở nên phụ thuộc và ngại ngần khi tự mình vận động.
Các bước cha mẹ dạy con tự xúc ăn
Bước 1: Chuẩn bị cho bé dụng cụ ăn uống riêng
Bước quan trọng đầu tiên là cha mẹ nên lựa chọn cho trẻ bộ ăn uống phù hợp: loại muỗng có tay cầm ngắn và cong để bé dễ dàng đưa vào miệng; đối với bát, cha mẹ nên chọn bát rộng vành và có trọng lượng chia theo vạch để dễ dàng đo lường. Hơn nữa, trẻ con dễ bị thu hút với những đồ vật bắt mắt, phụ huynh chọn dụng cụ ăn uống màu sắc sẽ giúp bé thấy thú vị khi cầm vào chén bát hơn.
Bước 2: Chuẩn bị món ăn đẹp mắt
Một trong những khiến trẻ thích thú với việc ăn uống đó là đồ ăn được trang trí bắt mắt. Mẹ có thể cắt tỉa rau củ thành hình thù dễ thương hoặc sắp xếp đồ ăn thật sinh động. Điều này kích thích sự tò mò trong trẻ và chủ động tự xúc ăn.
Bước 3: Làm mẫu để hướng dẫn trẻ tự xúc ăn
Trẻ con thường có hành vi bắt chước theo hành động người lớn, vậy nên cha mẹ có thể cầm một chiếc muỗng nhỏ để mô phỏng việc xúc thức ăn. Việc nhìn thấy mỗi ngày hành động lặp lại này sẽ lưu giữ trong tâm trí và não bộ của trẻ, từ đó bé có thể học làm theo. Phụ huynh cũng đừng quên hướng dẫn trẻ đưa thức ăn vào miệng rồi nhai thật thật kỹ, từ tốn. Trong khi hướng dẫn, cha mẹ cũng có thể kể cho con nghe những câu chuyện nhỏ về thói quen ăn uống để con dần hiểu tầm quan trọng của việc ăn uống đúng cách.
Bước 4: Tạo một không khí vui vẻ, náo nhiệt khi trẻ ăn
Yếu tố môi trường ảnh hưởng không nhỏ đến tâm trạng của con trẻ. Để việc dạy dỗ bé ăn suôn sẻ, cha mẹ nên tạo một không gian náo nhiệt, thoải mái bằng cách bật nhạc mà bé thích.
Dạy con cầm muỗng xúc ăn là hành trình gian nan và cần một khoảng thời gian. Đôi lúc cha mẹ sẽ thấy mệt mỏi vì bé quấy khóc, nghịch ngợm hoặc không chịu ăn. Điều duy nhất cha mẹ hãy làm đó là kiên nhẫn, không nên sốt ruột mà chịu khó hướng dẫn bé tự xúc ăn hàng ngày. Ngoài ra, bố mẹ hãy dành cho con những lời động viên, lời khen cho sự nỗ lực tự ăn của con.