Tự kỷ được cho là rối loạn phát triển thần kinh do có một số gen bất thường. Ở Việt Nam, hiện chưa có số liệu thống kê chính xác tỉ lệ tự kỷ trong cộng đồng. Tuy nhiên, theo ghi nhận thì số lượng trẻ có hội chứng tự kỷ ngày càng tăng cao.
Vì sao khó chẩn đoán được trẻ đang mắc chứng tự kỷ từ sớm?
Khó chẩn đoán được trẻ đang mắc chứng tự kỷ từ sớm xuất phát từ nhiều nguyên nhân sau:
- Tự kỷ là một chứng rối loạn phát triển bẩm sinh, tức là nó đã luôn tồn tại từ khi trẻ mới sinh ra. Trên thực tế, một số trẻ sơ sinh khoảng 6 tháng tuổi đã có thể có một số dấu hiệu của chứng tự kỷ, nhưng lại chưa đủ khả năng nói và diễn đạt, bởi phạm vi hành vi thể hiện được còn hạn chế.
- Điều này khiến không ít bậc phụ huynh khó phát hiện ra dấu hiệu tự kỷ ở bé. Hơn nữa, không có đủ cơ sở để chẩn đoán, phương pháp kiểm tra hiệu quả các loại hành vi và tình trạng phát triển của người tự kỷ. Vì vậy, tự kỷ thường được phát hiện nhiều nhất vào năm thứ hai sau khi sinh.
- Phần lớn trẻ tự kỷ cũng có vấn đề về trí tuệ, nhiều bậc cha mẹ lầm tưởng đó là dấu hiệu của thiểu năng trí tuệ.
- Phần lớn trẻ tự kỷ có biểu hiện giống như trẻ bình thường trong giai đoạn đầu, các triệu chứng cũng không biểu hiện rõ ràng cho đến khi trẻ được 2-3 tuổi.
- Một trong những vấn đề chính của chứng tự kỷ là phát triển ngôn ngữ. Đối với những trẻ dưới 3 tuổi, vấn đề phát triển ngôn ngữ vẫn không thể xác định rõ ràng.
- Một số phụ huynh thiếu kiến thức về sự phát triển thể chất và tinh thần của con em mình.
- Hiện nay, nhiều bác sĩ bệnh viện thiếu kiến thức về chẩn đoán tự kỷ và thiếu kinh nghiệm lâm sàng, đặc biệt là khó xác định các triệu chứng nhẹ của tự kỷ khi còn nhỏ.
Làm thế nào để đối mặt với chứng tự kỷ của con?
- Khi phát hiện trẻ bị mắc chứng tự kỷ, cha mẹ nên nhận thức được rằng tự kỷ là một hội chứng, không phải là bệnh, không lây lan từ người này sang người khác.
- Nếu trẻ tự kỷ ở mức độ nhẹ được phát hiện sớm là điều có ý nghĩa quan trọng cho việc trị liệu trẻ mắc chứng tự kỷ, vì khi được phát hiện và can thiệp sớm, trẻ sẽ được trợ giúp để phát triển ngay từ đầu các kỹ năng ngôn ngữ, xã hội, nhận thức.
Vậy nên, khi phát hiện con mắc chứng tự kỷ, cha mẹ có thể làm những điều sau:
- Chấp nhận thực tế, cha mẹ cần tỉnh táo đối mặt với vấn đề trước thì mới giúp con tự tin hơn.
- Tìm hiểu kiến thức về trẻ tự kỷ
- Cải thiện các triệu chứng của trẻ bằng giáo dục hành vi giao tiếp bằng ngôn ngữ
- Tìm ra điểm mạnh của con và giúp con phát huy chúng
- Tăng cường mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái giúp trẻ tự kỷ cảm nhận được sự yêu thương.
Độ tuổi có thể nhận biết được trẻ mắc chứng tự kỷ
Mặc dù việc chẩn đoán xác định được thực hiện từ 3 tuổi trở lên nhưng cha mẹ cũng có thể nhận ra ngay từ khi bé 6 tháng tuổi. Các dấu hiệu cho thấy bé có khả năng bị tự kỷ được các chuyên gia lọc ra như sau:
- Bé không cười khi đã qua 6 tháng tuổi.
- Bé không nói bập bẹ, chỉ trỏ hoặc không sử dụng các cử chỉ khác khi đã qua 12 tháng tuổi.
- Bé không nói được các cụm 2 từ mặc dù đã qua 24 tháng.
- Bé không thích được tiếp xúc thân thể nên hầu như tránh xa việc cha mẹ hoặc người lớn chăm sóc.
- Bé tránh giao tiếp bằng mắt với người khác.
- Bé dường như không để ý, không quan tâm đến việc có người đến hoặc đi.
Nếu cha mẹ quan sát được những dấu hiệu nghi ngờ tự kỷ của con trên nên đưa trẻ đi thăm khám kịp thời và lên kế hoạch can thiệp phù hợp.