Home
News
Chuyên gia não bộ chia sẻ chìa khóa học tập hiệu quả

Chihiro Hosoda, Phó Giáo sư về Khoa học não bộ tại Đại học Tohoku cho biết, để khuyến khích trẻ ham học hỏi và phát triển bản thân, nên dành lời khen khi trẻ có tiến bộ, hơn là trao các phần thưởng khi hoàn thành bài tập - một chiến lược thường được nhiều bố mẹ áp dụng.

“Điều quan trọng là giúp trẻ kéo dài liên tục việc học mà không bị ám ảnh bởi kết quả đạt được”, bà cho hay. 

Cũng theo Giáo sư, “Não bộ phát triển từ sau ra trước”. Thùy đỉnh nằm gần phần sau trên của hộp sọ, nơi xử lý khả năng vận động của con người, sẽ phát triển hoàn thiện lúc trẻ lên 5. Sau đó mới tới sự phát triển của thùy chẩm nằm ở phần sau cùng của hộp sọ, chịu tránh nhiệm phát triển nhận thức thị giác, bao gồm màu sắc, hình dạng và chuyển động.

Do vậy, ở độ tuổi lên 5, trẻ nên bắt đầu học đánh đàn piano, bơi lội và các hoạt động thể chất khác.

Còn thùy trán nằm ở phần trước của não, chịu trách nhiệm cho nhiều chức năng nhận thức cao hơn như trí nhớ, sự sáng tạo, giải quyết vấn đề... sẽ phát triển hoàn thiện khi trẻ khoảng 13 tuổi.


 parents praising their daughter


Về câu hỏi làm thế nào để phát triển não bộ, bà cho biết: “Khả năng kiên trì rất cần thiết để trở thành người có năng lực cao hơn ở bất kỳ lĩnh vực nào trong cuộc sống”. Tính kiên trì có được nhờ vào việc siêng năng thực hiện liên tục một nhiệm vụ đơn giản, chẳng hạn như học thuộc một từ tiếng Anh mỗi ngày. 

Để thúc đẩy động lực của trẻ, nhiều phụ huynh thường cho phép con xem video trong vòng 30 phút như một phần thưởng nếu hoàn thành bài tập. Tuy nhiên phương pháp này, theo Phó Giáo sư phân tích, sẽ mang lại “hiệu ứng làm suy yếu”. 

 

Khi trẻ hoàn thành một nhiệm vụ nào đó để đạt được phần thưởng thì điều này xuất phát từ động lực bên ngoài. Do vậy, trẻ sẽ ít sẵn sàng để tiếp tục học hơn những bé có động cơ muốn cải thiện bản thân. 

Những trẻ cố gắng học với động cơ từ bên ngoài thường có xu hướng không làm bài tập trừ khi được xem video, hoặc thậm chí cố gắng thương lượng với cha mẹ để kéo dài thời gian sử dụng các thiết bị thông minh nếu hoàn thành bài tập. 

Để giải quyết vấn đề trên, Hosoda nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khen ngợi trẻ. Bà nói rằng trẻ em sẽ dần có thêm động lực từ bên trong và sự tự tin nếu cha mẹ dành lời khen mỗi khi con tiến bộ.

 

Ngay cả khi trẻ đạt được điểm số tuyệt đối, phụ huynh cũng cần khen ngợi cả quá trình nỗ lực của con, thay vì chỉ nói về kết quả. Chẳng hạn, nói với trẻ rằng: “Con đã có thể giải được bài tập khó mà trước đây con chưa làm được”. 

Hơn nữa, cha mẹ cũng nên đánh giá một cách khách quan về khả năng cũng như quá trình phát triển của trẻ. Nếu không nhận định đúng đắn, đầy đủ về tình hình phát triển của con mà so sánh con với các bạn cùng lớp, điều này sẽ tạo ra định kiến tiêu cực khiến trẻ nghĩ rằng mình không thể làm được việc đó. 

Ngoài ra, việc ép buộc con học những gì vượt quá khả năng của chúng cũng dễ làm suy yếu lòng tự trọng của trẻ. Phó Giáo sư nhấn mạnh: “Điều quan trọng với cha mẹ là thường xuyên trò chuyện cùng con và tìm cách giúp con khắc phục các điểm yếu, thay vì cứ cố gắng “đào bới” các khuyết điểm của trẻ."


Nguồn: Kilala