“Ngày Internet An Toàn Hơn” (tên tiếng Anh: Safer Internet Day) là sự kiện được tổ chức tại Vương quốc Anh bởi Trung tâm Safer Internet vào Thứ 3 tuần thứ 2 của tháng 2 hàng năm nhằm khuyến khích trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới sử dụng công nghệ trực tuyến an toàn và có trách nhiệm hơn.
Trong cuộc sống cái gì cũng sẽ có 2 mặt tốt – xấu và mạng xã hội cũng không ngoại lệ. Từ ngày có Internet, chúng ta có thể dễ dàng giao tiếp trao đổi với nhau dù ở xa, học hỏi vô vàn những kiến thức mới, nghe nhạc, chơi game,... vô cùng tiện lợi. Nhưng ít ai biết rằng đồng thời tồn tại những nguy hiểm khi chúng ta online, đó chính là “Bắt nạt trên mạng” (tiếng Anh: Cyberbullying/Online bullying).
“Bắt nạt trên mạng” là khi một người dùng mạng xã hội hoặc ứng dụng nào đó để làm người khác cảm thấy tồi tệ, suy sụp với những lời lẽ thiếu tôn trọng. Và điển hình nhất là khi chúng ta chơi game, có thể thấy việc “bắt nạt” này cũng xảy ra thường xuyên.
Chính vì vậy mà “Ngày Internet An Toàn Hơn” đã ra đời. Lần đầu tiên tổ chức vào năm 2003, giờ đây, “Ngày Internet An Toàn Hơn” đã phát triển và được tổ chức tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên tất cả các châu lục, đồng thời tiếp cận hàng triệu người trên toàn thế giới. Và đặc biệt vào năm 2023 này, sự kiện ý nghĩa này cũng sẽ đánh dấu mốc kỷ niệm 20 năm tuổi đời của mình.
“Ngày Internet An Toàn Hơn” ở Vương quốc Anh, trẻ em sẽ thực hiện các hoạt động ở trường, ở nhà, trong các nhóm thanh thiếu niên và ở những nơi khác như chơi câu đố và làm bài tập, đọc truyện, xem phim, làm áp phích và thảo luận cách làm thế nào giữ an toàn trên mạng để tuyên truyền về ngày này.
Vậy chính xác nên làm thế nào để giữ an toàn trên mạng?
Nếu các bé nhìn thấy điều gì đó trên mạng khiến bản thân sợ hãi hoặc lo lắng, hoặc nếu bé biết ai đó đang bị bắt nạt, hãy nói với cha mẹ, giáo viên hoặc người lớn mà bé tin tưởng ngay. Nếu ai đó có hành vi không tốt khi đang chơi trò chơi, người lớn có thể giúp bé báo cáo hoặc chặn người chơi đó.
Không nên cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào như: tên đầy đủ, địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ email hoặc mật khẩu,... Đây là những thông tin mật quan trọng, nếu chia sẻ cho người khác sẽ dẫn đến nhiều hệ quả nghiêm trọng.
Không nên gặp những người mà bé chỉ mới biết qua mạng. Có thể những người bé gặp trực tuyến không thực sự như những gì họ nói và các bé có thể gặp nguy hiểm khi gặp họ ngoài đời thực.
Khi nói chuyện với ai đó trực tuyến, hãy lịch sự! Không đăng bất kỳ tin nhắn, hình ảnh hoặc video nào mà bé không muốn mọi người xem. Hãy có trách nhiệm với những gì bé đăng.
Hãy tạo mật khẩu dễ nhớ đối với bản thân nhưng khó đoán đối với người khác. Không bao giờ chia sẻ mật khẩu của mình với người khác.
Đừng mở những tin nhắn trông không thật hoặc từ những người không hề quen biết bởi vì nó có thể chứa virus. Hãy cẩn thận với các email, liên kết, tệp và ảnh bé sẽ mở và nếu bé không chắc chắn, hãy hỏi người lớn.
Không phải tất cả mọi thứ bé đọc trên mạng là sự thật. Khi tìm kiếm thông tin, hãy chắc chắn rằng bé sử dụng một trang web đáng tin cậy và nhớ chọn lọc thông tin khi sử dụng nhé!
Internet cũng là nơi để học tập và làm việc nhưng hãy đảm bảo rằng không dành quá nhiều thời gian trên mạng mà còn phải làm các hoạt động khác nữa!
Mỗi năm “Ngày Internet An Toàn Hơn” kêu gọi hành động từ nhiều người tham gia nhằm cung cấp một môi trường kỹ thuật số an toàn hơn và tốt hơn cho những người dùng trẻ tuổi. Trong sự kiện này, rất nhiều tổ chức địa phương và quốc gia đã cùng nhau nâng cao nhận thức về các phương pháp hay nhất để bảo vệ sự an toàn của chúng ta trên mạng. Khẩu hiệu của “Ngày Internet An Toàn Hơn” đó chính là: Cùng nhau vì một mạng internet tốt hơn!