Home
News
Khen ngợi trẻ như thế nào là phù hợp
Lời khen mang lại nhiều cảm xúc tích cực cho con người, đặc biệt là trẻ em. Là chất xúc tác tạo nên động cơ hoạt động, học tập và phát triển nhận thức của trẻ. Khen ngợi đúng cách giúp trẻ hào hứng, vui vẻ, là phần thưởng tinh thần vô cùng quý giá. Tuy nhiên, việc khen ngợi không đúng cách làm trẻ trở nên tự cao, tự đại, dễ hụt hẫng khi thất bại, thiếu cố gắng và tự tin thái quá. Vậy bố mẹ cần phải khen ngợi trẻ như thế nào là phù hợp?
1. Lời khen cần đúng lúc
Một lời khen có tác động tích cực phải được đưa ra đúng lúc, đúng thời điểm. Khi trẻ gặp khó khăn trong khi làm bài tập thì cần có những lời động viên, khuyến khích tinh thần làm bài của trẻ. Còn những lời khen “Con tập trung tốt hơn rồi đó!”, “Con tiến bộ rồi nè, không còn nhầm lẫn nữa!”, “Con giỏi hơn hôm qua rồi đó, làm bài nhanh hơn rồi này!” là những lời khen cần được chia sẻ sau khi trẻ đã tự mình nỗ lực.  Đúng lúc vì nó không sớm, không muộn; đúng thời điểm trẻ cần một động lực thôi thúc để tiếp tục tin tưởng vào bản thân “sẽ làm được”. Điều này, giúp trẻ tự tin hơn vào năng lực của chính mình.

2. Lời khen nên đúng việc
Trẻ luôn muốn được nghe khen ngợi. Tuy nhiên, không phải bất cứ việc gì cũng nên khen. Bố mẹ không nên khen trẻ một cách tùy tiện vì nghĩ lời khen cũng có lợi. Ví dụ, khi trẻ đang vẽ chân dung một người bạn, trường hợp trẻ vẽ không đẹp thì bố mẹ không nên miễn cưỡng khen “Con vẽ đẹp quá”, trẻ sẽ ỷ lại và nghĩ mình vẽ đẹp, thiếu cố gắng. Thay vào đó hãy nói: “Con thích vẽ lắm phải không?”, “Bố/mẹ thấy con đang rất cố gắng hoàn thiện nó”.

3. Việc khen ngợi cần đúng nơi, đúng chỗ
Bố mẹ thường có tâm lý “Con mình là nhất”. Điều này là một trong những nguyên nhân việc khen con trở nên thái quá và tùy tiện, nhất là xét về yếu tố không gian. Việc khen trẻ trước mặt mọi người, khen trẻ ở nơi công cộng… Trẻ dễ có suy nghĩ “mình là nhất”, trở nên thiếu hòa đồng với các bạn, dần dần bị cô lập. Nếu trẻ đang tham gia thi chạy thì bố mẹ tuyệt đối không được so sánh con với bạn chạy nhanh hơn, vì trẻ sẽ có tư tưởng hơn thua mà khó tiến bộ so với chính bản thân, thay vào đó chỉ cần động viên trẻ cố gắng hết mình thôi. Trong bất kì hoàn cảnh nào, cũng nên khen ngợi con khéo léo, tránh làm con tự ti hoặc quá tự đại trước bạn bè.

4. Lời khen cần cụ thể
Lời khen tích cực là động lực giúp trẻ cố gắng hơn trong mọi hoạt động. Khi lời khen được diễn đạt với nội dung chân thực, cụ thể, nó còn có tác dụng hướng dẫn cho trẻ trong các hoạt động của mình. Hãy hạn chế những lời khen mang tính chung chung và phóng đại “Con thông minh quá!”, “Con rất tuyệt vời!”, “Con quá giỏi!” mà hãy cố gắng “chỉ điểm” cho trẻ mình được khen vì điều gì. 
Nguồn: Esearch tổng hợp