Trang chủ
Tin Tức
Cách trò chuyện với trẻ khi người thân qua đời

Việc người thân qua đời khiến người lớn cảm thấy đau đớn, buồn bã, nhưng với trẻ em nếu là trải nghiệm lần đầu thì các bé có thể cảm thấy hoang mang và bối rối không kém. Vậy nên trò chuyện thế nào để giúp các bé có suy nghĩ đúng và điều chỉnh cảm xúc phù hợp? Phụ huynh hãy tham khảo qua bài đọc dưới đây.
Nhận thức về nỗi đau và mất mát khi người thân qua đời là khác nhau ở từng độ tuổi của trẻ nhỏ. Sẽ có bé không biết thế nào là mất đi vĩnh viễn, hoặc có bé trở nên lo lắng rằng liệu những người thân còn lại và bạn bè của mình có mất đi như vậy hay không? Vì vậy bố mẹ, người thân cần dựa trên độ tuổi, mức độ nhận thức, mối quan hệ của trẻ với người đã mất để có cách nói chuyện cho phù hợp.


Trước hết, dù ở độ tuổi nào cũng cần thành thật cho bé biết về việc người thân đã mất. Nên tìm một nơi an toàn, yên tĩnh, có thể cho bé mang theo đồ vật mà bé thích sau đó nói chuyện một cách nhẹ nhàng, chậm rãi để bé có thể nghe từng chút một và có khoảng thời gian để điều chỉnh cảm xúc. Về từ ngữ khi nói với bé, ta nên dùng những từ ngữ không quá thẳng thừng như “chết”, “mất” mà thay vào đó dùng từ như “tin buồn” “qua đời” “không thể gặp lại”… để các bé không bị sốc và gây ra phản ứng dữ dội. 
Tiếp theo là quan sát phản ứng của trẻ. Có trẻ sẽ vờ như không nghe, hoặc trở nên gắt gỏng, thì người lớn nên kiên nhẫn an ủi trẻ để trẻ từ từ chấp nhận. Nhưng sẽ có trẻ có suy nghĩ rằng “Có phải mình làm điều gì đó khiến người thân ra đi như vậy hay không?”. Ở trường hợp này, mọi người cần quan sát kĩ vì trẻ thường không thể hiện rõ. Vì vậy khi nói chuyện, cần nói thêm lí do đơn giản về tin buồn đó để trẻ biết đó không phải là lỗi do trẻ. Ví dụ: “Ông bị bệnh, có nhiều nguyên nhân làm ông mắc bệnh, không phải lỗi do ai cả.”


Sau đó là cho trẻ thể hiện tình yêu với người đã mất bằng một bài thơ, bài hát, hoặc một bức tranh. Việc này giúp trẻ có cảm giác thương tiếc và dần chấp nhận việc người thân đã qua đời. Sau khi tạm biệt với người đã mất, cần cho bé quay lại sinh hoạt bình thường, cố gắng dành thời gian bên trẻ như hoạt động thể thao, học tập, vui chơi,…. Việc này giúp sức khỏe tâm thần của bé trở về trạng thái bình thường, không rơi vào cảm giác buồn bã quá lâu. Nếu trẻ trở nên né tránh hoặc cáu gắt, bố mẹ không nên la hét và phạt bé mà thật kiên nhẫn bên cạnh, dành lời yêu thương an ủi để giúp bé vượt qua. 
Ngoài ra người thân của trẻ cũng cần quan tâm đến sức khỏe thể chất và tinh thần của chính mình để làm chỗ dựa cho các con nhé. 


Nguồn: Esearch tổng hợp