Đối với ba mẹ, 12 tháng đầu đời của trẻ hẳn là giai đoạn khó khăn nhất. Đây là giai đoạn cần bổ sung nhiều chất dinh dưỡng ở trẻ, nhưng hệ tiêu hóa vẫn chưa phát triển hoàn thiện. Trong quá trình cho con ăn dặm, có một số sai lầm mà các bậc phụ huynh thường mắc phải, rất dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và thói quen ăn uống của trẻ sau này. Cùng tìm hiểu xem đó là những sai lầm gì nhé.
1. Cho trẻ ăn dặm quá sớm hoặc quá trễ
Khi cho con ăn dặm quá sớm, hệ tiêu hóa của trẻ chưa đủ phát triển để tiêu hóa các thức ăn dạng đặc như bột, cháo, dẫn đến tiêu chảy và suy dinh dưỡng. Trường hợp ngược lại nếu phụ huynh cho con ăn dặm quá trễ, lúc này trẻ cần nhiều dinh dưỡng hơn, trong khi sữa mẹ không đủ dinh dưỡng cần thiết để bổ sung, dễ dẫn đến tình trạng trẻ bị thiếu máu, thiếu kẽm và các chất dinh dưỡng khác.
Hầu hết các chuyên gia đều khuyên rằng, 6 tháng là thời điểm tốt nhất để ba mẹ tập cho con mình ăn dặm. Thời điểm này, hệ tiêu hóa của trẻ đã phát triển đến một mức nhất định, có thể tiêu thụ các thức ăn dạng đặc. Từ 6 tháng trở đi, trẻ cũng cần nhiều dưỡng chất hơn, tuy nhiên, có một số dưỡng chất không có trong sữa mẹ nên cần bổ sung bằng các loại thực phẩm nhiều dinh dưỡng khác.
2. Cho trẻ ăn quá nhanh hoặc quá chậm
Ngoài thời điểm bắt đầu ăn dặm thì tốc độ ăn của con trẻ cũng là một yếu tố cực kỳ quan trọng mà ba mẹ thường không để ý đến.
Khi bắt đầu chuyển thức ăn từ dạng lỏng của sữa mẹ sang dạng đặc của bột, cháo, trẻ cần thời gian để thích nghi với điều này nên không tránh được việc chậm ăn. Ba mẹ không nên thúc ép con ăn quá nhanh vì dễ khiến hình thành tâm lý sợ ăn, từ đó sẽ khó tiếp nhận đồ ăn hơn nữa.
Trái ngược lại với trường hợp trên, một số phụ huynh lại cho con ăn quá chậm khiến thức ăn không còn đảm bảo được độ dinh dưỡng. Ngoài ra, việc chiều theo tốc độ ăn này có thể dẫn đến tình trạng biếng ăn lâu dài ở trẻ.
Một bữa ăn dặm tốt nhất nên kéo dài không quá 30 phút.
3. Cho trẻ ăn quá nhiều hoặc quá ít
Vào thời gian đầu tập cho con ăn dặm, ba mẹ thường có xu hướng cho ăn thật nhiều vì nghĩ “mau ăn” thì sẽ “chóng lớn”. Đây là một sai lầm hết sức phổ biến ở các bậc phụ huynh. Việc ăn nhiều quá mức sẽ khiến hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động hết công suất, dễ dẫn đến nôn mửa hoặc tệ hơn là gây ra các bệnh lý về hệ tiêu hóa sau này.
Khẩu phần ăn cần được tăng dần theo thời gian. Khi trẻ hơn 06 tháng tuổi, dinh dưỡng từ sữa mẹ không còn đáp ứng đủ nhu cầu của con. Lúc này khẩu phần ăn dặm cần được bổ sung nhiều hơn về cả khối lượng lẫn dưỡng chất. Việc ăn dặm quá ít khiến trẻ bị thiếu dưỡng chất và nhanh đói hơn.
4. Sử dụng gia vị như khẩu phần ăn của người lớn
Hầu hết các bậc phụ huynh đều biết, đối với thức ăn của trẻ dưới 01 tuổi, việc cho thêm các gia vị như muối, đường, bột ngọt (mì chính) là hoàn toàn không nên. Đây là các loại gia vị dễ dàng gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa cũng như sự phát triển toàn diện của con trẻ. Cụ thể:
- Muối: Gây ảnh hưởng đến chức năng của thận.
- Bột ngọt (mì chính): Gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
- Đường: Có hại cho não bộ, gây béo phì, hình thành thói quen ăn uống kém lành mạnh.
Tuy nhiên, trẻ cần sớm được làm quen với các mùi vị của thức ăn để tránh tình trạng kén ăn khi lớn lên. Chính vì vậy, gia vị trong khẩu phần ăn dặm nên được thay thế bởi những thảo mộc thiên nhiên như hành lá, tỏi, húng quế, rau mùi,... Ngoài ra, thêm một chút dầu ăn vào khẩu phần ăn sẽ giúp dễ hấp thụ các loại vitamin cần thiết trong bữa ăn.
Một lưu ý hết sức quan trọng nữa là vị giác của trẻ tốt hơn nhiều so với người lớn. Những món ăn vẫn nên được thêm gia vị thảo mộc tự nhiên nhưng chỉ cần một lượng ít để tránh gây khó chịu cho vị giác cũng như hệ tiêu hóa của trẻ.
5. Đánh lạc hướng trẻ khi ăn
Để nhận biết và thưởng thức một bữa ăn ngon miệng, trẻ cần tập trung vào ăn uống thay những thứ như tivi, điện thoại, ipad,... hay những việc diễn ra xung quanh mình. Khi tập trung vào bữa ăn, con sẽ có thời gian để học cách nhận biết các mùi vị, các thành phần món ăn dưới sự chỉ dẫn của ba mẹ. Thêm vào đó, có thể nhận ra con đã ăn no hay chưa, tránh việc đút ăn vô tội vạ dẫn đến khẩu phần ăn nhiều quá mức.
Trên đây là 5 sai lầm mà ba mẹ thường gặp khi con đến tuổi ăn dặm. Hãy lưu ý để tránh ảnh hưởng đến quá trình ăn dặm cũng như sự phát triển toàn diện của bé ba mẹ nha!