Trang chủ
Tin Tức
Cách giải quyết xô xát ở trẻ

Trẻ con chơi với nhau xô xát, gây hấn và tranh giành đồ chơi là những việc không thể tránh khỏi. Trong tình huống này, ba mẹ cần biết cách xử lý phù hợp để bạo lực không thành thói quen của con. Hãy cùng Esearch đọc qua bài viết này để biết cách giải quyết nhé!

Ba mẹ đừng quá ngạc nhiên khi biết rằng con mình hay đánh nhau với các bạn khác. Đây là một phản ứng khá bình thường ở trẻ nhỏ, thậm chí đánh bạn còn một dấu hiệu để đánh dấu cho một giai đoạn phát triển của trẻ. Khi chưa học được tính tự lập và kỹ năng giao tiếp, việc trẻ dễ bị kích động vì tức giận dẫn đến đánh nhau là một điều dễ hiểu.

 

Lúc này, ba mẹ hay giáo viên hãy dùng phương pháp “hậu quả” để giải quyết xô xát giữa các con.“Hậu quả” là hình thức kỉ luật hiệu quả khi trẻ không thể tự giải quyết vấn đề. Khi trẻ tranh giành chơi game, chúng ta có thể nói: “Các con có thể dùng máy tính nếu nghĩ được cách cả hai đều được sử dụng” hay “Bởi vì các con cãi nhau, các con không được xem TV trong nửa giờ”. “Các con có thể tiếp tục chơi nếu cả hai chia sẻ đồ chơi cho nhau”. Trì hoãn điều mà trẻ muốn làm. Chẳng hạn: “Các con không được đi chơi công viên nếu không hòa giải với nhau”.

“Hậu quả” càng ngắn, tức thời thì càng tốt. Nửa tiếng không được động vào đồ chơi, một tối không được xem TV hay vài phút im lặng đủ để con hiểu được vấn đề. Hình thức kỉ luật này không phải là phạt trẻ nhưng giúp các con hiểu được rõ hậu quả tiêu cực khi xô xát, bất hòa. Hãy bình tĩnh nếu trẻ tiếp tục tranh cãi sang vấn đề khác.

Những bước ở trên có thể phù hợp với trẻ từ 3 tuổi trở lên. Trẻ nhỏ tuổi hơn có thể khó kiểm soát được cảm xúc, hành vi của mình, và không hiểu được hậu quả. Khi đó, đánh lạc hướng trẻ là giải pháp tốt hơn.

 

Các bước cần làm sau mâu thuẫn:

- Bước 1: Dừng hành động, tách trẻ khỏi nhau và khu vực vừa xảy ra xô xát

Khi phát hiện trẻ có xích mích, xô xát, việc đầu tiên nhất mà các bậc phụ huynh cần làm là tách các con ra và sử dụng những câu ngắn gọn không chỉ trích hành vi của trẻ như: “Mẹ cảm thấy không vui khi con làm bạn đau”, “Mẹ không muốn con làm đau bạn”… Việc làm này đơn giản để cho con biết đánh nhau hay làm bạn đau là những hành vi chưa đúng, con cần dừng việc đó lại cho dù muốn hay không và bố mẹ sẽ giúp con tìm hướng giải quyết khác.

- Bước 2: Công nhận cảm xúc của trẻ và cho con thời gian bình tĩnh

Cảm xúc nhất là những cảm xúc tiêu cực thực sự không đáng sợ. Một hành động mà người lớn có thể thường thấy ở trẻ sau một trận tranh giành đó chính là khóc. Nếu trẻ khóc, hãy để con được khóc, bởi vì khóc chính là cách giải tỏa cảm xúc hòa bình nhất và có thể nói là tích cực nhất. Còn nếu con bị yêu cầu ngừng khóc, con sẽ tìm hướng giải tỏa cảm xúc theo cách khác như la hét, khua khoắng tay chân, đập đồ, thậm chí làm đau người xung quanh hay những cách tệ hơn.

Hãy chắc chắn, trẻ đã bình tĩnh lại và có thể trao đổi cũng như tiếp thu thì mới bắt đầu chuyển sang bước tiếp theo. Nếu trẻ vẫn khóc và chưa sẵn sàng, ba mẹ có thể cho con thêm thời gian và cho con biết con có bao nhiêu thời gian để giải tỏa hoàn toàn cảm xúc: “Mẹ thấy con vẫn chưa sẵn sàng đúng không, vậy thì mẹ dành cho con thêm 2 phút để khóc và giải tỏa cảm xúc nốt nhé, sau đó mình sẽ cùng nhau giải quyết vấn đề để con cảm thấy vui và thoải mái hơn này”.

Nói cho con biết nếu con vừa khóc vừa nói, bạn sẽ không hiểu nổi con nói gì và như vậy bạn sẽ không thể giúp gì được cho con cả. Hãy dùng tone giọng bình thường, đừng sốt ruột hay cáu giận vì cảm xúc của người lớn lúc này sẽ điều tiết cảm xúc của con. Cho con thấy, bản thân mình là người rất bình tĩnh, đáng tin và có thể giúp con giải quyết vấn đề một cách tích cực nhất.

- Bước 3: Áp dụng phương pháp “hậu quả” để giải quyết vấn đề

Sau trận xung đột, điều ba mẹ cần làm là giúp con biết cách giải quyết vấn đề trong tương lai, chỉ cho con biết điểm mấu chốt của vấn đề. Chẳng hạn, chúng ta có thể nói: “Không được ai sử dụng máy tính cho đến khi biết được làm thế nào để hòa giải bất hòa.”  Hãy giúp trẻ tự nói lên suy nghĩ cũng như mong muốn của mình.

- Bước 4: Đưa ra những phương án giúp con xử lí cho lần sau

Nên đưa ra 2-3 phương án lựa chọn tích cực và để cho con được lựa chọn và cân nhắc. Bởi vì không ai muốn bị áp đặt đúng không nào. Một cách có tốt đến đâu mà không hề có sự lựa chọn thứ 2 thì việc thực hiện nó vào lần tới cũng giảm bớt sự thoải mái. Hãy thử đưa ra tình huống tương tự và cho con nói lại phương án mà con đã chọn để đảm bảo rằng con đã hiểu cũng như chấp nhận cách giải quyết đó.


Cùng nhau động não và thoải mái đưa ra ý tưởng giải quyết vấn đề. Hãy đánh giá các ý kiến và chọn ra phương pháp mang lại nhiều lợi ích và phù hợp nhất. Nếu không thể nghĩ ra cách giải quyết, ba mẹ có thể tạm ngừng và quay trở lại lúc khác.

Tranh cãi càng trở nên nghiêm trọng nếu xảy ra thường xuyên. Đừng để bất hòa, mâu thuẫn trở thành thói quen bởi khi đó các con rất khó sửa. Khi xảy ra bất hòa, điều quan trọng là ngăn trẻ bị thương và giúp trẻ hòa giải theo hướng tích cực. Khi tình cảm anh chị em hòa thuận sẽ giúp trẻ đương đầu với những khó khăn trong tương lai.

Thực tế, trẻ con cũng giống như người lớn chúng ta, cũng có những lúc tức giận, hậm hực nhau. Thế nhưng trẻ không thể kiềm chế hành vi nông nổi của mình cũng như chưa làm chủ được mình để dàn xếp vấn đề một cách êm xuôi. Là ba mẹ, chúng ta nên dạy trẻ biết cách thương lượng khi có mâu thuẫn cá nhân.

 

Nguồn: Esearch tổng hợp