Trường Phổ Thông Song Ngữ Liên Cấp Wellspring (Trung học)
Giới thiệu
Tập đoàn SSG được đánh giá là một trong những tập đoàn bất động sản và giáo dục có tiềm lực kinh tế vững mạnh hàng đầu tại Việt Nam, Tập đoàn SSG đang từng bước khẳng định vị thế của mình qua mỗi dự án trọng điểm với quy mô ngày càng nâng cao. Được thành lập từ năm 2003, đến nay Tập đoàn SSG đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng bất chấp những diễn biến khó khăn của thị trường tài chính, suy thoái kinh tế và lạm phát nghiêm trọng. Tập đoàn SSG đang tiến hành thành công nhiều dự án cao cấp tại trung tâm thành phố như các dự án: Sài Gòn Pearl, Thảo Điền Pearl, Sài Gòn Airport Plaza và SSG Tower.
Hiện nay Tập đoàn SSG đang tích cực đầu tư vào phát triển giáo dục mà khởi đầu là trường phổ thông song ngữ liên cấp Wellspring Hanoi đã hoàn tất và chính thức đi vào hoạt động từ năm học 2011-2012. Với diện tích lên đến hơn 8 héc-ta và chi phí xây dựng trên 400 tỉ đồng, Wellspring Hanoi là trường song ngữ chất lượng cao đầu tiên tại Việt Nam được Hội đồng Khảo thí Quốc tế thuộc Đại học Cambridge công nhận là trường chuẩn Cambridge (VN299) cho cả 3 cấp học.
Tập đoàn SSG coi trọng sứ mệnh nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo lên tầm quốc tế, góp phần vào sự phát triển của thế hệ trẻ Việt Nam. Đối với dự án trường phổ thông song ngữ liên cấp Wellspring Saigon, Tập đoàn SSG đặt mục tiêu giúp các em tiếp cận với nền giáo dục hiện đại trên thế giới; đào tạo thế hệ tương lai với những nền tảng giáo dục tốt nhất dựa trên sự phát triển toàn diện về mặt đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, kỹ năng tư duy, kỹ năng sống.
Điểm mạnh
CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC TRUNG HỌC
Chương trình giáo dục Trung học của Wellspring Saigon tăng cường định hướng tích hợp kiến thức khoa học, xã hội, củng cố và nâng cao các kỹ năng học thuật trong tất cả các môn học của chương trình Việt Nam và chương trình Quốc tế. Dạy học theo năng lực, lấy học sinh làm trung tâm, học tập thông qua dự án, khám phá tri thức, tạo ra các cơ hội học tập trải nghiệm, giúp học sinh nuôi dưỡng lòng say mê học hỏi, phát triển tư duy phản biện, phát huy tính sáng tạo và tư duy toàn cầu.
Chương trình Việt Nam
Chương trình Việt Nam Trung học được xây dựng từ Chương trình Giáo dục Quốc gia, do Bộ GD & ĐT Việt Nam quy định. Chương trình phát triển theo phương pháp tích hợp, tối ưu hóa nội dung và kết quả đầu ra, đồng thời vẫn bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc dân tộc trong nội dung cốt lõi và hình thức truyền tải giáo dục.
Nội dung học tập của các môn học phát triển theo định hướng chuyên sâu, được phân chia thành học phần với mục tiêu đầu ra rõ ràng, cụ thể. Ngoài ra, giáo viên bộ môn còn thiết kế nội dung theo chuyên đề và cụm chuyên đề, phát triển thành các dự án liên môn nhằm tăng cường cơ hội cho học sinh trải nghiệm và thực hiện các nhiệm vụ học tập.
Với định hướng cá nhân hóa, các giáo viên đánh giá quá trình học tập và rèn luyện phẩm chất đạo đức của từng học sinh thường xuyên và theo định kỳ, dựa trên chuẩn kỹ năng, kiến thức của từng môn học, và yêu cầu cụ thể của từng hoạt động giáo dục. Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh không chỉ thể hiện qua điểm số mà còn được các giáo viên nhận xét trên tất cả các phương diện.
Chương trình Quốc tế
Chương trình Quốc tế Trung học mang đến cho học sinh cơ hội nâng cao các kỹ năng học thuật và sử dụng ngôn ngữ thông qua các môn Ngữ văn Anh, Toán và Khoa học với 100% giáo viên quốc tế. Ngoài việc kế thừa những chuẩn kiến thức và kỹ năng của Khung chương trình Bang Massachusetts, bao gồm chuẩn Common Core và NGSS, chương trình Quốc tế còn được phát triển một cách chọn lọc để có thể tích hợp với chương trình Việt Nam về nội dung, tăng cường vận dụng kiến thức, hoạt động thực hành, cơ hội rèn luyện ngôn ngữ tiếng Anh trong những tình huống giải quyết vấn đề đòi hỏi mức độ tư duy cao.
Bên cạnh các môn học trong hệ thống chuẩn Common Core và NGSS, chương trình Quốc tế cung cấp cho học sinh Trung học các hoạt động định hướng nghề nghiệp, các kỹ năng học đại học và lao động trí óc, chuẩn ngôn ngữ quốc tế (IELTS/TOEFL) và SAT. Học sinh PTTH có thể theo học các khóa học AP để thỏa niềm đam mê học tập và phát huy tiềm năng học thuật của mình.
Cũng như chương trình Việt Nam, hoạt động học tập của học sinh trong các môn học của chương trình Quốc tế được đánh giá trong quá trình và theo định kỳ, bằng điểm số và thông qua nhận xét của giáo viên. Ngoài ra, chương trình Quốc tế sử dụng bài thi Đo lường mức độ tăng trưởng học thuật (MAP Test) do Hiệp hội Khảo thí NWEA Hoa Kỳ thiết kế. Sử dụng hệ thống kiểm tra ngoài không chỉ cung cấp thông tin chi tiết về mức độ tiến bộ trong học tập của học sinh mà còn đảm bảo tính khách quan trong kiểm tra và đánh giá của chương trình Quốc tế.