Trang chủ
Tin Tức
DINH DƯỠNG HỢP LÝ - CHÌA KHÓA VÀNG CHO SỰ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN CỦA TRẺ

Ba mẹ biết không ở mỗi độ tuổi trẻ cần cung cấp những dinh dưỡng khác nhau cho sự phát triển của cơ thể. Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ cung cấp đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể trẻ hoạt động, tăng trưởng và phát triển một cách khỏe mạnh. Vì thế, cần xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ mầm non, cũng là nền tảng vững chắc cho sự phát triển cân đối, toàn diện về thể chất và trí não của trẻ sau này. 

Do đó, ba mẹ cần xây dựng thực đơn cho trẻ đúng cách để không phải gặp những vấn đề dinh dưỡng ở độ tuổi phát triển. 

Nguyên tắc xây dựng thực đơn cho trẻ

Chế độ dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, trí não và thói quen ăn uống về sau của trẻ. Do đó, bố mẹ cần chú ý một số nguyên tắc sau:

  • Đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho trẻ mỗi ngày, cân đối các nhóm chất cơ bản: chất bột đường (glucid), chất đạm (protein), chất béo (lipid), các loại vitamin, chất xơ và khoáng chất.

  • Thực đơn đa dạng, phong phú mỗi ngày cho trẻ thay đổi khẩu vị. Để làm được điều này, bố mẹ có thể thay thế các thực phẩm trong cùng một tầng (trong tháp dinh dưỡng cho trẻ 3 – 5 tuổi) cho nhau. Tuy nhiên, cần chú ý là thực phẩm ở tầng này không thể thay thế cho thực phẩm ở tầng khác.

  • Cần xây dựng thực đơn theo mùa, phù hợp với sở thích của trẻ. Các loại thực phẩm tiêu biểu mùa nào nên sử dụng cho mùa đó, hạn chế sử dụng trái mùa.

  • Lựa chọn thực phẩm xanh, sạch trước khi chế biến. Các loại thịt cá, rau củ phải đảm bảo tươi sống, không bị ôi thiu, để quá hạn và không chứa các loại hóa chất gây hại cho sức khỏe của trẻ.

Những nhóm chất cần thiết trong mỗi bữa ăn của trẻ


Chất đường bột: cung cấp năng lượng chính cho cơ thể trẻ, giúp trẻ hoạt động vui chơi và học tập.

Chất đạm: hình thành và phát triển cơ bắp, các mô, tế bào và tạo ra các enzym, hormon quan trọng cho cơ thể.

Chất béo: Cung cấp năng lượng, giúp hấp thu các vitamin tan trong dầu, hỗ trợ phát triển trí não và thị giác.

Vitamin và chất khoáng: đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng khác nhau của cơ thể như tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ hệ tiêu hóa, phát triển hệ thần kinh,...


Những thực phẩm trẻ “nên” và “không nên” ăn

Mầm non là độ tuổi trên đà phát triển nhanh cả trí não lẫn thể chất, bố mẹ cần hết sức lưu ý trong việc lựa chọn thực phẩm dành cho con. Một số thực phẩm có lợi trẻ mà bố mẹ nên khuyến khích con ăn gồm:

  • Sữa và các chế phẩm từ sữa: 4 đơn vị sữa/ngày (sữa nước, phô mai, sữa chua…) để bổ sung canxi và các vi chất cho con.

  • Rau xanh, trái cây để trẻ có đủ vitamin và các loại khoáng chất. Phần lớn trẻ thường lười ăn rau nên bố mẹ có thể linh hoạt chế biến bằng nhiều cách như nấu canh, trộn salad, xay nước ép, trộn sữa chua…

  • Chất béo có lợi (chất béo không bão hòa) trong dầu thực vật, bơ, phô mai… để trẻ phát triển trí não toàn diện.

Bên cạnh đó, trẻ cần hạn chế nhiều món ăn không tốt cho sức khỏe và sự phát triển:

  • Đồ ngọt và thực phẩm nhiều đường vì dễ khiến trẻ tăng cân và bị hư răng.

  • Các loại thức ăn nhanh, đồ chiên rán nếu lạm dụng nhiều sẽ khiến trẻ bị thừa cân.

  • Các món cứng, quá rắn như hoa quả ngô, hạt, bánh kẹo cứng… vì sẽ ảnh hưởng đến răng của trẻ.

Một số lưu ý khi bổ sung dinh dưỡng cho trẻ

Ngoài việc đảm bảo cung cấp đầy đủ, ba mẹ cần lưu ý những vi chất cần thiết như Vitamin A, C, D, Sắt,... Nếu thiếu các nhóm vi chất này, trẻ sẽ gặp phải những triệu chứng sau:

  • Thiếu vitamin A (có nhiều trong cà rốt, đu đủ, bông cải xanh, cà chua, bí đỏ…): Trẻ dễ bị khô mắt, khô da, sợ ánh sáng, chậm lớn, hay bị ho, sổ mũi…

  • Thiếu vitamin D (có trong sữa và chế phẩm từ sữa, trứng, cá hồi, bơ…): Trẻ chậm tăng trưởng chiều cao, giật mình khi ngủ, nấc cụt…

  • Thiếu vitamin C (có trong các loại trái cây như cam, ổi, dâu, nho,…): Trẻ bị khô da, dễ chảy máu mũi, chảy máu chân răng…

  • Thiếu vitamin nhóm B (như B1, B2, Biotin trong ngũ cốc, các loại hạt…): Trẻ thường biếng ăn, dễ bị phù, viêm bờ niêm mạc, hay quấy khóc, rối loạn tiêu hóa..

  • Thiếu sắt (có trong gan, đậu phụ, cải bó xôi, hải sản…): Thiếu máu (da xanh, niêm mạc nhợt, móng tay nhạt màu…), trẻ hay quấy khóc, khó ngủ, thiếu tập trung…

LỜI KẾT:

Nuôi dưỡng trẻ là một hành trình yêu thương nhưng cũng đầy thử thách, đặc biệt trong việc đảm bảo chất dinh dưỡng đầy đủ cho từng giai đoạn phát triển. Hiểu được điều này, Esearch mang đến cho ba mẹ những bí quyết  để xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, giúp trẻ phát triển toàn diện một cách tốt nhất.

Nguồn: Esearch tổng hợp