Home
News
Cảnh báo bệnh tay chân miệng gia tăng và cách đối phó

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cảnh báo bệnh tay chân miệng gia tăng trong 4 tháng đầu năm 2022, TP HCM ghi nhận 936 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó, 95% trẻ mắc bệnh ở độ tuổi từ 1-5. Riêng chỉ trong tuần 18 (từ ngày 29-4 đến 5-5), TP ghi nhận 420 ca bệnh tay chân miệng, tăng gần gấp 4 lần so với trung bình 4 tuần trước đó.


Theo HCDC, số ca bệnh tay chân miệng có sự gia tăng báo động ở hầu hết các quận, huyện, TP Thủ Đức đặc biệt ở quận 12, Bình Tân, Gò Vấp, Tân Bình, huyện Hóc Môn, TP Thủ Đức (khu vực 3). Đợt dịch tay chân miệng gần nhất tại TP HCM xảy ra vào năm 2020 với 16.361 ca mắc, không ghi nhận ca tử vong. Chủ yếu vẫn là xảy ra ở trẻ trong độ tuổi đi học.


HCDC nhận định sau khi mọi hoạt động xã hội trở lại trạng thái bình thường sau 2 năm gián đoạn do Covid-19, các chuyên gia dự đoán các dịch bệnh lưu hành thường niên tại TP như sốt xuất huyết, tay chân miệng sẽ diễn biến phức tạp trong năm nay. Do đó, phòng ngừa dịch bệnh ngay từ sớm là điều rất quan trọng, không để dịch bùng phát và nhất là không để gây tử vong.

 

Virus gây bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các bọng nước hoặc phân của người bệnh.  Nguy cơ lây lan mạnh nhất là trong tuần đầu tiên sau khi nhiễm bệnh, nhưng giai đoạn lây nhiễm  có thể kéo dài vài tuần (do virus khu trú trong phân). Hiện nay chưa có phương pháp đặc trị bệnh tay chân miệng. Người bệnh nên uống nhiều nước và có thể dùng thuốc để điều trị triệu chứng như sốt hay đau do các vết loét.


Bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ. Đặc trưng của bệnh này là sốt cao, loét trong khoang miệng, nổi ban có bọng nước ở bàn tay, chân và cả ở mông.


Nguyên nhân gây ra bệnh tay chân miệng?

Các virus thuộc nhóm enterovirus là nguyên nhân gây ra bệnh chân tay miệng.


Bênh tay chân miệng chủ yếu gây ra bởi virus coxsackievirus A16 với ít biến chứng và thường tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh này cũng có thể bắt nguồn từ các virus enterovirus 71 (EV71) với rất nhiều biến chứng nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong.


Bệnh tay chân miệng nghiêm trọng đến mức nào?

Hầu hết bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau khi mắc bệnh ở thể cấp tính.


Bệnh tay chân miệng do nhiễm virus coxsackievirus A16 là bệnh ở thể nhẹ, và gần như tất cả bệnh nhân đều hồi phục sau từ 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị y tế và ít có biến chứng.


Bệnh tay chân miệng gây ra bởi virus EV71 có thể tiến triển thành bệnh viêm màng não và viêm não, và trong một số trường hợp có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm các biến chứng về thần kinh, tim mạch và hô hấp. Đã có những trường hợp tử vong do virusEV71 gây bệnh viêm não trong các đợt bùng phát.


Các triệu chứng bắt đầu xuất hiện bao lâu sau khi nhiễm bệnh?

Thời kỳ ủ bệnh thường thấy (từ khi nhiễm bệnh cho đến khi bắt đầu có triệu chứng) là 3-7 ngày. Sốt, kéo dài từ 24 đến 48 tiếng, là triệu chứng đầu tiên thường gặp của bệnh tay chân miệng.


Bệnh thường bắt đầu với triệu chứng sốt, kém ăn, khó chịu và đau họng.


Từ một đến hai ngày sau khi bị sốt, các nốt mụn lở đau rát xuất hiện trong miệng. Ban đầu là những nốt phồng rộp màu đỏ và thường phát triển thành các vết loét. Các vết loét này chủ yếu ở trên lưỡi, lợi và bên trong má. 

 

Cách Phòng Bệnh Tay Chân Miệng Trẻ Em




Cách phòng bệnh tay chân miệng trẻ em hiệu quả nhất đó là dạy trẻ và cả gia đình giữ vệ sinh cá nhân.


Luôn rửa tay bằng xà phòng sau mỗi lần đi vệ sinh, sau khi chế biến thức ăn và trước khi ăn. Lưu ý ăn chín uống sôi, đặc biệt là trong mùa dịch bệnh. Lau sạch vị trí chuẩn bị thức ăn và bếp nấu cuối mỗi ngày.


Vệ sinh nhà tắm và nhà vệ sinh ít nhất 1 lần một tuần – bạn nên sử dụng dung dịch tẩy rửa diệt khuẩn và nước lau sàn có diệt khuẩn, nhất là khi trong nhà có người vừa ốm dậy.

 

Nguồn: Tổng hợp